Cộng đồng điều dưỡng được thúc giục đứng ra chống lại tội ác thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc
Thiếu sự đưa tin của các hãng thông tấn, sự im lặng từ cộng đồng y tế, và nỗi sợ hãi về sự trừng phạt của Bắc Kinh, là những lý do khiến các cộng đồng điều dưỡng trên toàn thế giới không biết về việc chính quyền Trung Quốc đang sát hại những người vô tội để lấy nội tạng của họ.
Những bình luận này được đưa ra bởi bà Géraldine Monti, người đã làm y tá hơn 30 năm ở Pháp, tại một hội nghị thượng đỉnh ngành y tá về chống và ngăn chặn việc cưỡng bức lấy nội tạng từ những người hiến tặng không tự nguyện ở Trung Quốc. Sự kiện trực tuyến này do Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) và Học viện Điều dưỡng Pháp y tổ chức hôm 01/11.
Bà Deborah Collins-Perrica, giám đốc điều dưỡng tại DAFOH, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết: “Việc sát hại người vô tội để lấy nội tạng của họ là hành động nghiêm trọng nhất.”
Tuy nhiên, “ở Trung Quốc, hoạt động này được chính quyền chấp thuận và hậu thuẫn,” bà Collins-Perrica nói. “Hoạt động này nằm dưới sự quản lý của cảnh sát và sự giám sát của quân đội.”
Sau các cuộc điều tra kéo dài một năm, một tòa án độc lập có trụ sở tại London đã xác nhận vào năm 2019 rằng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể.” Ban hội thẩm gồm các luật sư và chuyên gia, được gọi là Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), đã kết luận từ những nhân chứng và nhiều lời khai khác nhau rằng những hành động đó là tội ác chống lại nhân loại, trong đó các học viên Pháp Luân Công bị bức hại là nguồn nội tạng chính.
Mô tả hoạt động buôn bán cấy ghép nội tạng của Trung Quốc là một trong những ngành có lợi nhuận cao nhất thế giới, bà Collins-Perrica cho biết ngành này tạo ra một tỷ USD mỗi năm cho chính quyền Trung Quốc.
Bởi vì người Trung Quốc không thích hiến tạng do “mất lòng tin vào hệ thống chính trị và những điều cấm kỵ trong văn hóa,” nên chính quyền Trung Quốc đã mở rộng nguồn nội tạng sẵn có để cấy ghép bằng cách thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống, bà Collins-Perrica cho biết.
Chuyên gia chăm sóc sức khỏe này đã trích dẫn cuộc đàn áp Pháp Luân Công làm ví dụ. Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đã trở nên vô cùng phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990, với ước tính khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên đó.
Khi nhận thấy sự phổ biến của môn tu luyện tinh thần này là một mối đe dọa đối với quyền lực của mình, nhà cầm quyền cộng sản đã phát động một cuộc đàn áp trên toàn quốc vào năm 1999. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị tống vào các nhà tù, trại lao động, và trung tâm tẩy não trên khắp đất nước nơi họ bị tra tấn, cưỡng bức lao động, hoặc thậm chí cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
“Các nạn nhân bị bóc lột, lạm dụng, và chuẩn bị cho việc thu hoạch nội tạng đều được kiểm tra y tế khi bị giam giữ chính trị,” bà Collins-Perrica cho biết. “Điều này đã tạo ra một hệ thống nội tạng theo yêu cầu vốn có thể cung cấp nội tạng cấy ghép nhanh chóng trong vòng vài ngày kể từ ngày thông báo.”
“Giờ đây, một bệnh nhân từ một quốc gia khác đang chờ đợi một ca ghép tạng cứu mạng sống có thể lên mạng và tìm quảng cáo về các trung tâm cấy ghép của Trung Quốc,” bà tiếp tục. “Họ có thể gọi đến các bệnh viện đó và bí mật sắp xếp cho mình một ca cấy ghép.”
“Ngành [kinh doanh bán nội tạng phục vụ cho du lịch ghép tạng] này được coi là hoạt động y tế đáng lo ngại nhất trên thế giới.”
