Các học viên Pháp Luân Công khắp thế giới kỷ niệm 25 năm ngày diễn ra cuộc thỉnh nguyện ôn hòa 25/04
Vào ngày 25/04/1999, hơn 10,000 học viên Pháp Luân Công đã đến Bắc Kinh để tiến hành một cuộc thỉnh nguyện.
Ngày 25/04 đánh dấu kỷ niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Các học viên trên khắp thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm sự kiện này kể từ cuối tuần.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được Đại Sư Lý Hồng Chí truyền ra công chúng tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm vào năm 1992. Đó là một pháp môn tu luyện cổ xưa bắt nguồn từ trường phái Phật gia, tuân theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Do hiệu quả của pháp môn này trong việc cải thiện thể chất và tinh thần của cộng đồng, Pháp Luân Công đã nhanh chóng phổ truyền ra khắp Trung Quốc thông qua hình thức truyền miệng. Chỉ trong vòng bảy năm, số lượng học viên ước tính lên tới gần 100 triệu.
Năm 1999, do lo ngại có quá nhiều người tập luyện Pháp Luân Công nên nhà cầm quyền ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã bắt đầu bí mật đàn áp Pháp Luân Công ở nhiều nơi trên cả nước và sử dụng các cơ quan truyền thông của mình để công kích môn tu luyện này.
Vào ngày 25/04/1999, hơn 10,000 học viên Pháp Luân Công đã đến Văn phòng Kháng nghị của Quốc vụ viện ở Bắc Kinh để nộp đơn thỉnh nguyện yêu cầu chính quyền thả 45 học viên Pháp Luân Công đã bị công an địa phương ở Thiên Tân bắt giữ trái phép, đồng thời yêu cầu chính quyền cho phép phát hành hợp pháp các sách Pháp Luân Công và bảo đảm quyền tự do tu luyện của các học viên Pháp Luân Công, một quyền vốn được Hiến Pháp Trung Quốc bảo vệ.
Thủ tướng đương thời của ĐCSTQ đã gặp các đại diện của học viên Pháp Luân Công vào ngày hôm đó và đồng ý với các yêu cầu trên.
Vào thời điểm đó, cuộc thỉnh nguyện “ngày 25/04” và cuộc biểu tình ôn hòa được truyền thông quốc tế mô tả là cuộc thỉnh nguyện thành công, có lý trí, và ôn hòa nhất trong lịch sử các cuộc thỉnh nguyện của Trung Quốc.
Tuy nhiên, lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân, người nắm quyền kiểm soát nhà nước cộng sản cùng quân đội, và công an, đã phát động một chiến dịch đàn áp chưa từng có đối với các học viên Pháp Luân Công vào ngày 20/07 năm đó. Kể từ đó, vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bắt bớ, bỏ tù, tra tấn, và sát hại bất hợp pháp, trong đó có cả việc trở thành nạn nhân của việc thu hoạch nội tạng sống của chính quyền này.
Đã 25 năm trôi qua kể từ cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/04, nhưng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ vẫn còn đang tiếp diễn.
Los Angeles
Hôm 21/04, một cuộc mít-tinh ủng hộ các học viên Pháp Luân Công đã được tổ chức trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles để kỷ niệm ngày 25/04 và kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công.
Anh Diệp Minh Thịnh (Ye Mingsheng) đến từ thành phố Cám Châu của tỉnh Giang Tây nói tại cuộc mít-tinh rằng anh phải đứng lên và nói điều gì đó cho giáo viên tiếng Anh ở trường trung học cơ sở của mình: “Giáo viên tiếng Anh của tôi là một học viên Pháp Luân Công. Tên cô ấy là Tạ Sương Ninh. Cô đã bị công an đưa ra khỏi lớp học trong lúc đang giảng bài.”
“Cô là một giáo viên rất tốt. Chúng tôi có thể thấy rằng cô rất tốt bụng và đối đãi với mọi học sinh tốt hơn những giáo viên khác. Thế mà, cô đã bị bắt, bị tống vào tù, và mất việc,” anh Diệp nói. “Cô đã phải chịu đựng sự bức hại rất nghiêm trọng và hôm nay tôi phải lên tiếng thay cô ấy trước ống kính.”
Ông Giới Lập Kiến (Jie Lijian), người tổ chức cuộc mít-tinh và là phó chủ tịch Tổng bộ Đảng Dân Chủ Trung Quốc, cho biết trong bài diễn văn kết thúc sự kiện rằng ĐCSTQ đã bức hại Pháp Luân Công trong 25 năm qua, và các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu nhiều gian khổ và bức hại, “nhưng họ đã để lại nụ cười chân thành cho thế giới, điều này đã mang lại sự ấm áp cho hơn 100 quốc gia. Họ cũng nói cho cả thế giới biết sự thật và sự khủng bố tà ác của ĐCSTQ.”
Ông Giới cho biết phong trào “Tam Thoái” do các học viên Pháp Luân Công khởi xướng đã khuyến khích hơn 400 triệu người Trung Quốc thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức đoàn, đội của nó, thoát khỏi tà ác, “thành tựu trong việc phản bức hại của họ là tấm gương đối với thế giới và đáng để chúng ta ngưỡng mộ.”
