Estonia cảnh báo Bắc Kinh đang tăng cường thâm nhập vào EU
Hôm thứ Ba (13/02), Cục Tình báo Đối ngoại (VLA) của Estonia đã cảnh báo Liên minh Âu Châu (EU) rằng, trong năm vừa qua, Bắc Kinh đã tăng cường mời các quan chức EU đến thăm Trung Quốc, đồng thời thường xuyên tiếp xúc với các cá nhân và đảng phái chính trị EU có chung hình thái tư tưởng với họ.
Hôm 13/02, Cục Tình báo Đối ngoại của Estonia đã công bố báo cáo thường niên “An ninh quốc tế và Estonia năm 2024,” trong đó tổng kết chính sách ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Dù là một quốc gia nhỏ nhưng Estonia đã thẳng thắn hơn các quốc gia lớn khác ở châu Âu trong việc lên án Bắc Kinh.
“Kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh nhằm tạo ra gián cách giữa châu Âu và Hoa Kỳ vẫn không thay đổi,” báo cáo cho biết. “Ở cấp độ nhóm công tác chính phủ, Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi những lợi ích chung với liên minh EU, bảo đảm sự tham gia mạnh mẽ của bản thân nước này trên bàn đàm phán, đồng thời tác động để EU đưa ra các quyết định có lợi cho phía Trung Quốc.”
Báo cáo cho thấy Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực mời các quan chức Âu Châu đến thăm Trung Quốc và thông thường họ sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến chuyến thăm. “Mục tiêu là lợi dụng những hoạt động chiêu đãi du lịch này để nuôi dưỡng thái độ ‘thân’ Bắc Kinh hơn trong các quan chức của EU.”
Ngoài ra, ĐCSTQ còn đặt ra nhiệm vụ tăng cường mối liên kết với các “đồng chí” ở ngoại quốc, yêu cầu duy trì quan hệ chính trị với các cá nhân và đảng phái trong liên minh EU có cùng hệ tư tưởng với họ. Đây là một phần trong chiến lược tiếp xúc tích cực ở ngoại quốc của ĐCSTQ.
Báo cáo viết: “Kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế trong tình hình dịch bệnh COVID hồi tháng 01/2023, rõ ràng là Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường đáng kể sự tiếp xúc tích cực với châu Âu”.
Cục Tình báo Đối ngoại của Estonia dự đoán ĐCSTQ sẽ tiếp tục những hành động này vào năm 2024.
Báo cáo viết: “Điều cần phải nhấn mạnh là, Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục chiêu mộ người ngoại quốc (để phục vụ họ), đặc biệt là những người (ngoại quốc) đang ở Trung Quốc.”
Phương Tây nên hiểu rõ thế giới quan của ĐCSTQ, không nên hành động quá sớm
Cục Tình báo Đối ngoại của Estonia cũng cho biết, “ĐCSTQ đang dần thể chế hóa tư tưởng của ông Tập Cận Bình một cách rộng rãi”.
Báo cáo cho biết, với việc thể chế hóa rộng rãi tư tưởng của lãnh đạo ĐCSTQ, thế giới quan của các nhà ngoại giao, giới ký giả và chuyên gia chính sách của ĐCSTQ bắt đầu trở nên mơ hồ.
“Điều này làm tăng nguy cơ Bắc Kinh có thể đánh giá sai tình hình quốc tế. Trong mắt phương Tây, hành vi của phía Trung Quốc là không hợp lý. Điều này ngược lại có thể khiến phương Tây đánh giá sai hơn nữa các hành động tiềm ẩn của Bắc Kinh”, báo cáo cho biết.
Báo cáo kiến nghị, khi phân tích các quyết sách về chính sách ngoại giao của ĐCSTQ, phương Tây cần hiểu sâu hơn về thế giới quan của ĐCSTQ, đồng thời ít sử dụng lối suy nghĩ và mô hình lý trí của phương Tây để nghĩ về các vấn đề của Trung Quốc.
Báo cáo còn đề cập rằng, về mặt chiến lược ngoại giao, Bắc Kinh tiếp tục lấy “Một vành đai, một con đường” làm cốt lõi để theo đuổi lợi ích riêng. Sau khi các hạn chế về dịch bệnh COVID được dỡ bỏ, Bắc Kinh đang cố gắng khôi phục các dự án “Một vành đai, một con đường” trong chính sách cốt lõi của mình. Một số dự án trong đó đã bị gác lại trong thời kỳ dịch bệnh. Một số khác đã bị các nước chủ nhà tạm dừng vì sự phẫn nộ của công chúng.
Trung Quốc lan truyền quan điểm sai lầm về Ukraine
Cục Tình báo Đối ngoại của Estonia trình bày chi tiết cách thức ngoại giao của ĐCSTQ trong việc truyền bá quan điểm sai lầm về Ukraine ra hải ngoại.
Báo cáo cho biết, biện pháp đầu tiên là một thủ đoạn xã giao. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng họ đã cảnh báo Nga không được sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời xem những cảnh báo đó là đóng góp của nước này trong việc trợ giúp Ukraine. Mặt khác, Bắc Kinh khoe khoang họ luôn chú ý đến vấn đề Ukraine và đang đề nghị một kế hoạch hòa bình.