Hikvision của Trung Quốc nằm trong danh sách đen hỗ trợ công an theo dõi người biểu tình, Pháp Luân Công
Theo báo cáo mới nhất từ công ty thông tin giám sát hình ảnh IPVM có trụ sở tại Pennsylvania, đại công ty giám sát hình ảnh Hikvision của Trung Quốc đã kích hoạt các cảnh báo hỗ trợ chính quyền Trung Quốc theo dõi những người biểu tình và các học viên Pháp Luân Công.
Các hoạt động biểu tình bị cảnh báo bao gồm “tụ tập đông người gây rối trật tự nơi công cộng”, “tụ tập, diễn hành, biểu tình trái pháp luật,” và các dấu hiệu dẫn đến việc “kiến nghị,” cùng một số hoạt động khác.
Trong tài liệu kỹ thuật có thể truy cập trên trang web của Hikvision, thì những hành động này được gộp vào cùng với các hành vi vi phạm như “cờ bạc” hoặc “liên quan đến ma túy”.
Những cảnh báo này cũng nhắm vào “tôn giáo” và “Pháp Luân Công.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần với các bài tập tĩnh tại và các bài giảng về đạo đức. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990 với 100 triệu người tập luyện ở Trung Quốc vào cuối thập niên đó. Nhận định đây là một mối đe dọa, nên vào năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm xóa bỏ môn tu luyện này.
Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù và cơ sở giam giữ trên khắp đất nước, nơi họ bị tra tấn và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Các phương pháp cảnh báo
Trang web của công ty này không nêu rõ cách thức hoạt động của những cảnh báo kể trên nhưng lại nói về “các phương pháp cảnh báo” bao gồm “phát hiện khi đang làm nhiệm vụ”, “cảnh báo thiết bị,” và gọi công an.
Ông Charles Rollet, một nhà nghiên cứu của IPVM, đã trình bày chi tiết cách thức áp dụng những phương pháp này.
Công an đang làm nhiệm vụ sẽ có thể báo cáo các sự việc hoặc tình huống dưới dạng trường hợp “503”, mã viết tắt của “các cuộc tụ tập đông người để gây rối trật tự ở những nơi công cộng”. Theo ông Rollet, hệ thống này sau đó có thể gửi cảnh báo đến phần còn lại của sở công an.
Phương pháp tương tự được áp dụng cho “các vi phạm” được liệt kê khác chẳng hạn như tôn giáo hoặc Pháp Luân Công.
Việc “tổng hợp, lưu trữ, và xử lý” dữ liệu là trọng tâm chính của Nền tảng Ứng dụng Thông minh của Hikvision, còn được gọi là Infovision IoT. Một trong những trường hợp sử dụng chính của nền tảng này là “kiểm soát thông minh” các sự kiện.
Tài liệu kỹ thuật này cũng cho thấy lượng dữ liệu cá nhân lớn mà khách hàng của công ty này có thể theo dõi. Một “từ điển nhân sự” liệt kê nhiều đặc điểm cá nhân, chẳng hạn như liên kết chính trị, tôn giáo, và sắc tộc của một người, cũng như các đặc điểm nhận dạng ngoại hình như màu áo, độ tuổi, họ có cười không, tóc dài hay tóc ngắn, hoặc họ đeo kính không.
Khi khám phá này được đưa ra chỉ một tháng sau khi bùng phát các cuộc biểu tình rộng rãi phản đối chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của ĐCSTQ, thì sau đó các hạn chế về đại dịch đột ngột được dỡ bỏ, ông Rollet đã nêu lên những lo ngại về các tác động xấu của hệ thống theo dõi này.
“Sự việc này làm tăng đáng kể những lo ngại về quyền tự do hội họp và tự do tôn giáo,” ông Rollet nói. “Chính ra, hai quyền đó nằm trong hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng trên thực tế, thì chính phủ đàn áp rất mạnh những quyền tự do đó. Vì vậy, tôi lo ngại về cách công nghệ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi các nhóm bị đàn áp.”
Được biết, công ty Trung Quốc này đã xóa cảnh báo “Pháp Luân Công” và “tôn giáo” khỏi trang web của mình sau khi IPVM liên lạc.
Dính líu đến những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương
Hikvision của Trung Quốc sản xuất hơn 1/5 số camera giám sát trên thế giới, và giá trị thị trường của họ đã vượt qua Sony. Sự trỗi dậy của Hikvision thực sự liên quan đến nhu cầu giám sát mở rộng của chính quyền Trung Quốc. Năm 2011, Hikvision đã nhận được dự án giám sát “Thành phố An toàn” Trùng Khánh trị giá 1.2 tỷ USD để thiết lập 200,000 camera giám sát trong ba năm. Chính phủ Trung Quốc có khoảng 40% cổ phần của Hikvision thông qua doanh nghiệp nhà nước Tập đoàn Trung điện Hải Khang (Zhongdian Haikang Group), vốn được đầu tư bởi Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electric).
Hikvision đã bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019 vì liên quan đến các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả việc giam giữ và giám sát hàng loạt. Công ty này đã vấp phải những chỉ trích nặng nề vì cung cấp công nghệ cho chế độ cộng sản Trung Quốc để đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Một báo cáo hồi tháng 11/2019 của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, nói rằng Hikvision “đã trực tiếp tham gia vào việc xây dựng, vận hành, và bảo trì liên tục” một hệ thống tập trung tổng hợp và phân tích một lượng lớn dữ liệu của các cá nhân ở Tân Cương.
Hikvision cung cấp “sự giám sát toàn diện và lập hồ sơ chủng tộc, điều này đang gây ra nỗi kinh hoàng tột cùng cho người Duy Ngô Nhĩ; họ đang tạo ra một nguyên mẫu cho việc giám sát toàn diện ở những nơi khác ở Trung Quốc và có khả năng là, trên toàn thế giới,” bà Louisa Greve, giám đốc vận động toàn cầu tại Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times.
Hikvision đã phủ nhận tất cả các báo cáo về việc hỗ trợ chính phủ Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với công ty này, cũng như các công ty Trung Quốc khác, vì vai trò của họ trong việc tạo thuận tiện cho nhiều hành vi bị cáo buộc là tội ác nhân quyền.
Bản tin có sự đóng góp của Emel Khan and Sean Lin
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times