Cần làm gì tiếp theo sau khi dự luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức được thông qua?
Giờ đây khi Nghị viện đã thông qua phiên bản dự luật chống buôn bán và thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên toàn cầu của Canada, một số nhân vật chủ chốt tham gia sự nghiệp đại nghĩa này giải thích điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Dự luật S-223, do Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan giới thiệu, được thông qua tại Hạ viện hôm 14/12 với sự ủng hộ đồng loạt của các nghị viên thuộc mọi đảng phái.
Sau khi dự luật được thông qua, tại một buổi tiệc chiêu đãi chúc mừng chiến thắng lịch sử sau gần 15 năm nỗ lực lập pháp này, nghị viên Đảng Bảo Thủ Garnett Genuis, người bảo trợ cho dự luật tại Hạ viện, đã nói về các hành động tiếp theo.
Ông nói với The Epoch Times: “Chúng ta cần tiếp tục thực hiện công việc này để bảo đảm việc thực thi được hiệu quả, làm việc với các tỉnh bang về tiết lộ và báo cáo, để chúng ta có thể xác định các trường hợp buôn bán và thu hoạch nội tạng.”
“Hôm nay là một ngày tuyệt vời, một bước tiến đáng mừng, và tôi hy vọng rằng mọi quốc gia trên thế giới sẽ thông qua loại luật này để cuối cùng chúng ta có thể chấm dứt vấn nạn này.”
Dự luật S-223 sẽ xem việc công dân hoặc thường trú nhân Canada ra hải ngoại để cấy ghép nội tạng — lấy từ những người không chấp thuận một cách có ý thức về việc lấy đi nội tạng đó — là một tội ác hình sự.
Dự luật này cũng sẽ sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Người tị nạn và Nhập cư để quy định rằng, thường trú nhân hoặc công dân ngoại quốc sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Canada nếu họ tham gia vào các hoạt động liên quan đến buôn bán nội tạng người.
Dự luật được giới thiệu hồi tháng Mười Một năm ngoái này hiện không có điều khoản nào bắt buộc các chuyên gia y tế phải báo cáo với các quan chức chính phủ nếu bệnh nhân của họ lựa chọn đi du lịch ghép tạng. Điều này có thể dẫn đến việc cấy ghép nội tạng có được từ các phương thức bất hợp pháp.
“Bước tiếp theo là xét đến việc báo cáo,” ông Genuis nói. “Điều này có thể đòi hỏi một số cuộc đối thoại giữa chính phủ liên bang [và] tỉnh bang xung quanh vấn đề đó, nhưng giờ đây khi dự luật này đã được thông qua, dựa trên những gì luật này hiện quy định, thì đây là cơ hội để các cấp chính phủ xem xét cách họ có thể bảo đảm luật này được thi hành.”
Ông nói thêm, “Nhưng ngay cả khi việc báo cáo là không bắt buộc, tôi nghĩ luật này vẫn là một bước đi quan trọng và tích cực. Người ta vẫn có thể bị truy tố vì việc này, và luật này cũng có tác dụng răn đe mạnh mẽ.”
Đưa ra quy định về báo cáo bắt buộc
Một dự luật tương tự lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2008, nhưng dự luật này đã lụi tàn khi Nghị viện khóa đó mãn nhiệm. Kể từ đó, nhiều dự luật tương tự đã được đưa ra nhưng đều chịu chung số phận khi Nghị viện của một khóa cụ thể nào đó mãn nhiệm do bầu cử hoặc tạm ngừng hoạt động.
Phiên bản gốc của dự luật này là dự luật S-240 của Thượng nghị sĩ Ataullahjan, được đưa ra hồi tháng 10/2017 và không bao gồm điều khoản về báo cáo bắt buộc. Tuy nhiên, điều khoản này đã được giới thiệu trong sáng kiến của Ủy ban Thường trực Thượng viện về Nhân quyền qua “Báo cáo thứ 12” của họ hồi tháng 06/2018.
Báo cáo nêu rõ, “Một bác sĩ y khoa như được định nghĩa trong mục 241.1, người điều trị cho một bệnh nhân có liên quan đến cấy ghép nội tạng phải, ngay khi có thể thực hiện được một cách hợp lý, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền được chỉ định theo lệnh của Thống đốc trong Hội đồng cho mục đích đó, về danh tính của người này, nếu biết được, và thực tế là người này đã được cấy ghép nội tạng.”
Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị đình chỉ khi cựu nghị viên Đảng Tự Do Raj Saini đưa ra một sửa đổi trong Ủy ban Thường vụ về Ngoại giao và Phát triển Quốc tế (FAAE) hồi tháng 02/2019 ủng hộ việc loại bỏ nghĩa vụ báo cáo, với lý do điều khoản này sẽ vi phạm quyền riêng tư giữa bác sĩ và bệnh nhân cũng như xâm phạm thẩm quyền y tế của tỉnh bang và của vùng lãnh thổ, cùng nhiều lý do khác. Sửa đổi này được thông qua bằng một cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ 5 phiếu thuận-4 phiếu chống.
Luật sư nhân quyền David Matas sống tại Winnipeg, người từ lâu đã nghiên cứu về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc đối với các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công, cho biết quy định báo cáo bắt buộc có thể được luật hóa ở cấp tỉnh bang cho Dự luật S-223 để chống lại nạn du lịch ghép tạng một cách hiệu quả.
Ông Matas cho biết trong một thư điện tử hôm 13/12: “Để luật này khởi tác dụng, các tỉnh bang cần yêu cầu các bác sĩ y khoa báo cáo với các cơ quan hữu quan về du lịch ghép tạng.”
“Bệnh nhân du lịch ghép tạng khi trở về cần thuốc chống đào thải và do đó các bác sĩ y khoa sẽ biết. Trừ khi yêu cầu báo cáo về việc những bệnh nhân này mua nội tạng ở ngoại quốc là bắt buộc, nếu không thì vấn đề bảo mật giữa bác sĩ y khoa và bệnh nhân sẽ ngăn cản các bác sĩ y khoa trình báo thông tin này.”
‘Vẫn còn rất nhiều bước cần phải thực hiện’
Năm 2006, ông Matas và cố cựu nghị viên kiêm bộ trưởng nội các David Kilgour đã công bố báo cáo mang tính đột phá có nhan đề “Thu Hoạch Đẫm Máu” — theo sau bằng một cuốn sách cùng tên vào năm 2009 — kết luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngấm ngầm tiến hành thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công trên diện rộng, và sát hại họ trong quá trình này, để bán các bộ phận cơ thể của họ nhằm kiếm lời.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần tĩnh tại dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Dưới quyền cai trị của ông Giang Trạch Dân, lãnh đạo đảng đương thời, vào năm 1999 ĐCSTQ đã khởi xướng một chiến dịch đàn áp sâu rộng đối với môn tu luyện này, và cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.
Năm 2016, ông Matas, ông Kilgour, và ký giả điều tra Ethan Gutmann đã đồng xuất bản một báo cáo dài 680 trang về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Họ ước tính các bệnh viện Trung Quốc đã thực hiện 60,000 đến 100,000 ca phẫu thuật cấy ghép hàng năm, và các học viên Pháp Luân Công là nguồn nội tạng chính.
Trong bài diễn văn trước Nhóm Công tác về Thận của Hội nghị thượng đỉnh Cấy ghép Canada ở Alberta hồi tháng 10/2019, ông Matas cho biết “cần có thêm luật nữa để ban hành quy định bắt buộc báo cáo” nếu như một dự luật như S-240 — vốn không có điều khoản này — được thông qua.
Ông nói, “Bệnh nhân không nên được miễn trừ trách nhiệm pháp lý, mặc dù những cân nhắc áp dụng cho trách nhiệm pháp lý của họ sẽ khác với những cân nhắc áp dụng cho trách nhiệm pháp lý của người khác. Quyền quyết định truy tố đã là đủ để ngăn chặn việc truy tố bệnh nhân một cách không thích đáng.”
Trong cuộc tranh luận đầu tiên về lần đọc thứ ba của Dự luật S-223 tại Quốc hội hôm 05/12, ông Genuis cho biết dự luật này xoay quanh việc “cắt đứt” nhu cầu đối với các cơ quan nội tạng bị thu hoạch và “theo một nghĩa nào đó là trừng phạt” những người tham gia vào hoạt động buôn bán và thu hoạch nội tạng cưỡng bức, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Dự luật này là một bước quan trọng. Vẫn còn rất nhiều bước cần phải thực hiện, nhưng đây là một bước quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy công lý cho [các nạn nhân],” ông nói.
Nghị viên Đảng Bảo Thủ Arnold Viersen, phó chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế của FAAE, cho biết Dự luật S-223 có thể sẽ nhận được sự phê chuẩn của hoàng gia vào tháng 02/2023.
Ông nói với The Epoch Times tại buổi tiệc chiêu đãi hôm 14/12: “Đó sẽ là lúc mà dự luật này được chính thức trở thành thành luật, và lúc đó cảnh sát sẽ có thể điều tra những người đang tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng.”
Bản tin có sự đóng góp của Donna Ho và Limin Zhou
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times