Truyền thông New Zealand: ĐCSTQ can thiệp và xâm nhập quốc gia này trong hàng chục năm
Trong thời gian Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Jiang) thực hiện chuyến thăm New Zealand từ ngày 13 đến 15/06, một bộ phim tài liệu mới nói về sự thâm nhập, hoạt động của Mặt trận Thống nhất và gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại New Zealand đã được ra mắt. Bộ phim tiết lộ sự xâm nhập và can thiệp của ĐCSTQ vào quốc gia này đã kéo dài hàng chục năm, tấn công vào nền tảng dân chủ của New Zealand.
Bộ phim tài liệu mới “The Long Game” (Cuộc chiến Kéo dài) do Stuff Circuit, một nhóm điều tra thuộc hãng truyền thông Stuff nổi tiếng của New Zealand, thực hiện. Bộ phim cáo buộc chính quyền ĐCSTQ sử dụng công an chìm, mật vụ, và các nhân viên bí mật khác để thực hiện các hoạt động đàn áp xuyên quốc gia như giám sát, khống chế, quấy rối, đe dọa, dụ dỗ, và bắt cóc những người bất đồng chính kiến [với ĐCSTQ] tại New Zealand; sử dụng tiền tài và danh nghĩa giao lưu văn hóa để thâm nhập vào chính trường địa phương; thậm chí cố gắng đưa kiểm duyệt truyền thông của ĐCSTQ vào New Zealand trong thời gian dài.
Giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh New Zealand (SIS) Andrew Hampton, nói với Stuff Circuit rằng, “hoạt động can thiệp của ngoại quốc ở New Zealand là lâu dài, đặc biệt là những hoạt động do Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện.”
Hai ký giả điều tra kỳ cựu của Stuff, bà Paula Penfold và bà Louisa Cleave, đã dành hơn hai năm để tiến hành nhiều cuộc điều tra và phỏng vấn hàng chục người. Hai nữ ký giả cũng xuất hiện trong bộ phim tài liệu này. Họ cho biết những người được phỏng vấn “lần lượt kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện ‘nước ấm luộc ếch,’” “đến khi quý vị nhận ra rằng nước đang sôi, thì thực ta quý vị đã mất mạng rồi.” Đây chính là điều mà ĐCSTQ đang làm với New Zealand.
Cuộc bức hại đối với những người bất đồng chính kiến và các học viên Pháp Luân Công ở hải ngoại
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) là một cựu quan chức ngoại giao của Trung Quốc hiện đang lưu vong ở hải ngoại. Khi làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ hồi năm 2023, ông Trần cho biết nhiệm vụ hàng đầu mỗi ngày của các Lãnh sự quán và Đại sứ quán của Trung Quốc trên khắp thế giới là phát động cuộc chiến có hệ thống chống lại Pháp Luân Công. Điểm đặc biệt của cuộc đàn áp Pháp Luân Công là trong mỗi phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc trú tại hải ngoại đều thiết lập một cơ quan chuyên trách, thực hiện các hoạt động chống Pháp Luân Công tại quốc gia sở tại.
Một ví dụ điển hình khác về cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ là việc thiết lập nhiều đồn công an chìm trên khắp thế giới. Tháng 04/2023, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã bắt giữ và cáo buộc hai người Mỹ gốc Hoa bị tình nghi điều hành đồn công an 110 của Trung Quốc tại thành phố New York. Hai người này có liên hệ với Bộ Công an của Trung Quốc .
Trong phim tài liệu, cô Wendy Cao, học viên Pháp Luân Công tại New Zealand, đã hồi tưởng lại việc cô bị nhân viên phía ĐCSTQ đe dọa sát hại khi cô tham gia cuộc biểu tình ôn hòa hồi năm 2008 nhằm phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Hoa lục. Sau đó, trong lúc lái xe cô phát hiện lốp xe của mình bị phá hoại có chủ đích. Người thợ sửa xe cho cô lúc ấy cho biết, “việc này rất hiếm khi xảy ra,” mặt trong của hai lốp trước có vết cắt giống như bị dao rạch. Đây là lốp mới, không phải do lốp cũ bị hỏng, cũng không thể là do nguyên nhân khác gây ra. “Nếu lốp xe bị nổ trên đường cao tốc, cô sẽ mất kiểm soát, rất nguy hiểm,” người thợ cho biết.
Ngày 21/07/2020, ba nhà hoạt động dân chủ đã gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường cao tốc gần Tokoroa. Ba người này dự định tham gia cuộc biểu tình phản đối sự xâm nhập của ĐCSTQ tại Tòa nhà Quốc hội Wellington vào ngày 22/07 và đệ trình thư kháng nghị với nội dung liên quan.
Ông Tập Vệ Quốc (Xi Weiguo, 48 tuổi, là Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Trung Quốc chi nhánh tại New Zealand) và ông Vương Lạc Thành (Wang Lecheng, 47 tuổi, thành viên của Hội Văn Bút Độc Lập Trung Quốc) đã tử vong trong vụ tai nạn. Một nhà hoạt động dân chủ khác bị thương nặng.
