Một hội đồng thành phố ở Úc bác bỏ kiến nghị ủng hộ nhóm đức tin bị đàn áp
Ủy viên hội đồng cho biết, ‘Họ đã bị tước đoạt các quyền và quyền tự do của mình và bị thu hoạch nội tạng một cách phi pháp.’
Một hội đồng thành phố ở một vùng ngoại ô đa văn hóa thuộc phía tây Sydney đã từ chối ủng hộ một kiến nghị công nhận Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới, một lễ kỷ niệm thường niên tôn vinh sự phổ truyền của môn tu luyện được ưa chuộng và đã giúp đỡ hàng triệu người trên thế giới này.
Hôm 01/05, các Ủy viên Hội đồng Thành phố Cumberland Paul Garrard, Steve Christou, và Helen Hughes đã đề xướng một kiến nghị khẩn cấp ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp để bản kiến nghị này được thông qua trước Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới, được tổ chức vào ngày 13/05 hàng năm.
Ông Garrard và ông Christou cho biết cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc đã và đang diễn ra hơn 25 năm, với việc các học viên ở Hoa lục phải chịu sự giam giữ phi pháp, tra tấn, và thu hoạch nội tạng (pdf).
Ông Christou nói: “Họ đã bị tước đoạt các quyền và quyền tự do của mình và bị thu hoạch nội tạng một cách phi pháp trong khi nhiều thành viên trong cộng đồng của họ bị bắt cóc và cầm tù trái phép.”
Tuy nhiên, cuối cùng bản kiến nghị đã bị hội đồng thành phố có đa số ủy viên thuộc Đảng Lao Động bác bỏ.
Ông Garrard thất vọng vì các học viên của môn tu luyện này đã bị một hội đồng thúc đẩy sự đa dạng “lờ đi và xem nhẹ.”
“Rõ ràng, việc tự hoàn thiện bản thân mà Pháp Luân Đại Pháp thể hiện và thực hành thông qua các nguyên lý chân, thiện, nhẫn đã không được thể hiện trong cuộc họp hội đồng vào tối qua,” ông Garrard nhận xét.
The Epoch Times đã liên lạc với Thị trưởng Lisa Lake để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi kịp thời trước khi phát hành bản tin này.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi một nhà chức trách địa phương khác ở Sydney, Hội đồng Thành phố Blacktown, thông qua một kiến nghị tương tự.
Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện được thực hành rộng rãi vào những năm 1990 và được phổ biến trong công chúng theo phương thức truyền miệng nhờ những lợi ích sức khỏe mà môn này mang lại. Ước tính chính thức vào thời điểm đó cho thấy số lượng người theo học môn này ở vào khoảng 70 đến 100 triệu — cứ 13 người Trung Quốc thì có một người là học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Tuy nhiên, vào năm 1999, tình hình đột nhiên thay đổi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem sự phổ biến của Pháp Luân Đại Pháp là một mối đe dọa và phát động một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc đối với môn tu luyện này.
Đồng thời, các cơ quan truyền thông có liên kết với Bắc Kinh đã sản xuất hàng trăm giờ phim tuyên truyền nhằm bôi nhọ môn tu luyện này, trong khi các quan chức của ĐCSTQ gây áp lực và khuyến khích các tổ chức và chính phủ ngoại quốc nghe theo tuyên truyền của đảng này.
Cho đến nay, các học viên sinh sống ở bên ngoài Trung Quốc, kể cả ở Úc, phải đối diện với áp lực từ ĐCSTQ thông qua những người thân và bạn bè vẫn ở Trung Quốc của họ, sự giám sát địa phương của ĐCSTQ tại Úc, hoặc những cuộc tấn công bằng lời nói và thân thể của những người ủng hộ đảng này.
Sự ủng hộ gia tăng trên toàn thế giới
Ở những quốc gia khác, các cơ quan chính phủ cấp cao nhất đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho các học viên Pháp Luân Công, trong khi chỉ trích ĐCSTQ đàn áp nhân quyền đối với nhóm tu luyện này.
Hồi tháng Một, EU đã thông qua một nghị quyết lên án cuộc bức hại và kêu gọi điều tra chiến dịch đàn áp bạo lực của ĐCSTQ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thể hiện lập trường đứng về phía các học viên vào ngày đánh dấu 24 năm xảy ra cuộc bức hại, trong khi đặc phái viên Liên Hiệp Quốc của Canada cũng kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt những hành vi xâm phạm nhân quyền tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công.
Lo ngại về xuyên tạc
Trong khi đó, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp hiện đang có tranh chấp pháp lý với đài truyền hình công cộng ABC về bộ phim tài liệu của nhà đài về nhóm đức tin này.
Trước đó hiệp hội đã nêu ra những lo ngại sâu rộng rằng bộ phim tài liệu này “xuyên tạc nghiêm trọng” về tín ngưỡng cũng như môn tu luyện của họ, và sẽ có tác động tiêu cực đến cộng đồng Pháp Luân Công ở Úc, với nhiều người trong số đó là người tị nạn.
Họ nói trong một bức thư gửi giám đốc điều hành đài ABC, ông David Anderson, rằng: “Chúng tôi tin rằng đài ABC đã không thể trình bày rõ các khía cạnh khác nhau của vấn đề một cách công bằng và cân xứng, và đã không tìm kiếm bình luận hoặc quan điểm ngược lại từ phía bản thân cộng đồng Pháp Luân Công.”
“Các chuyên gia pháp lý quốc tế đã kết luận rằng những tội ác phản nhân loại đã diễn ra đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cùng với các hành vi được liệt kê trong công ước diệt chủng.”
“Họ đã vượt qua hai thập niên trong khi là mục tiêu của một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn do Đảng Cộng sản [Trung Quốc] dàn dựng để nhằm mục đích phỉ báng và hạ nhục họ, và xem họ là những người không đáng được đồng cảm.”
Trước đó hồi tháng Ba, Nghị viên tiểu bang Victoria David Limbrick đã nhấn mạnh vấn đề này tại Nghị viện tiểu bang, nói rằng thật đáng phẫn nộ khi tiền thuế của người Úc lại đang được ĐCSTQ sử dụng để sản xuất ra những tài liệu cho cuộc bức hại tín ngưỡng của đảng này.
Một ngày sau khi phim tài liệu kể trên được phát sóng, bộ phim đã được chuyển ngữ và đăng tải trên một trang web do ĐCSTQ hậu thuẫn, có nhiệm vụ truyền bá tin giả về môn tu luyện này.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times