BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Vụ án hối lộ nhắm vào Pháp Luân Công tiết lộ ‘cuộc chiến ngầm’ của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ
Nhà điêu khắc Trần Duy Minh (Chen Weiming) không xa lạ gì với ông Trần Quân (Chen Jun), người vừa bị bắt vì có âm mưu giúp nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc thực hiện cuộc đàn áp của họ trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Cách đây nhiều năm, ông đã từng nghe những lời đe dọa từ ông Trần Quân.
“Để tôi nói cho các vị biết, nếu các vị có hộ chiếu Trung Quốc, và chúng tôi chụp ảnh các vị, thì các vị không bao giờ có thể quay trở về Trung Quốc,” ông Trần Quân nói với ông và những người bất đồng chính kiến Trung Quốc khác ở Los Angeles trong một vụ tranh cãi gay gắt, nhà điêu khắc này nhớ lại.
Ông Trần Duy Minh và những người khác lúc đó đang phản đối một sự kiện thượng cờ ủng hộ Bắc Kinh do ông Trần Quân tổ chức, đây là một trong số nhiều sự kiện mà ông ta đã sắp xếp ở Monterey Park, California. Giống như mọi năm, một lá cờ Trung Quốc đã được kéo lên tại Công viên Barnes nơi tràn ngập những đồ trang trí đỏ rực để kỷ niệm 70 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cai trị Trung Quốc.
“Nếu các vị trở về nước, các vị sẽ bị bắt ngay lập tức,” ông Trần Quân nói, khuếch đại giọng nói của mình qua một chiếc loa treo quanh cổ.
Thời điểm đó là vào tháng 09/2019. Ba năm rưỡi sau, vào ngày 26/05, chính ông Trần Quân đã bị FBI bắt giữ tại nhà riêng ở thành phố Chino. Người đàn ông đã trở thành công dân Hoa Kỳ này là đối tượng trong một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp vì bị cáo buộc đóng vai trò là kẻ tiếp tay cho chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh. Chiến dịch lần này của họ là nhắm vào nhóm tín ngưỡng bị đàn áp Pháp Luân Công.
Chiến dịch đàn áp toàn cầu
Pháp Luân Công, gồm các bài công pháp tĩnh tại cùng các bài giảng đạo đức tập trung vào nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đã trở thành mục tiêu chính của chính quyền Trung Quốc kể từ năm 1999, khi chế độ này bắt đầu một cuộc thập tự chinh tàn nhẫn nhằm xóa sổ môn tu luyện tinh thần này. ĐCSTQ xem sự phổ biến rộng rãi của môn tu luyện, vốn đã thu hút tới 100 triệu học viên vào thời điểm đó, là mối đe dọa đối với quyền cai trị độc đoán của mình.
Ở Trung Quốc, hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công tiếp tục bị sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện, tra tấn, và bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Nhưng ngay cả các học viên và những người bất đồng chính kiến bên ngoài biên giới Trung Quốc cũng không thoát khỏi âm mưu của ĐCSTQ. Từ do thám và hành hung đến tống tiền, chế độ này đã khai triển một loạt các chiến thuật cưỡng chế được thiết kế đặc biệt để bịt miệng và dập tắt bất kỳ tiếng nói nào được xem là bất lợi cho Bắc Kinh.
Những chiến dịch như vậy, được gọi chung là cuộc đàn áp xuyên quốc gia, gần đây đã được đưa ra ánh sáng khi các công tố viên Hoa Kỳ tiến hành cáo buộc hàng chục đặc vụ Trung Quốc và công dân Hoa Kỳ dính líu đến các âm mưu đàn áp do chế độ này chỉ đạo trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Chỉ trong sáu tuần qua, Bộ Tư pháp đã buộc tội 40 thành viên của lực lượng công an quốc gia Trung Quốc vì đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền trên mạng để sách nhiễu các cư dân Hoa Kỳ, bắt giữ một người đàn ông ở Boston được cho là đang bí mật đưa cho Bắc Kinh một “danh sách đen” những người chỉ trích Trung Quốc, và bắt giữ thêm hai người nữa ở New York đang giám sát một trong bốn đồn công an Trung Quốc đầy tai tiếng ở Hoa Kỳ.
Hồ sơ tòa án cho thấy, một trong những người đàn ông bị bắt giữ vì những hoạt động phi pháp của công an Trung Quốc có liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ. Vào năm 2015, ông Trần Kim Bình (Chen Jinping) đã nhận được một bằng khen ghi nhận những nỗ lực của ông này trong việc đứng ra tổ chức nhóm người biểu tình được thuê nhằm mục đích phản đối hoạt động thỉnh nguyện của các học viên Pháp Luân Công, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Hoa Thịnh Đốn trong cùng năm đó.
