Ngoại trưởng Blinken gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc vào ngày thứ 2 của chuyến công du
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm thứ Hai (19/06), vài giờ sau khi kết thúc cuộc hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị.
Ông Blinken đã đến Trung Quốc hôm 17/06 để bắt đầu một chuyến công du kéo dài hai ngày, chuyến đi mà chính phủ Tổng thống (TT) Biden tìm cách duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm Chủ Nhật (18/06), ông Blinken đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang), và các cuộc đàm phán của họ đã được các quan chức của cả hai bên mô tả là “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng.”
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cuộc gặp của ông Tập và ông Blinken sẽ sớm diễn ra.
Vài giờ trước đó, ông Blinken và ông Vương đã bắt tay và chụp ảnh chung trước khi bắt đầu cuộc họp kín của họ.
Trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm với ông Vương, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết ông Blinken “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý sự cạnh tranh một cách có trách nhiệm giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thông qua các tuyến liên lạc mở để bảo đảm việc cạnh tranh không dẫn đến xung đột.”
Theo một tuyên bố từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc hội đàm, ông Vương cáo buộc Hoa Kỳ có “nhận thức sai lầm” về Trung Quốc, dẫn đến quan hệ song phương trở nên căng thẳng như hiện nay. Ông Vương yêu cầu phía Hoa Kỳ “sâu sắc suy ngẫm lại” và hợp tác với Bắc Kinh.
Theo tuyên bố của Trung Quốc, ông Vương cũng yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc và ủng hộ yêu sách lãnh thổ của nước này đối với Đài Loan.
Chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế thương mại đối với các công ty và tổ chức Trung Quốc trong những năm gần đây. Các ví dụ mới đây bao gồm việc thêm 28 tổ chức Trung Quốc vào danh sách cấm của Hoa Kỳ hồi tháng Ba, vì những mối liên hệ được cho là của họ với quân đội Iran.
Trước chuyến đi của ông Blinken, một nhóm các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã viết thư cho vị ngoại trưởng này, yêu cầu ông thêm một điểm dừng chân ở Đài Loan vào hành trình của mình. Chính quyền cộng sản Bắc Kinh đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực quân sự để xâm chiếm hòn đảo tự trị này.
Chuyến đi của ông Blinken, đánh dấu việc quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, đã bị một số thành viên Đảng Cộng Hòa và các chuyên gia chỉ trích là một sai lầm, trong đó có một số người nêu ra ví dụ về các chiến thuật gây hấn gần đây của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.
Đầu năm nay, quân đội Hoa Kỳ đã phải bắn hạ một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc, sau khi khí cầu này bay qua bầu trời lục địa Hoa Kỳ trong khoảng một tuần. Gần đây, chính phủ TT Biden tiết lộ rằng Trung Quốc đang vận hành một căn cứ có khả năng thu thập thông tin tình báo ở Cuba.
Ban đầu, ông Blinken dự định đến thăm Trung Quốc vào tháng Hai, nhưng chuyến công du của ông đã bị hoãn sau khi khinh khí cầu do thám Trung Quốc được đưa tin rộng rãi tại Hoa Kỳ.
Những lo ngại
Hôm Chủ Nhật, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster cho rằng ông Blinken có thể đã đặt Hoa Kỳ vào thế yếu khi đến thăm Trung Quốc.
Ông McMaster nói với chương trình “Face the Nation” của đài CBS: “Với chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới đó, điều này có thể thể hiện một chút yếu thế.”
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã rất nóng lòng muốn có cuộc thảo luận này với người Trung Quốc và người Trung Quốc đã thực sự tỏ ra khó tiếp cận để có được cuộc thảo luận này,” ông McMaster nói thêm. “Tôi nghĩ những gì họ hy vọng với hiệu ứng hình ảnh của cuộc họp này, và tôi chắc rằng Ngoại trưởng Blinken nhận thức khá rõ về điều này, đó là tạo ra nhận thức rằng chúng ta đến đó để bày tỏ lòng tôn trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp đến phương Tây và Hoa Kỳ: ‘Này, chúng tôi đang nắm quyền. Các vị đã tiêu rồi,’” ông McMaster tiếp tục. “Và tôi nghĩ đó là dấu hiệu cho thấy những gì họ hy vọng đạt được … đó là tạo ra một loại khu vực ưu việt độc quyền trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chẳng hạn, họ đã tuyên bố chủ quyền đối với đại dương ở Biển Đông.”
Ông Gordon Chang, một thành viên cao cấp tại Viện Gatestone, đã đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ muốn duy trì đối thoại với Trung Quốc.
“Tại sao chúng ta nên cố gắng ‘duy trì liên lạc’? Trung Quốc nói khi họ muốn và sẽ không nói khi họ không muốn. Chúng ta không nên van nài để liên lạc,” ông Chang viết trên Twitter hôm 18/06. “Van nài là không cần thiết và mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy trong khi họ chẳng có.”
Đối với một số người, vấn đề chính là liệu ông Blinken có sử dụng các cuộc gặp mặt trực tiếp của mình với các quan chức ĐCSTQ để nêu lên những lo ngại về những hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc hay không.
“Tôi hy vọng trong những cuộc nói chuyện ‘thẳng thắn’ này, Ngoại trưởng Blinken đã đề cập đến tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, sự đàn áp đối với Hồng Kông và sự đàn áp tự do tôn giáo và nhân quyền của chính quyền Trung Quốc!” Mục sư Patrick Mahoney từ tổ chức Christian Defense Coalition viết trên Twitter hôm 18/06.
Ở Trung Quốc, chế độ cộng sản đã bức hại một cách có hệ thống các Cơ Đốc nhân, học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ. Ở vùng Tân Cương, miền viễn tây của Trung Quốc, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung của Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với lao động cưỡng bức, tra tấn, lạm dụng tình dục, truyền bá chính trị, cưỡng ép phá thai, và cưỡng bức triệt sản.
Ông Kenneth Roth, cựu giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết ông Blinken nên đề cập đến cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc, mà chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ định là tội ác diệt chủng.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times