Vào thời gian đó, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã đưa tin về vụ tai nạn. Ba người này dự định đệ trình thư thỉnh nguyện kêu gọi Quốc hội “ban hành luật, quy định hoạt động của người đại diện ngoại quốc, bảo vệ nền dân chủ của New Zealand, bảo vệ cách sống tự do của chúng ta.” Thư thỉnh nguyện nêu chi tiết những lo ngại của họ về sự can thiệp của chính quyền ĐCSTQ vào bầu cử, truyền thông, nhà thờ, và các cơ sở giáo dục ở New Zealand.
Nhiều người rời bỏ quê hương để thoát khỏi sự bức hại và cai trị độc tài của ĐCSTQ, tìm đến các quốc gia tự do, dân chủ để sinh sống. Tuy nhiên, cuối cùng họ nhận ra rằng, dù đã thoát khỏi Trung Quốc, họ vẫn không thoát khỏi móng vuốt kiểm soát phi pháp của ĐCSTQ.
Cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tháng 05/2024, nhà bình luận thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) đã nói với Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, ĐCSTQ tạo ra hiệu ứng khủng bố bằng cách đưa ra thông điệp rằng: “Đừng nghĩ rằng quý vị rời khỏi Trung Quốc rồi là sẽ có được tự do, là có thể nói bất cứ điều gì, rất nhiều người chạy ra hải ngoại rồi vẫn bị bắt trở lại.”
“Cách làm này có tác dụng răn đe đối với những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại. Nhìn thấy nhiều người ở hải ngoại bị bắt trở lại, thì một số người sẽ tự kiểm duyệt bản thân, không dám có ý kiến chỉ trích ĐCSTQ. Điều này giúp ĐCSTQ đạt được mục đích tẩy não và kiểm soát tinh thần đối với người Hoa ở hải ngoại.” Ông cho rằng, ĐCSTQ đang cho cả thế giới thấy được sự tàn ác của mình và lan truyền hình thức thống trị khủng bố này ra toàn cầu.
Một cựu gián điệp ĐCSTQ có tên là Eric mới trốn chạy gần đây, đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, trong 15 năm qua, người này liên tục nhận lệnh từ công an mật của ĐCSTQ để nhắm vào những người bất đồng chính kiến ở Cambodia, Ấn Độ, và Úc, buộc họ phải từ hải ngoại trở về Trung Quốc.
ĐCSTQ bí mật xây dựng mạng lưới Mặt trận Thống nhất ở hải ngoại, nghị sỹ New Zealand kêu gọi điều tra
Tháng 08/2023, Cơ quan Tình báo An ninh New Zealand đã công bố báo cáo đầu tiên về môi trường đe dọa an ninh, trong đó nêu tên và cáo buộc ba quốc gia có hoạt động đối ngoại can thiệp vào công việc nội bộ của New Zealand. Đây đã là một bước tiến vượt xa hơn so với trước đây. Ba quốc gia bị chỉ đích danh theo thứ tự là: Trung Quốc, Nga, và Iran.
Đại sứ quán của ĐCSTQ tại New Zealand đã phản ứng mạnh mẽ đối với báo cáo này, “Chúng tôi … mạnh mẽ lên án và cương quyết phản đối nội dung liên quan đến Trung Quốc trong báo cáo.”
Khi được hỏi về sự can thiệp của ĐCSTQ vào quốc gia New Zealand trong một bộ phim tài liệu, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh New Zealand Andrew Little (nhiệm kỳ từ năm 2017-2023) đã trả lời rằng: “Điều này là có thật, [sự can thiệp của ĐCSTQ] là một mối đe dọa thực sự. Đây là một rủi ro phổ biến và có thể ngày càng gia tăng.”
Trong phim tài liệu này, những người bất đồng chính kiến đã chỉ ra các nhân vật bí mật hàng đầu của ĐCSTQ thâm nhập vào New Zealand gồm: Cựu nghị sỹ Đảng Quốc gia Dương Kiến (Yang Jian), doanh nhân Trung Quốc Trương Ất Khôn (Zhang Yikun), và trưởng đoàn nghệ thuật Hoa Tinh tại New Zealand Lý Phân (Fiona Li).
Ông Dương Kiến đã gia nhập Quốc hội New Zealand vào năm 2011. Sáu năm sau, truyền thông phơi bày ông từng làm việc trong cơ quan quân sự của ĐCSTQ trong 10 năm, từng giảng dạy tiếng Anh tại một trường gián điệp của ĐCSTQ. Tuy nhiên, ông phủ nhận mình là gián điệp của ĐCSTQ. Ông Dương Kiến đã trả lời Stuff Circuit rằng, “Rất có thể họ sẽ định nghĩa bất kỳ công việc nào có thể thúc đẩy mối bang giao giữa New Zealand và Trung Quốc là ‘công tác Mặt trận Thống nhất,’ vì họ không muốn thấy mối bang giao của hai bên trở nên tốt đẹp.”