Trong vụ án của ông Trần Quân, các công tố viên cáo buộc rằng ông ta và một đồng phạm đã bắt tay với các quan chức ở Trung Quốc để dàn dựng một kế hoạch phá hoại một tổ chức bất vụ lợi do các học viên Pháp Luân Công điều hành ở Hoa Kỳ, bằng cách cố gắng tước bỏ tình trạng miễn thuế của tổ chức này.
Hồ sơ tòa án cho thấy ông Trần Quân đã đề nghị trả 50,000 USD cho một đặc vụ chìm của FBI, người mà ông ta tưởng là đang làm việc cho IRS, để cố gắng đệ trình một khiếu nại tố giác vốn không đúng sự thật lên IRS để chống lại tổ chức bất vụ lợi này. Trong một cuộc trò chuyện được ghi âm, ông Trần Quân cho biết mục tiêu của ông là giúp chế độ “lật đổ” nhóm tín ngưỡng này.
Hồ sơ tòa án cho thấy ông Trần Quân đã làm việc dưới sự chỉ đạo của một quan chức Trung Quốc ẩn danh và được chế độ này cung cấp tiền để hối lộ.
Mặc dù các tài liệu không nêu rõ người chỉ đạo ông Trần Quân đang làm việc cho cơ quan nào, nhưng trong tài liệu có nhắc nhiều lần đến siêu đô thị Thiên Tân, nơi ông Trần Quân sinh ra và lớn lên. Trong nhiều năm, thành phố này đã đóng vai trò là cứ điểm chính của Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật tương tự Gestapo, với nhiệm vụ chính là giám sát cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Người chỉ đạo ông Trần Quân dường như cũng đến từ Thiên Tân — khi ông Trần Quân gọi điện cho một đồng phạm khác để thảo luận về kế hoạch trả tiền, ông ta nói rằng sẽ “liên lạc lại với Thiên Tân.”
Ông Trần Quân nói rằng quan chức này là “người phụ trách chính của những vấn đề này.”
“Họ cũng như anh em một nhà,” ông Trần Quân từng nói với đặc vụ ngầm của FBI về các cộng sự người Trung Quốc của mình, theo đơn kiện. “Chúng tôi bắt đầu cuộc chiến chống lại [Pháp Luân Công] hai mươi, ba mươi năm trước. Họ luôn sát cánh cùng chúng tôi.”
‘Cuộc chiến ngầm’
Đối với các nhà phân tích và những người ủng hộ Trung Quốc, vụ án mới đây chỉ là một ví dụ nữa về chiến dịch bành trướng đã được biết đến từ lâu của Bắc Kinh nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến ở ngoại quốc.
Bà Laura Harth, giám đốc chiến dịch của tổ chức Safeguard Defenders, vốn tập trung vào nhân quyền của Trung Quốc, nói với The Epoch Times: “Đó là một mô hình đang nổi lên.”
Bà cho biết, vụ án hối lộ này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm.”
Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy, bà Harth vẫn choáng váng trước những chiến thuật mà ông Trần Quân và các đồng phạm sử dụng theo như thông tin mà Bộ Tư pháp đã nêu chi tiết.
Bà nói, kế hoạch hối lộ này đã chứng minh cho “quy mô và tính sáng tạo” trong những nỗ lực của chế độ này, cũng như “sự táo bạo mà họ cảm thấy có thể phủi tay khỏi” những hành động này.
Nỗ lực nhằm lật đổ các thể chế của Hoa Kỳ theo như cáo buộc, cũng gây chú ý đối với các nhà phân tích Trung Quốc khác.
“Quý vị không chỉ bàn về việc tổ chức cho một số người chống lại cuộc biểu tình hoặc cố gắng thuyết phục ai đó quay trở về Trung Quốc, hay giám sát một người bất đồng chính kiến. Đây thực sự là một nỗ lực nhằm sử dụng các thể chế của Hoa Kỳ, gồm những thứ như hệ thống tố giác và bảo vệ, để về căn bản là truy lùng một người được xác định là kẻ thù của ĐCSTQ,” bà Sarah Cook, một nhà phân tích cao cấp về Trung Quốc tại Freedom House, nói với The Epoch Times.
Đối với bà, việc này cho thấy cả “mức độ nỗ lực lẫn nguồn lực mà ĐCSTQ đang đầu tư để nhắm vào Pháp Luân Công, ít nhất là ở Hoa Kỳ,” và “mức độ mà ĐCSTQ sẵn sàng lợi dụng các thể chế dân chủ để chống lại chúng ta.”
