New Zealand: Các thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh, EU có ‘các điều khoản thuận lợi hơn’ so với Trung Quốc
Lãnh đạo New Zealand nói rằng mặc dù quốc gia của ông có “lợi ích kinh tế lớn” ở Trung Quốc, nhưng họ cũng nhìn thấy “các thị trường có giá trị cao” thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh, Liên minh Âu châu, và một nhóm thương mại Á Châu-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Chris Hipkins đã đưa ra nhận xét này tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp Trung Quốc ở Auckland hôm 17/07 và ông tái khẳng định cam kết thúc đẩy các cơ hội thương mại cho các nhà xuất cảng trong bối cảnh toàn cầu phức tạp.
Trong bài diễn thuyết của mình, ông Hipkins nói rằng Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của New Zealand, đóng góp hơn 40 tỷ USD cho nền kinh tế New Zealand, với sữa, thịt, và lâm nghiệp là ba mặt hàng xuất cảng hàng đầu.
Ông Hipkins cho biết mặc dù Trung Quốc là một “thị trường hấp dẫn”, nhưng việc hoàn tất các FTA với Vương quốc Anh, EU, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại cho các nhà xuất cảng “các điều khoản mậu dịch thuận lợi hơn trước đây trong một phạm vi rộng của các thị trường khác, cũng quan trọng như vậy và có giá trị cao.”
Ông nói, “Bảy FTA mới hoặc được cập nhật mà chúng tôi đã ký kể từ năm 2017 đã chứng kiến hàng hóa được miễn thuế trong FTA tăng từ 52% kim ngạch xuất cảng lên gần 3/4.”
Nhận xét của ông được đưa ra một ngày sau khi chính phủ Anh quốc chính thức gia nhập CPTPP — một khối thương mại Á Châu-Thái Bình Dương bao gồm New Zealand và 10 quốc gia khác — trong một cuộc họp ở New Zealand.
Khối thương mại này bao gồm hơn 500 triệu người và 15% nền kinh tế thế giới. Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Anh quốc đạt được kể từ khi rời EU hơn 3 năm trước. Anh quốc cũng đã ký các thỏa thuận thương mại riêng với Úc và New Zealand.
Hoa Kỳ không phải là một phần của khối này, bởi vì cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi tổ chức tiền thân của nó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập khối.
Khu vực Thái Bình Dương trở nên ‘kém an toàn’
Ông Hipkins tuyên bố rằng khi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng trở nên “hung hăng hơn” trong chính sách đối ngoại của họ.
“Theo cách riêng của họ, Trung Quốc đã ‘đứng lên’ và hiện đang khẳng định lợi ích của mình trên toàn cầu,” ông nói. “Việc các quốc gia theo đuổi lợi ích của mình và sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để gây ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế là điều bình thường.”
Ông Hipkins nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và cách quốc gia này tìm cách phát huy ảnh hưởng của mình là động lực chính của cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi đã trở nên “cạnh tranh nhiều hơn” và “kém an toàn hơn.”
Ông nói thêm, New Zealand sẽ tiếp tục yêu cầu một cách tiếp cận “cẩn trọng” trong mối quan hệ với Trung Quốc vì môi trường toàn cầu phức tạp.
Ông Hipkins nói: “Khi tiếp xúc với giới lãnh đạo Trung Quốc, tôi đã đưa ra quan điểm rằng trong mối quan hệ này, chúng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện thẳng thắn nhưng tôn trọng về các vấn đề mà chúng tôi còn khác biệt.”
“Và như tôi đã lưu ý, giao tiếp trực tiếp là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của New Zealand. Trong môi trường toàn cầu phức tạp này, đối thoại và gắn kết là quan trọng hơn bao giờ hết.”
“Các cuộc trò chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chúng rất cần thiết.”
Nền kinh tế của New Zealand chủ yếu phụ thuộc vào đối tác thương mại lớn nhất của họ là Trung Quốc và chính phủ New Zealand thường không có lập trường mạnh mẽ chống lại ĐCSTQ. Ông Hipkins đã nói rằng quan hệ với Trung Quốc là “phức tạp nhất” và sẽ cần “tiếp tục tiếp xúc.”
Tháng trước (06/2023), ông Hipkins đã có cuộc hội đàm với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tại Bắc Kinh để tái khẳng định mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai nước. Ông Tập cho biết Trung Quốc luôn coi New Zealand là “bạn và đối tác.”
Ông Hipkins nói với các phóng viên: “Mối quan hệ kinh tế… cho đến nay là chủ đề lớn nhất mà chúng tôi thảo luận, nhưng chúng tôi cũng thảo luận về một loạt các vấn đề quốc tế, bao gồm cả các mối quan hệ quốc tế.”
Giáo sư Anne-Marie Brady, một chuyên gia và nhà phê bình về Trung Quốc, cho biết bà tin rằng các nhà lãnh đạo New Zealand cẩn trọng hơn khi chỉ trích ĐCSTQ so với các quốc gia phương Tây khác vì sức mạnh quân sự yếu kém của New Zealand.
Bản tin có sự đóng góp của Rebecca Zhu và The Associated Press
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times