Nhà nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc Anne-Marie Brady đã nói trong phim tài liệu này rằng, cho đến nay ông Dương Kiến vẫn hoạt động tích cực tại New Zealand, sử dụng ảnh hưởng của mình để thực hiện các hoạt động của Mặt trận Thống nhất.
Tỷ phú Trung Quốc Trương Ất Khôn di cư đến New Zealand vào năm 2000. Trong phim tài liệu, ông bị những người Hoa ủng hộ dân chủ tại New Zealand phơi bày là nhân viên của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.
Vào năm 2020, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã đưa tin về việc ba người Hoa và cựu thành viên Đảng Quốc gia Jami-Lee Ross bị Văn phòng Điều tra Gian lận Nghiêm trọng New Zealand (SFO) truy tố. Một trong ba người Hoa này chính là ông Trương Ất Khôn, người sáng lập và là chủ tịch Hội người Triều Châu tại New Zealand. Trong thời gian 2 năm, ba người Hoa này đã quyên góp hai khoản tiền tổng cộng 200,000 dollar New Zealand cho Đảng Quốc gia. Ông Ross đã phân chia hai khoản quyên góp lớn này thành nhiều khoản tiền quyên góp nhỏ dưới 15,000 dollar New Zealand để tránh trình báo. Ba người Hoa bị phán quyết có tội, còn ông Ross được tuyên trắng án và được trả tự do. Tuy nhiên, vào tháng 11/2023, Tòa Phúc thẩm đã hủy bỏ phán quyết định tội.
Ông Ross đã được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu, ông cho biết rằng những khoản quyên góp lớn cho phép người quyên góp có thể tiếp cận trực tiếp với lãnh đạo đảng hoặc những người có quyền lực. Trong các cuộc tiếp xúc với những người này, ông Trương Ất Khôn luôn bày tỏ sự “thất vọng” vì ông Dương Kiến không được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng. Ông Ross nói, “Chính trị gia muốn tiền, người bỏ tiền ra muốn có sức ảnh hưởng, kết quả là họ đã thâm nhập vào các đảng, thâm nhập vào kế hoạch ứng cử viên, thậm chí thâm nhập vào suy nghĩ của lãnh đạo các đảng.”
Trưởng đoàn nghệ thuật Hoa Tinh tại New Zealand Lý Phân được gọi là nhân vật số hai trong các hoạt động của Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ tại New Zealand trong phim tài liệu.
Ký giả thuộc ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã gửi yêu cầu bình luận đến tổng Hội người Triều Châu tại New Zealand do ông Trương Ất Khôn sáng lập, cũng như đối với bà Lý Phân và ông Dương Kiến, nhưng chưa nhận được lời phúc đáp trước khi bản tin này được phát hành.
Các nhân viên thuộc Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ tại New Zealand đã dùng danh nghĩa của cộng đồng người Hoa, dưới chiêu bài các buổi hòa nhạc “Trung Quốc truyền thống” để mời mọi người tham gia. Các buổi hòa nhạc này bị cho là đang thực hiện các hoạt động Mặt trận Thống nhất tại New Zealand, tổ chức kỷ niệm các sự kiện như ngày thành lập ĐCSTQ, ngày thành lập Quân đội ĐCSTQ. Bất kỳ chính trị gia hoặc nhân sỹ nổi tiếng nào tham gia các buổi hòa nhạc này, dù có biết hay không biết, đều đã tham gia vào các hoạt động của ĐCSTQ.
Bộ phim tài liệu này đã truyền tải đến khán giả một số tin tức quan trọng: Các đảng phái chính trị và chính trị gia phương Tây do cần sự ủng hộ của cử tri, gần như không bao giờ từ chối yêu cầu chụp ảnh chung hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng, những hoạt động giao lưu thân thiện bình thường với người dân ở các quốc gia dân chủ. Qua việc quyên góp cho các đảng phái chính trị, nhân viên Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ trà trộn vào những hoạt động này dưới danh nghĩa cộng đồng người Hoa hoặc giao lưu văn hóa để tiến hành các hoạt động. Các quốc gia dân chủ dường như không có khả năng chống lại sự xâm nhập này của ĐCSTQ. Tuy nhiên, khi các chính trị gia và nhân vật cấp cao có nhận thức rõ ràng về ĐCSTQ thì họ có thể phân biệt được sự giả dối và ý đồ hiểm ác của đảng này, từ đó tránh đưa ra những lựa chọn gây hại cho quốc gia, người dân, và bản thân mình.
Các nghị sỹ New Zealand kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra sự can thiệp của ngoại quốc. Hôm thứ Sáu (14/06), bà Ingrid Leary và ông Joseph Mooney, hai vị đồng Chủ tịch của Liên minh Nghị viện Đa quốc gia về Chính sách đối với Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China) đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Ngoại giao và Thương mại, ông Tim van de Molen, nêu rõ những lo ngại của họ và cho biết họ “có lý do để tin rằng” còn nhiều ví dụ khác chưa được phát hiện.