Ông Nicholas Eftimiades, nguyên là nhà phân tích tình báo của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) chuyên về gián điệp Trung Quốc, xem vụ việc mới nhất này là một phần trong “cuộc chiến ngầm” của Bắc Kinh — một “nỗ lực to lớn trong việc bành trướng ra toàn thế giới” của Trung Quốc, nhằm “gây ảnh hưởng và làm bại hoại các chính phủ và quy trình chính trị ngoại quốc.”
“Thực sự, để khiến một người nào đó ở Hoa Kỳ biến một lời nói dối như thế thành sự thật, buộc chính phủ Hoa Kỳ phải đưa ra hành động chính thức, và hối lộ các quan chức Hoa Kỳ — đó là hành vi tham nhũng ở thời điểm cao trào của của cuộc chiến tranh này,” ông Eftimiades nói với The Epoch Times, “đó là điều thường được các cơ quan tình báo và các nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện. “Do đó, chúng ta thấy rằng chính quyềnTrung Quốc đã hành xử như vậy.”
‘Dấu hiệu cảnh báo sớm’
Tại quận Los Angeles, ông Trần Quân, 70 tuổi, còn được gọi là John, vốn đã nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại với vai trò là người có tiếng nói của chính quyền Trung Quốc. Là một cựu chiến binh của lực lượng không quân Trung Quốc, ông Trần Quân đã từng là đại diện thương mại của Thiên Tân trước khi di cư đến California, tại đây ông nắm giữ các vị trí hàng đầu trong một loạt các tổ chức thân Bắc Kinh, trong đó có hai tổ chức do ông tự thành lập, theo các bài báo của truyền thông Trung Quốc. Các bài báo cho biết, ông đã tổ chức khoảng hai chục sự kiện thượng cờ hàng năm chẳng hạn như sự kiện năm 2019 và viết một số cuốn sách thổi phồng những câu chuyện của chính quyền này. Ông đã vận động các cộng đồng người Hoa tại địa phương đi chào đón các quan chức hàng đầu của Trung Quốc khi họ đến thăm Hoa Kỳ, cũng như tổ chức các cuộc biểu tình mà chính quyền này xem là “yêu nước.”
Trước sự liên kết chặt chẽ của ông với chính quyền này, thì việc ông đã đồng hành cùng chính quyền này trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công là không có gì đáng ngạc nhiên.
Ông Ngũ Phàm (Wu Fan), cựu tổng biên tập tạp chí Hoa ngữ ủng hộ dân chủ Mùa xuân Bắc Kinh và là nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc, nhớ lại cuộc tranh luận về cuộc đàn áp với ông Trần Quân trên đài phát thanh hồi đầu năm 2001. Trong khoảng 20 cuộc trò chuyện tương tự khác giữa họ về nhiều chủ đề của Trung Quốc, ông Ngũ nhớ lại rằng ông Trần Quân đã lặp đi lặp lại các luận điểm nhà cầm quyền Trung Quốc.
“Có vẻ như mục tiêu cuộc đời của ông ấy là đi theo ĐCSTQ,” ông Ngô nói với The Epoch Times.
Ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp có trụ sở tại New York, cho biết hành động của Hoa Kỳ trước âm mưu hối lộ IRS nói trên, vốn vẫn đang diễn ra vào thời điểm những người đàn ông này bị bắt, cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã “thực sự nắm bắt được những thông tin mới nhất về phạm vi và quy mô thâm nhập toàn diện của ĐCSTQ vào đất nước này.”
Ông nói với The Epoch Times: “Tôi đã gặp rất nhiều người nghĩ rằng vấn đề Pháp Luân Công thực sự là dấu hiệu cảnh báo sớm đối với tất cả người Mỹ. Ông nói, theo nhiều cách, ông tin rằng cộng đồng Pháp Luân Công “đã và đang là tiếng nói đi đầu trong việc cố gắng không chỉ vạch trần cuộc bức hại mà còn tiết lộ bản chất thực sự của ĐCSTQ trên trường thế giới.”
Ông nói: “Chứng kiến những gì ĐCSTQ làm với Pháp Luân Công và hiểu bản chất của mối đe dọa đó là gì cũng như cách đối phó với điều này, đó là một bài giáo huấn lớn cho tất cả người Mỹ,” ông nói. “Nếu bất kỳ ai, không chỉ Pháp Luân Công, thấy mình ở phía đối lập với ĐCSTQ và đang làm hoặc nói điều gì đó mà ĐCSTQ không thích, thì ai dám nói rằng ĐCSTQ sẽ không làm điều tương tự với họ?”