Thiếu nhận thức
Sự kiện trực tuyến hôm thứ Hai (31/10) là “lần đầu tiên loại hình buôn bán người độc nhất này được phơi bày công khai nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng điều dưỡng,” theo bà Collins-Perrica, một cựu y tá lâm sàng tâm thần của Bộ Quốc phòng và Cơ quan Y tế Cựu chiến binh Hoa Kỳ.
Bà Monti, người giữ chức vụ thư ký chi nhánh Âu Châu của DAFOH-Pháp, cho biết hầu hết mọi người đều không hiểu mức độ nghiêm trọng của tội ác này và tác động của nó đối với giới y khoa.
“Hiện tại, trong giới y khoa, mọi người rất ít hoặc không đề cập đến nạn cưỡng bức lấy nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống. Tại sao lại như thế?”
“Đầu tiên, chắc chắn là do thiếu thông tin. Tôi thấy rằng rất ít điều dưỡng viên nhận thức được những tội ác này. Mặc dù các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, nhưng các kênh truyền thông của những điều dưỡng viên này không bao giờ đề cập đến nó.”
“Thứ hai, đôi khi chúng ta nghe nói: ‘Trung Quốc ở rất xa!’ Nên những điều dưỡng viên có thể không cảm thấy lo lắng cho nạn nhân, y tá, hoặc bác sĩ khi nói, ‘Rốt cuộc … thì đó là vấn đề của họ’”
“Giá trị của chúng ta, đạo đức của chúng ta đang ở đâu? Liệu chúng ta có thể cho phép việc một bệnh nhân đang chờ lấy nội tạng nhờ có một người vô tội bị sát hại mà anh ta có thể nhận được nội tạng đó không? Không, tôi nghĩ điều này là không thể chấp nhận được.”
Lý do thứ ba, theo bà Monti, là sự im lặng của các chuyên gia và cơ sở y tế. Bà nói rằng y tá ở hầu hết các quốc gia thường làm theo lời khuyên của bác sĩ, chiến lược y tế quốc gia của chính phủ, hoặc lời khuyên từ các tổ chức y tế nổi tiếng.
“Thứ tư, và đặc biệt hơn trong lĩnh vực cấy ghép, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể sợ ấn tượng mà những tội ác này gây ra cho bệnh nhân và, hậu quả là, làm tổn hại đến các chiến dịch hiến tặng nội tạng ở đất nước của họ.”
Ngoài ra, bà Monti cho biết những người khác có thể không sẵn sàng thảo luận về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do họ có liên quan đến việc đào tạo các chuyên gia y tế Trung Quốc hoặc các lý do kinh tế hoặc chính trị khác.
Hành động
Tuy nhiên, bà Monti cho biết, sự trung lập và im lặng đối với tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức sẽ chỉ khuyến khích kẻ áp bức.
“Nếu chúng ta tiếp tục im lặng, thì điều đó có nghĩa là chúng ta — với tư cách là các chuyên gia y tế — chấp nhận việc những công dân Trung Quốc vô tội và khỏe mạnh bị sát hại để lấy nội tạng.”
“Nếu chúng ta chấp nhận việc công dân Trung Quốc bị sát hại để lấy nội tạng, thì chẳng phải có nghĩa là chúng ta cũng chấp nhận hạ thấp giá trị nhân văn, giá trị đạo đức của mình, và vi phạm luật pháp của mình sao? Đây không phải là sự phá hủy đạo đức của chúng ta sao? Còn các tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc về cấy ghép thì sao? Chúng ta có thể chấp nhận những dữ liệu được thu thập một cách vô đạo đức không?”
“Nếu chúng ta nhìn xa hơn nữa: liệu chúng ta có thể chấp nhận sự hủy hoại các giá trị nhân văn và xã hội dân chủ của chúng ta không?”
Bà Monti đã kêu gọi các y tá trong thế giới dân chủ hãy đứng lên đấu tranh với tội ác chống lại nhân loại của chính quyền Trung Quốc.
“Là y tá ở các nước dân chủ, điều quan trọng là phải đứng lên chống lại Trung Quốc, để bảo vệ các giá trị của nghề điều dưỡng, y đức, và quyền tự do.”
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times