Thủ tướng New Zealand gặp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trong bối cảnh suy thoái kinh tế
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm 29 người đến Trung Quốc vào tuần tới để gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cao cấp khác của Trung Quốc.
Ông Hipkins cho biết: “Kể từ khi trở thành Thủ tướng, tôi đã ưu tiên hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng xuất cảng nhằm phát triển nền kinh tế của chúng ta.”
“Trung Quốc chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất cảng của chúng ta, là nguồn khách du lịch lớn thứ hai của chúng ta trước đại dịch COVID và là một nguồn sinh viên quốc tế đáng kể, vì vậy đây là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế của chúng ta.”
Đây là chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một thủ tướng New Zealand kể từ thời cựu Thủ tướng Jacinda Ardern, người đã đến thăm Bắc Kinh ngay trước đại dịch COVID-19.
Ông Hipkins sẽ đến thăm Bắc Kinh, Thiên Tân, và Thượng Hải từ ngày 25 đến 30/06 và tham gia một loạt sự kiện, bao gồm có một bài diễn văn quan trọng tại Đại học Bắc Kinh và khởi động một quan hệ đối tác du lịch tại Thượng Hải.
“Phía Đông Trung Quốc là một trung tâm quan trọng đối với các doanh nghiệp New Zealand. Tôi mong muốn được kết nối với các nhóm và đối tác Trung Quốc của họ ở Thượng Hải và giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, đẳng cấp thế giới của chúng tôi tại một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới,” ông nói.
Phái đoàn doanh nghiệp sẽ bao gồm các đại diện từ ngành du lịch và giáo dục của New Zealand như một phần trong nỗ lực của chính phủ Đảng Lao Động nhằm hồi sinh nền kinh tế của nước này.
Quyết định này được đưa ra sau khi tổ chức thống kê Stats NZ gần đây tiết lộ rằng New Zealand đã rơi vào suy thoái kỹ thuật (technical recession), được định nghĩa là hai quý liên tiếp tăng trưởng GDP thực âm.
Các số liệu cho thấy nền kinh tế đã giảm 0.1% trong quý tháng Ba sau khi giảm 0.7% trong quý tháng Mười Hai trước đó.
Một sự sụt giảm hoạt động trong các dịch vụ kinh doanh là nguyên nhân giảm xuống lớn nhất, đặc biệt là dịch vụ tư vấn quản lý và quảng cáo.
Bộ trưởng Tài chính Grant Robertson không mấy xem trọng tin tức này, cho rằng đó “không phải là một bất ngờ.”
Hôm 15/06, ông cho biết, “Kết quả của ngày hôm nay phù hợp với định nghĩa về một đợt suy thoái kỹ thuật ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, nhờ vào khả năng phục hồi của nền kinh tế New Zealand, trong đó có cả tỷ lệ thất nghiệp thấp trong lịch sử, thì đợt suy thoái này sẽ không có tác động giống như thuật ngữ này thường đề cập.”
Vẫn còn ràng buộc với Trung Quốc
Khi lần đầu tiên thông báo về chuyến công du của mình, ông Hipkins lưu ý rằng hồi năm 2022, xuất cảng sang Trung Quốc trị giá 21 tỷ AUD (13 tỷ USD), tương đương 1/4 kim ngạch xuất cảng.
Tuy nhiên, ông bác bỏ thông tin cho rằng New Zealand đang đầu tư vào một nơi duy nhất trước những cảnh báo nhằm đa dạng hóa các đối tác thương mại.
“Tất nhiên, Trung Quốc là một đối tác thương mại hiện tại và là một đối tác có giá trị đối với New Zealand,” ông nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp nội các hôm 12/06.
“Tuy nhiên, công việc mà chúng tôi đang thực hiện xung quanh hiệp định thương mại tự do của EU, hiệp định thương mại tự do của Vương quốc Anh, và các cuộc thảo luận thương mại khác của chúng tôi trong nhiều bối cảnh khác nhau — bao gồm, đáng chú ý là CPTPP — là một phần trong kế hoạch phối hợp thực sự của chúng tôi để đa dạng hóa tổng thị phần xuất cảng của chúng tôi.”
Khi đề cập đến hành động cân bằng của New Zealand với Bắc Kinh, ông Hipkins cho biết New Zealand luôn tự hào về việc có một lập trường ổn định và nhất quán.
“Điều đó có nghĩa là nơi nào chúng tôi có các lo ngại về nhân quyền, chúng tôi sẽ nêu ra; nơi nào chúng tôi lo ngại về thương mại hoặc bất kỳ vấn đề chính sách đối ngoại nào khác, chúng tôi sẽ nêu ra những vấn đề đó,” ông nói.
“Vì vậy, mối bang giao của chúng tôi với Trung Quốc luôn dựa trên việc xác định rõ lập trường của chúng tôi và, quý vị biết đấy, nhất quán với lập trường của chúng tôi, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó.”
Hôm 09/06, New Zealand cũng đã cùng với Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, và Nhật Bản lên án các biện pháp cưỡng bách kinh tế.
“Chúng tôi có một cuộc đối thoại mạnh mẽ, đang diễn ra với Trung Quốc, và chúng tôi luôn phản đối rất rõ ràng trước sự cưỡng bách kinh tế. Chúng tôi tin vào một hệ thống dựa trên quy tắc. Đó là điều mà New Zealand luôn ủng hộ, và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó,” ông Hipkins nói.
“Bất kỳ quốc gia nào tìm cách sử dụng biện pháp cưỡng bách kinh tế đều là mục tiêu của tuyên bố đó.”
New Zealand đã quan sát nước láng giềng gần nhất của mình, Úc, là mục tiêu liên tục bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bách kinh tế.
Ông Blinken thăm Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng
Chuyến công du của ông Hipkins diễn ra sau cuộc gặp gỡ của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken với ông Tập hôm 19/06 trong bối cảnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang căng thẳng và là chuyến công du chính thức cao cấp nhất tới Trung Quốc của chính phủ Tổng thống Biden cho đến nay.
Trình bày trước báo giới, ông cho rằng mối bang giao này rõ ràng là đang ở một điểm bất ổn.
“Chúng tôi sẽ không thành công trong mọi vấn đề giữa chúng tôi vào bất kỳ ngày nào, nhưng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, theo các điều khoản mà chúng tôi đặt ra cho chuyến đi này, chúng tôi đã đạt được tiến bộ, và chúng tôi đang tiến về phía trước,” ông Blinken cho hay.
Ông cũng nhắc lại rằng Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc,” nhưng bày tỏ lo ngại về các hành động khiêu khích gần đây của Bắc Kinh.
“Lý do khiến đây là một mối lo ngại của rất nhiều quốc gia, không chỉ Hoa Kỳ, là vì nếu có một cuộc khủng hoảng về vấn đề Đài Loan, thì khả năng là điều đó sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới,” ông nói.
Theo ông Blinken, quyết định của Hoa Kỳ nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh về Đài Bắc dựa trên kỳ vọng rằng tương lai của hòn đảo tự trị này sẽ được xác định thông qua các biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, chuyên gia về Trung Quốc Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá tại Đại học Công nghệ Sydney, cảnh báo rằng việc giao kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giống như “đùa với lửa.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times