Một tác phẩm điêu khắc bị nhắm mục tiêu
Ba ngày sau cuộc tranh cãi tại Công viên Barnes năm 2019, ông Trần Duy Minh đã đệ đơn kiện cáo buộc ông Trần Quân vi phạm quyền tự do ngôn luận của mình, mặc dù cuối cùng ông đã không theo đuổi việc đó do thiếu nguồn tài trợ.
Nghệ sĩ ủng hộ dân chủ ở California này thấy rằng lời mô tả ông Trần Quân và đồng phạm của ông là “đặc vụ phi pháp” cho Bắc Kinh trong thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp là chính xác.
“Không nghi ngờ gì nữa, ông ta là một đặc vụ của ĐCSTQ,” ông Trần Duy Minh nói với The Epoch Times. “Nếu không, làm sao ông ta lấy tư cách một cá nhân mà có thể tuyên bố rằng ông ta có thể khiến tôi bị bắt? Ông ta có quyền hạn gì?”
Ông Trần Duy Minh, giống như những người khác, đã trực tiếp nếm trải sự trả đũa của chính quyền này.
Theo hồ sơ tòa án, với âm mưu hủy hoại một trong những tác phẩm nghệ thuật chỉ trích chính quyền của ông Trần Duy Minh, ông Matthew Ziburis, cựu nhân viên quản giáo ở Florida và là cựu vệ sĩ, đã tiếp cận người nghệ sĩ New Zealand gốc Hoa đang sinh sống ở California này. Ông Matthew đóng giả là một nhà buôn nghệ thuật muốn mua các tác phẩm được trưng bày trong một bảo tàng ở New York của ông Trần Duy Minh.
Tác phẩm điêu khắc này đã bị những kẻ phá hoại hủy hoại hồi tháng Bảy năm 2021 sau khi nghệ sĩ Trần cho ra mắt công chúng tại Công viên Điêu khắc Liberty ở Yermo, California. Đây là một bức tượng bán thân khắc họa ông Tập như một phân tử virus corona. Không rõ liệu ông Ziburis, người đã ở thành phố New York trong cuộc tấn công đốt phá đó, có chịu trách nhiệm về việc phá hủy tác phẩm điêu khắc này hay không, nhưng hai đồng phạm khác của ông Ziburis, một trong số họ sống ở Trung Quốc, đã thảo luận về những hành động như vậy trong các cuộc trò chuyện không đề ngày tháng được trích dẫn trong hồ sơ tòa án nói trên.
Liên quan đến kế hoạch hối lộ cơ quan thuế được công khai gần đây, các đặc vụ Trung Quốc đã trả 1,500 USD cho một nhân viên IRS để lấy được bản kê khai thuế của ông Trần Duy Minh, với niềm tin rằng họ có thể tìm thấy bằng chứng trốn thuế để làm mất uy tín của ông.
Đối với những người bất đồng chính kiến, “ĐCSTQ cố gắng bằng mọi cách có thể để đe dọa quý vị và hủy hoại thanh danh của quý vị,” nhà điêu khắc cho biết. Hôm 04/06, ông đã công bố tác phẩm mới nhất của mình — một bức tượng về một bà mẹ của tám đứa con bị ngược đãi xiềng xích trước một chiếc lồng kim loại có gắn dòng chữ “Trung Quốc,” sự hiện diện của bức tượng này đã khiến đất nước này kinh hoàng hồi năm ngoái và đôi khi làm lu mờ Thế vận hội mùa đông của Bắc Kinh.
Khi ông Trần Duy Minh đang điều hành một tờ báo ủng hộ dân chủ, New Times Weekly, ở New Zealand, cảnh sát đã nhiều lần nhận được những tin báo nặc danh mà không có bằng chứng, cáo buộc rằng văn phòng của tờ báo này đã tham gia buôn bán ma túy và gian lận thuế.
‘Lời cảnh tỉnh’
Tại Quốc hội, một số nhà lập pháp cũng đang quan tâm đến các chiến dịch gây ảnh hưởng ngầm của Trung Quốc.
“FBI gọi đây là ‘cuộc đàn áp xuyên quốc gia,’ nhưng chúng ta nên hiểu rõ rằng đây là một kẻ thù ngoại bang đủ táo bạo để gây tội đối với những người mà họ cho là mối đe dọa ở Hoa Kỳ,” Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói với The Epoch Times sau khi hồ sơ vụ án hối lộ IRS được tiết lộ.
