Chuyên gia: Chính phủ TT Biden tìm cách nối lại chính sách kết giao qua chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken tới Trung Quốc
Theo ông Bradley Thayer, giám đốc chính sách về Trung Quốc tại Trung tâm Chính sách An ninh, qua chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken vào tuần này (12-18/06), chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang tìm cách nối lại chính sách kết giao của mình.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xác nhận rằng trong tuần này, ông Blinken sẽ tới Trung Quốc để gặp giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc.
Ông Blinken sẽ gặp các quan chức cao cấp của Trung Quốc trong một loạt cuộc họp ở Bắc Kinh vào ngày 18/06 và 19/06. Một thông báo của Bộ Ngoại giao cho biết ông Blinken sẽ tìm cách thiết lập lại các cuộc trao đổi thường xuyên giữa hai cường quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết, chuyến thăm kể trên là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ TT Biden nhằm thiết lập các hàng rào bảo vệ xung quanh sự cạnh tranh ngày càng gắt gao giữa hai cường quốc.
“Cạnh tranh gắt gao đòi hỏi chính sách ngoại giao mạnh mẽ và cứng rắn để bảo đảm rằng cạnh tranh không dẫn đến đối đầu hoặc xung đột, và đó là những gì mà chúng tôi dự định cho chuyến thăm này,” ông Miller nói trong cuộc họp báo hôm 14/06.
Ông Miller cho biết ông Blinken sẽ tìm cách đạt được ba mục tiêu lớn ở Bắc Kinh: thiết lập lại đường dây liên lạc bình thường, bảo vệ các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ, và xác định các con đường tiềm năng cho việc hợp tác giữa đôi bên.
Ông Thayer nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu Điểm) của đài truyền hình NTD: “Chúng ta đang chứng kiến một nỗ lực tuyệt vọng của chính phủ ông Biden để quay trở lại chính sách kết giao, chính sách kết giao mà vốn dĩ có nhiều thiếu sót — mà chúng ta đã từng theo đuổi với Trung Quốc trong cả một thế hệ sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc — chính sách đã giúp cho Trung Quốc trở nên giàu có.”
“Đó là chiến tranh chính trị, và phía Trung Quốc đang biến ông Blinken trở thành một kẻ đi van nài,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ ông Biden đang cố gắng hồi tưởng về quá khứ “khi Trung Quốc chịu thỏa hiệp, còn Hoa Kỳ thì không cản trở nước này.”
Ông xem tình thế này là một chiến thắng cho Trung Quốc.
The Epoch Times đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc để đề nghị bình luận.
Bên yếu thế hơn trong cuộc Chiến Tranh Lạnh mới
Theo ông Thayer, sự khác nhau căn bản giữa cái gọi là Chiến Tranh Lạnh lần này và Chiến Tranh Lạnh lần trước nằm ở chỗ “chúng ta có thể yếu thế hơn Trung Quốc.”
Theo quan điểm của ông, Liên Xô bị đánh bại trong Chiến Tranh Lạnh vì nền kinh tế của họ nhỏ hơn.
“Liên Xô có một nền kinh tế bằng một nửa của chúng ta, hoặc có thể là bằng ⅔ quy mô của chúng ta. Và họ đã thua cuộc đua trường kỳ với chúng ta. … Đa phần cuộc đua đó là về phòng thủ,” ông Thayer, cũng là một thành viên sáng lập của “Ủy ban về Mối nguy hiểm Hiện hữu: Trung Quốc” và là đồng tác giả của cuốn sách có nhan đề “Understanding the China Threat” (Hiểu Về Mối Đe Dọa Từ Trung Quốc), cho biết.
“Và chúng ta có những đồng minh tuyệt hảo như Nhật Bản, Nam Hàn, và các đồng minh NATO của chúng ta,” ông nói thêm.
Giờ đây, ông Thayer tin rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc đang có nhiều lợi thế hơn.
Ông nói: “Họ có thể có tính sáng tạo đổi mới hơn. Họ có thể có ưu thế về quân sự hoặc ngang bằng trong một số nền tảng vũ khí hoặc những thứ quan trọng như năng lực hạt nhân, quy mô hải quân.”
“Vì vậy, chúng ta có thể là bên yếu thế hơn trong Chiến Tranh Lạnh lần này. Điều đó rất khó đối với những ai quan tâm đến việc duy trì nền tự do và quyền tự do ở Hoa Kỳ. … Đó là những gì đang bị đe dọa. Và chúng ta có thể yếu thế hơn trong trận chiến lần này. Đây không phải là một tình thế thuận lợi,” ông nói thêm.
Cộng đồng tình báo không cập nhật thông tin
Ông Thayer nêu lên ví dụ về bài báo mới đây của ông, có nhan đề, “Chúng ta cần một Ủy ban 11/09 mới để điều tra mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc.” Ông nói rằng cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã không cập nhật thông tin cho người dân Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong suốt những năm qua.
Ông Thayer nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Trung Quốc đã tăng trưởng từ việc chiếm khoảng 1.6% tổng sản phẩm quốc nội thế giới vào năm 1990 lên chiếm khoảng 19% hiện nay, ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng hàng năm, nền kinh tế của quốc gia này tăng trưởng mà không có cảnh báo từ cộng đồng tình báo về những hậu quả có thể xảy ra.
“Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã biến nước này thành một cường quốc quân sự. Năng lực hạt nhân của Trung Quốc đã phát triển từ một lực lượng khiêm tốn thành một lực lượng sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2030, nếu không muốn nói là vào một thời điểm sớm hơn,” bài báo này viết.
“Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã ở đâu? Ở đây, quốc gia đồng cấp của các vị đang vươn lên, trở nên ngang hàng với các vị, nhưng mà các vị lại không nói với những người ra quyết định, những người ra quyết định về chính trị, những người ra quyết định về quân sự rằng, ‘Này, hiện nay các vị đã có một đối thủ. Và vâng, họ yếu thế hơn, nhưng có lẽ các vị nên thực hiện các biện pháp để đối phó với họ.’ Và giờ đây khi họ đã đạt đến mức ngang bằng với Hoa Kỳ ở một số phương diện, thì chúng ta có mối đe dọa này,” ông nói.
“Và trên thực tế, việc chính các vị đã tài trợ cho họ, đã giúp đẩy nhanh sự trỗi dậy của họ, một lần nữa, là một thất bại quan trọng thứ hai trong hoạt động tình báo,” ông nói thêm.
Ông đề nghị cộng đồng tình báo giải thích với Quốc hội và người Mỹ về việc Trung Quốc sở hữu “sức mạnh như thế nào để đẩy lợi ích của Mỹ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các nơi khác, để có sức mạnh ủng hộ Nga, và để có thể trợ giúp cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và toàn bộ các vấn đề khác.”
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times