Cơ quan gián điệp: Tình báo Trung Quốc đứng sau hoạt động can thiệp, phản gián ở New Zealand
Cơ quan Tình báo An ninh New Zealand (NZSIS) cảnh báo về sự can thiệp và hoạt động gián điệp của ngoại quốc ở nước này thông qua các nhóm mà họ tin là làm việc cho nhánh tình báo của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Hôm 11/08, NZSIS công bố báo cáo “môi trường đe dọa an ninh” (pdf) không cơ mật đầu tiên của mình, trong đó xác định Trung Quốc, Iran, và Nga là ba quốc gia chịu trách nhiệm về hoạt động can thiệp của ngoại quốc ở New Zealand.
Mục tiêu chính của hoạt động can thiệp này là những người nhập cư mà có thể bị một quốc gia ngoại quốc xem là những người bất đồng chính kiến. Báo cáo nói rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc tiếp tục nhắm mục tiêu vào các cộng đồng người gốc Hoa cư trú tại New Zealand.
Về Iran, NZSIS cáo buộc rằng quốc gia này tiến hành hoạt động can thiệp vào xã hội, bao gồm giám sát và cung cấp báo cáo về các cộng đồng người Iran và các nhóm bất đồng chính kiến định cư ở New Zealand.
“Mặc dù chỉ có một vài quốc gia chỉ thị hoạt động như vậy đối với New Zealand, nhưng một số quốc gia lại làm như vậy một cách dai dẳng và có khả năng gây ra tác hại đáng kể cho các cấu trúc quản trị, nền dân chủ, và sự gắn kết xã hội của chúng ta,” báo cáo viết.
“Đặc biệt, những quốc gia thực hiện hoạt động can thiệp của ngoại quốc thường là những quốc gia độc đoán, hà khắc, hoặc có tinh thần chủ nghĩa dân tộc cao,” báo cáo nói thêm.
Báo cáo không nói chi tiết về sự can thiệp của Nga vào New Zealand nhưng tuyên bố rằng các chiến dịch thông tin sai lệch quốc tế của Nga đã tác động đến “quan điểm của một số người New Zealand.”
Ông Andrew Hampton, tổng giám đốc an ninh của NZSIS, nói rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia đang trở nên “gay gắt hơn,” khiến một số quốc gia phải “tìm kiếm lợi thế thông qua các biện pháp lật đổ và không trung thực” như gián điệp và can thiệp của ngoại quốc đối với New Zealand.
Trong một thông cáo báo chí, ông Hampton cho biết: “NZSIS biết rất rõ rằng những người chịu trách nhiệm về mối đe dọa can thiệp của ngoại quốc là chính các quốc gia và những người hành động thay mặt họ.”
Lo lắng về sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc
Trong báo cáo của mình, NZSIS nhấn mạnh rằng họ đã biết về hoạt động tình báo đang diễn ra có liên quan đến Bắc Kinh ở New Zealand và khu vực Nam Thái Bình Dương, gọi đó là “mối lo ngại tình báo phức tạp” đối với New Zealand.
Họ cảnh báo rằng so với những thập niên gần đây thì môi trường an ninh quốc tế hiện nay “nhiều thách thức hơn và khó dự đoán hơn,” với “sự gây hấn ngày càng tăng” của Trung Quốc đang thúc đẩy cạnh tranh chiến lược.
“Những nỗ lực của CHND Trung Hoa nhằm gia tăng can dự về chính trị, kinh tế, quân sự, và an ninh ở Thái Bình Dương là yếu tố chính thúc đẩy cạnh tranh chiến lược trong khu vực quê nhà của chúng ta,” báo cáo viết, đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“CHND Trung Hoa có năng lực tình báo và an ninh đáng kể và ngày càng tăng, và những nỗ lực của họ đang làm tăng khả năng New Zealand phải gánh chịu những hậu quả của cạnh tranh chiến lược,” báo cáo nói thêm.
Các cáo buộc nhắm vào Trung Quốc là mới nhất trong một loạt các bình luận gần đây từ phía chính phủ nước này, nêu rõ những lo ngại về hành vi gây hấn và ảnh hưởng gây mất ổn định của Trung Quốc.
New Zealand, một phần của liên minh tình báo và an ninh Ngũ Nhãn (Five Eyes) bao gồm cả Úc, Anh, Canada, và Hoa Kỳ, trước đây đã thực hiện cách tiếp cận thỏa hiệp hơn với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, nhưng trong những tháng gần đây đã nêu ra những lo ngại công khai về hành động của nước này thường xuyên hơn.
Tháng trước (07/2023), Thủ tướng Chris Hipkins cho biết New Zealand sẽ cần có “những cuộc đối thoại cứng rắn” với Trung Quốc về các lĩnh vực mà quan điểm và lợi ích quốc gia của họ xung đột để duy trì mối quan hệ song phương.
“Rõ ràng là New Zealand và Trung Quốc có một số quan điểm khác nhau. Chúng ta không có chung truyền thống dân chủ như chúng ta có với các đối tác khác như Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ,” ông Hipkins nói tại Viện Sự vụ Quốc tế New Zealand (NZIIA).
Ông nói thêm: “Lập trường khác nhau của chúng ta về nhân quyền là một lĩnh vực bất đồng. Và trong các vấn đề toàn cầu, chúng ta đã bày tỏ lo ngại về thái độ gây hấn hơn của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề.”
Ông Hipkins nhấn mạnh rằng chính sách đối ngoại “độc lập” của New Zealand không đồng nghĩa với “trung lập,” và chính phủ của ông muốn có “sự kết giao cởi mở và trung thực” với Trung Quốc hơn.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times