Hoa Kỳ trừng phạt các công ty đào tạo phi công Trung Quốc, giúp Trung Quốc phát triển vũ khí
Hôm 12/06, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm hàng chục công ty có trụ sở tại Trung Quốc và các công ty khác vào Danh sách Tổ chức Entity List (pdf), vì lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại.
Bộ Thương mại cho biết một nhóm các công ty, bao gồm Frontier Services Group Ltd., một công ty an ninh và hàng không, và Học viện Bay Thử nghiệm Nam Phi (TFASA), đã bị xử phạt vì “sử dụng các nguồn lực của phương Tây và NATO để cung cấp khóa đào tạo cho các phi công quân sự Trung Quốc.”
Bộ Thương mại đã xem những hoạt động này là trái với các lợi ích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Các công ty bị đưa vào danh sách đó sẽ bị hạn chế xuất cảng.
Bộ này cho biết thêm, các công ty khác đã bị đưa vào danh sách đen vì giúp Trung Quốc chế tạo vũ khí siêu thanh và nâng cấp quân đội.
Ông Matthew Axelrod, trợ lý bộ trưởng thực thi xuất cảng, cho biết trong một tuyên bố: “Điều cấp thiết là chúng ta phải ngăn chặn Trung Quốc mua công nghệ và bí quyết của Hoa Kỳ để kích hoạt các chương trình hiện đại hóa quân sự của họ.”
Thêm vào danh sách này là Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Ryan Wende Bắc Kinh và Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Sinh học Kehua Hechang Tân Cương. Hai công ty này được cho là đã tạo điều kiện cho chính quyền Trung Quốc giám sát người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở khu vực Tân Cương bằng cách cung cấp thiết bị.
Trung Quốc đã chỉ trích việc các biện pháp trừng phạt áp đặt lên các tổ chức của họ, gọi đó là “hành vi sai trái trong việc chính trị hóa, công cụ hóa, và vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, thương mại, và khoa học công nghệ với cái cớ là nhân quyền hoặc các vấn đề liên quan đến quân sự.”
Trong một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm 12/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết: “Hoa Kỳ đã nhiều lần phóng đại khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng quyền lực nhà nước, đàn áp các công ty Trung Quốc một cách vô cớ, và cố tình phá vỡ trật tự kinh tế quốc tế và các quy tắc thương mại.”
Học viện Bay Thử nghiệm của Nam Phi
Intelligence Online đã từng đưa tin trong một bài báo vào tháng 05/2022 rằng Học viện Bay Thử nghiệm của Nam Phi (TFASA) đang tham gia đào tạo phi công cho quân đội Trung Quốc — Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Bài báo này viết rằng: “TFASA đã cung cấp khóa đào tạo phi công thương mại Trung Quốc trong hơn 10 năm qua với sự hợp tác của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), một tập đoàn do nhà nước kiểm soát chuyên chế tạo phi cơ với sự hợp tác của hai công ty dẫn đầu thị trường chế tạo phi cơ là Tập đoàn Boeing và Airbus, cũng như trực thăng và chiến đấu cơ — như JL-10 của PLA.”
“TFASA hoạt động trong một liên doanh với đại công ty hàng không AVIC-Học viện Đào tạo Bay Quốc tế (AIFA), nơi đào tạo các phi công hàng không thương mại Trung Quốc và Phi Châu. Công ty của Nam Phi này có liên kết với Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh (NUAA) và đang cung cấp khóa đào tạo hàng không dân dụng tại tỉnh Liêu Ninh.
Bài báo này còn cho biết thêm: “Họ cũng đào tạo phi công lái phi cơ do công ty con của AVIC, Tập đoàn Phi cơ Thương mại Trung Quốc (COMAC) sản xuất, đang trên đường trở thành nhà sản xuất phi cơ lớn thứ ba thế giới.”
Tháng 04/2022, một video lan truyền trên Twitter tuyên bố là đã quay được cảnh một huấn luyện viên Âu Châu và một phi công của lực lượng không quân Trung Quốc nhảy ra khỏi phi cơ huấn luyện JL-10 của họ ở tỉnh An Huy. Lực lượng Không quân PLA (PLAAF) sử dụng JL-10, một chiến đấu cơ hạng nhẹ siêu âm, cho các nhiệm vụ huấn luyện. Hongdu Aviation Industry Corp, một bộ phận của AVIC, là công ty sản xuất JL-10.
Trung Quốc thuê các phi công
Tháng 10/2022, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh (MoD) đã đưa ra một cảnh báo tình báo sau khi có báo cáo rằng khoảng 30 cựu phi công phản lực cơ và trực thăng đã được thuê thông qua các gói bồi thường béo bở khoảng 270,000 USD một năm để giúp đào tạo các phi công của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh nói với The Epoch Times trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 28/10/2022, nói rằng Bộ sẽ thực hiện các bước quyết định để ngăn chính quyền Trung Quốc cố gắng săn lùng các phi công quân sự hiện tại hoặc trước đây của Vương quốc Anh để huấn luyện cho lực lượng vũ trang ở Trung Quốc.
Phát ngôn viên này cho hay: “Tất cả nhân viên đang phục vụ và cựu nhân viên đều phải tuân theo Đạo luật Bí mật Chính thức (Official Secrets Act), và chúng tôi đang xem xét việc sử dụng các hợp đồng bảo mật và thỏa thuận không tiết lộ trong Bộ Quốc phòng, trong khi Dự luật An ninh Quốc gia mới sẽ tạo ra các quy định bổ sung để giải quyết các thách thức an ninh đương thời — bao gồm cả vấn đề này.”
Cựu phi công quân sự Hoa Kỳ bị bắt
Vào ngày 21/10/2022, một cựu phi công quân sự của Hoa Kỳ, ông Daniel Edmund Duggan, đã bị bắt tại Úc, và đang chờ dẫn độ sang Hoa Kỳ vì bị cáo buộc làm việc cho một công ty tư vấn hàng không Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2020.
Ông Duggan, sinh ra ở Boston, đã bị bắt giữ tại Úc kể từ tháng 10/2022 và trình diện tại một tòa án Sydney hồi tháng Ba qua liên kết video từ một phòng giam để điều trần ngắn gọn về yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của Efthymis Oraiopoulos, Jenny Li, và Olivia Li
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times