Cộng đồng cấy ghép toàn cầu kêu gọi cấm tài liệu nghiên cứu từ Trung Quốc
Một nhóm các chuyên gia y tế và những người ủng hộ đang kêu gọi các hiệp hội cấy ghép trên toàn thế giới ngừng hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc và cấm các tài liệu nghiên cứu liên quan đến cấy ghép từ Trung Quốc, với lý do lo ngại về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Lời kêu gọi này tiếp nối một hạn chế đầu tiên thuộc loại này do Hiệp hội Cấy ghép Tim Phổi Quốc tế (ISHLT), một hiệp hội cấy ghép bất vụ lợi, ban hành. Hồi cuối tháng Tám, tổ chức này đã thông báo rằng họ sẽ ngừng nhận các tài liệu nghiên cứu cấy ghép từ Trung Quốc, trong một nỗ lực nhằm chấm dứt các hành vi lạm dụng hiện đang được tiến hành dưới sự cai trị của nhà cầm quyền cộng sản.
Nhóm này, do bác sĩ phẫu thuật ghép thận người Anh, Tiến sĩ Adnan Sharif dẫn đầu, đã hoan nghênh quyết định đó trong một bài báo đăng trên Tạp chí Cấy ghép Tim Phổi hôm 22/09.
Nhóm viết, “ISHLT đã nhất mực tuân theo các nguyên tắc đạo đức này, vốn là điều mà chúng tôi ca ngợi, và kêu gọi những người khác tuân theo sự dẫn dắt nguyên tắc của họ.”
“Mặc dù việc trao đổi quốc tế về kiến thức, kỹ năng và chuyên môn là một nét đặc trưng quý giá của ngành cấy ghép và hiến tạng, nhưng việc cộng tác với một chương trình cấy ghép đã bị vấy bẩn bởi bằng chứng đáng tin cậy về thông lệ cấy ghép phi đạo đức [được xem] là tương đương với tội ác phản nhân loại có liên quan đến các nguồn hiến tạng.”
Bằng chứng đã tiếp tục tăng lên kể từ khi các báo cáo và nghiên cứu xuất hiện vào đầu những năm 2000 cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đã cưỡng bức thu hoạch những cơ quan nội tạng quan trọng từ các tù nhân lương tâm bị giam giữ.
Một tòa án nhân dân độc lập đã kết luận vào năm 2019 rằng thông lệ thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được tiến hành ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể”, trong đó học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù là nguồn cung cấp nội tạng chính, vì hàng triệu học viên đã bị bức hại dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Học viên của môn Pháp Luân Công, một môn tu luyện tâm linh bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên chân, thiện, và nhẫn, đã bị ĐCSTQ bức hại tàn bạo từ năm 1999. Các học viên đã bị tống vào nhà tù, trại lao động, và trung tâm tẩy não, nơi nhiều người đã bị tra tấn trong một nỗ lực buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình.
Sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, tòa án này, còn được gọi là Tòa án [Luận tội] Trung Quốc, kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã phạm tội ác phản nhân loại và tuyên bố rằng các chính phủ và các cơ quan quốc tế “phải làm tròn nghĩa vụ của họ” liên quan đến phát hiện này.
Nhóm viết, “Do đó, việc kết giao [với ĐCSTQ] gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các hiệp hội, nhóm, và tổ chức cấy ghép vì đồng lõa với các tội ác tàn bạo và việc truy tố pháp lý sau đó.”
Các chuyên gia khác trong nhóm là Tiến sĩ Sheldon Stone, một thành viên của nhóm vận động Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, và bà Susie Hughes, giám đốc điều hành của nhóm vận động đạo đức cấy ghép Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc.
‘Không thể tin’ dữ liệu chính thức
Năm 2015, chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ ngừng cung cấp nội tạng từ các tù nhân bị tử hình và chỉ dựa vào một hệ thống hiến tạng tình nguyện mới được thiết lập.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sharif và các nhà nghiên cứu khác đã thách thức tuyên bố của nhà cầm quyền này, sau khi các cuộc điều tra gần đây đặt ra nghi ngờ về tính xác thực của số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc về hoạt động hiến tặng và hoạt động cấy ghép.
Họ đã đề cập tới một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí khoa học Đạo đức Y khoa BMC phát hiện ra rằng “số lượng nội tạng hiến tặng mà Bắc Kinh báo cáo không trùng khớp và có bằng chứng rất thuyết phục rằng số liệu đó đang bị làm giả.”
Kết luận này được đưa ra dựa trên việc đánh giá dữ liệu chính thức của Trung Quốc về các cơ quan hiến tặng tự nguyện tại bệnh viện từ năm 2010 đến năm 2018, được Hệ thống Đáp ứng Ghép tạng Trung Quốc và Hiệp hội Hồng Thập Tự Trung Quốc công bố.
Một báo cáo khác, được công bố vào tháng 02/2019 trên tạp chí y khoa BMJ, lưu ý rằng 440 trong số 445 tài liệu y khoa của Trung Quốc không làm rõ liệu các cá nhân có đồng ý hiến bộ phận cơ thể của họ hay không. Nghiên cứu này dựa trên phân tích các bài báo được xuất bản trên các tạp chí được bình duyệt Anh ngữ từ năm 2000 đến năm 2017 bằng cách sử dụng nghiên cứu liên quan đến cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đại lục.
Kêu gọi hành động
Năm 2021, 12 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc và các chuyên gia nhân quyền cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ “vô cùng chấn động trước các báo cáo về việc Bắc Kinh thu hoạch nội tạng từ các nhóm thiểu số bị cầm tù, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và tín đồ Cơ Đốc Giáo.”
Ông Sharif đã kêu gọi các tạp chí y khoa từ chối xuất bản các bài nghiên cứu về cấy ghép nội tạng từ Trung Quốc.
Ông Sharif viết trong một bài bình luận xuất bản vào năm 2021, “Với những cáo buộc đáng tin cậy, và không có bằng chứng phản bác, chúng ta có thể chắc chắn rằng hoạt động của Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực đạo đức không? Nếu không thì những nghiên cứu liên quan đến cấy ghép phi đạo đức cũng chính là phi đạo đức.”
Hồi tháng Tám, ISHLT đã cập nhật chính sách của mình liên quan đến đạo đức cấy ghép.
Tổ chức này tuyên bố, “Xét đến những bằng chứng áp đảo cho thấy chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa độc lập trong việc tiếp tục hỗ trợ một cách có hệ thống việc thu hoạch nội tạng hoặc mô từ các tù nhân bị tử hình, nên ISHLT sẽ không chấp nhận các hồ sơ liên quan đến việc ghép tạng và liên quan đến nội tạng hoặc mô từ người hiến tạng ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Trong lời kêu gọi mới nhất của họ để duy trì các trụ cột đạo đức hỗ trợ nghề y, ông Sharif và các đồng tác giả của ông đã cảnh báo các chuyên gia không nên đào tạo cho các bác sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật vãng lai, những người có thể sử dụng kiến thức lĩnh hội được để áp dụng vào “việc cấy ghép dựa trên nguồn nội tạng từ các tù nhân bị tử hình hoặc bất kỳ tội phạm nào khác liên quan đến cấy ghép” ở nước sở tại của họ.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu, Frank Fang, và Cathy He
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times