Dân biểu Ashley Hinson (Cộng Hòa-Iowa), một thành viên của ủy ban này, cho biết thông tin tiết lộ từ vụ án này là một “lời cảnh tỉnh cho mọi người ở đây.”
“Không có gì làm Đảng Cộng sản Trung Quốc thù ghét hơn là những người đang theo đuổi tự do — những người muốn thực hành tôn giáo mà họ muốn thực hành — những gì chúng ta có ở đây tại Hoa Kỳ, và đó là một mối đe dọa đối với họ,” bà Hinson nói trong chương trình “Capitol Report” của đài truyền hình NTD.
“Vậy nên sự việc này đang xảy ra ngay bên trong đất nước của chúng ta mỗi từng ngày, dù là họ đang cố hối lộ một nhân viên IRS, hay lẻn vào các căn cứ quân sự của chúng ta. Họ không phải là bằng hữu của chúng ta, và nếu chúng ta không buộc họ chịu trách nhiệm, và cho họ thấy chúng ta mạnh mẽ, và chúng ta nghiêm túc về vấn đề này, thì họ sẽ lợi dụng điều đó, giống như họ đã làm trong nhiều thập niên.”
Đánh giá phản ứng của Hoa Kỳ
Từ góc độ an ninh quốc gia, ông Eftimiades xem các hoạt động đàn áp từ phía Trung Quốc là một cơ hội để các quốc gia đánh giá lại mối bang giao của họ với Trung Quốc và quyết định xem liệu lợi ích thương mại từ Trung Quốc có xứng đáng để đổi lấy rủi ro an ninh quốc gia hay không.
Ông nói rằng để đối phó với “hoạt động tội phạm lan tràn” do nhà nước hậu thuẫn như vậy, thì chỉ riêng việc thực thi pháp luật là không hiệu quả.
Cách tiếp cận của Hoa Kỳ phải toàn diện, có chiến lược, và sử dụng “tất cả các yếu tố của sức mạnh quốc gia … bởi vì đó là cách Trung Quốc tiếp cận tình hình,” ông cho biết.
Theo ông Eftimiades, ở quy mô rộng hơn, Hoa Kỳ cũng nên phối hợp với các đồng minh, có thể là ban hành các biện pháp trừng phạt hoặc cách khác, để làm cho sự răn đe có hiệu quả trên toàn cầu.
Hồi tháng Ba, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã giới thiệu Đạo luật Chính sách Đàn áp Xuyên quốc gia, nhằm mục đích buộc các chính phủ và cá nhân ngoại quốc phải chịu trách nhiệm khi họ theo dõi, đe dọa, sách nhiễu, cưỡng ép, hoặc tấn công người dân ở Hoa Kỳ — hoặc công dân Hoa Kỳ ở ngoại quốc.
Ông Gallagher cũng đã đề nghị tăng hình phạt đối với những người thực hiện hành vi sách nhiễu có chủ đích nếu họ làm như vậy thay mặt cho một quốc gia địch thủ ngoại quốc.
Ông Eftimiades ủng hộ các hình phạt khác, chẳng hạn như đưa thủ phạm vào danh sách “cấm bay” và cấm đầu tư vào các chính quyền khu vực ở Trung Quốc có liên quan.
Qua vụ khinh khí cầu gián điệp nổi bật gần đây của chế độ cộng sản này và mạng lưới trị an của họ trên hơn 100 quốc gia, điều mà Đức nghi ngờ vẫn đang hoạt động ở nước họ tính đến giữa tháng Năm, phương Tây dường như cuối cùng cũng chú ý.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo G-7 đã kêu gọi Trung Quốc “không tiến hành các hoạt động can thiệp nhằm ngầm phá hoại an ninh và an toàn của các cộng đồng của chúng ta, sự toàn vẹn của các thể chế dân chủ của chúng ta, và sự thịnh vượng kinh tế của chúng ta.”
“Chiếc lưới này đang khép lại” đối với các lực lượng tay sai của Bắc Kinh, nghệ sĩ bất đồng chính kiến ở California cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông rất vui vì phương Tây “cuối cùng đã hiểu vấn đề này.”
Ông nói, “ĐCSTQ sẽ không bao giờ chấp nhận các giá trị của phương Tây, chừng nào họ còn có tiền và quyền lực, họ sẽ muốn xuất cảng mô hình độc tài của mình, và định hình lại toàn bộ thế giới bằng mô hình đó.”
Ông Eftimiades tập trung vào sự cần thiết của một phản ứng “toàn chính phủ” đối với các chiến dịch hoạt động ngầm của Bắc Kinh.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times