Những người Trung Quốc xa xứ đến bày tỏ sự ủng hộ đã giương cao các biểu ngữ, chẳng hạn như “Thượng thiên kết tội nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống,” “Hãy thả các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù ngay lập tức,” cùng những biểu ngữ khác.
New York
Hôm 21/04, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc diễn hành và mít-tinh lớn ở Flushing, New York, để kỷ niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa “ngày 25/04.”
Ông Tôn Toàn An (Sun Quan’an) là người gốc Trung Quốc, mới nhập cư vào Hoa Kỳ được hai tháng. Ông cũng đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và nhận được giấy chứng nhận thoái xuất tại cuộc mít-tinh này. Ông nói với The Epoch Times rằng nhờ cuộc biểu tình này mà lần đầu tiên ông biết được sự thật về Pháp Luân Công, và ông vừa nhận ra rằng mọi điều ĐCSTQ nói đều là bịa đặt.
“Thật quá kinh ngạc. Khi còn ở Trung Quốc, tôi không hề biết gì về chuyện này. Buổi mít-tinh đã thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của tôi,” ông nói. “Pháp Luân Công hoàn toàn khác với những gì được tuyên truyền ở Trung Quốc! Tôi thực sự không thể tin được rằng tất cả chúng tôi đã bị Trung Quốc kiểm soát trong nhiều năm như vậy. May mắn thay, tôi đã rời đi.”
Ông Tôn cho biết, nhiều người Trung Quốc thực sự đang có cuộc sống rất khó khăn, nhưng do bị ĐCSTQ “tẩy não sâu” nên họ vẫn nghĩ cuộc sống của mình khá tốt.
Các cuộc mít-tinh và cầu nguyện dưới ánh nến để kỷ niệm sự kiện ngày 25/04 và tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ còn được tổ chức tại các thành phố lớn khác của Hoa Kỳ như San Francisco, Chicago, Houston, và những nơi khác.
Canada
Hôm 21/04, để kỷ niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04, hơn một trăm học viên Pháp Luân Công đã tổ chức mít-tinh và luyện tập các bài công pháp trước Phòng trưng bày Nghệ thuật Vancouver ở trung tâm thành phố Vancouver để công chúng Canada thấy được vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp.
Hôm 22/04, các học viên Pháp Luân Công ở Calgary, Canada, đã tập trung trước lãnh sự quán Trung Quốc để kỷ niệm 25 năm ngày 25/04.
Hàng chục học viên Pháp Luân Công địa phương đã giương cao các biểu ngữ viết bằng cả Hoa ngữ và Anh ngữ như “Pháp Luân Đại Pháp là tốt,” “Chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công,” và “Chấm dứt việc thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ.” Một số người lái xe qua địa điểm này đã hạ cửa kính xe hơi xuống, ra dấu chữ V, và bấm còi để thể hiện sự ủng hộ.
Các hoạt động kỷ niệm tương tự cũng được tổ chức ở Toronto, Edmonton, và các thành phố khác của Canada.
Nam Hàn
Hôm 22/04, các học viên Pháp Luân Công Nam Hàn đã tổ chức một cuộc họp báo trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul để kỷ niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/04.
Học viên Pháp Luân Công Xu Zhengzhe nói với các phóng viên và công chúng tại một cuộc họp báo: “Trong một xã hội chịu sự cai trị tàn bạo của ĐCSTQ, việc giải quyết vấn đề một cách ôn hòa là điều rất đáng chú ý.” Ông tin rằng cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/04 có ý nghĩa rất lớn. Ông Xu đã hồi phục sức khỏe sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994. Ông cho biết kể từ đó ông đã không đến bác sĩ khám bệnh hay uống bất kỳ loại thuốc nào trong 30 năm, và đạo đức của ông cũng được đề cao.
Ông Xu cho biết việc tổ chức các sự kiện kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ngày 25/04 trên phạm vi quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng. “Hôm nay tôi ở đây để chính phủ và công chúng Nam Hàn hiểu được sự thật. Chỉ khi mọi người biết điều gì thực sự xấu thì họ mới có thể tạo ra một xã hội tốt đẹp.”
Nhật Bản
Hôm 21/04, hàng trăm học viên Pháp Luân Công ở Nhật Bản đã tề tựu tại thành phố Asakusa, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tokyo để tổ chức một cuộc diễn hành kỷ niệm ngày 25/04 và kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Công dân Nhật Bản Kentaro Abe, một khán giả theo dõi cuộc diễn hành, nói với The Epoch Times rằng sau khi hay biết về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ông đã kêu gọi mọi người “không cúi đầu trước sự đàn áp của Đảng Cộng sản mà hãy kiên trì với niềm tin của mình, tiếp tục để phản đối cuộc đàn áp, và làm cho thế giới biết sự thật.” Ông cũng khen ngợi màn trình diễn của các thành viên đoàn nhạc Thiên Quốc, gọi đó là trác tuyệt.
Bản tin có sự đóng góp của Ma Shangen, Shi Ping, Lin Caifeng, Wang Jiayi, Wang Wenliang, và Xu Yi
Thanh Nguyên và Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times