Ngoại trưởng Blinken: Ông Tập từ chối lời đề nghị của Hoa Kỳ về đường dây nóng khủng hoảng quân sự
Trung Quốc đã từ chối nối lại liên lạc quân sự trực tiếp với Hoa Thịnh Đốn bất chấp những nỗ lực không ngừng của Ngoại trưởng Antony Blinken, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết hôm 19/06 ngay sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khi ông “nêu ra hết lần này đến lần khác” về khả năng thiết lập một đường dây liên lạc trong khủng hoảng giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì “tại thời điểm này, Trung Quốc chưa đồng ý xúc tiến việc đó,” ông Blinken nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo khi ông kết thúc chuyến công du hai ngày đến Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ đây là một vấn đề mà chúng tôi cần tiếp tục giải quyết,” ông nói. “Việc chúng ta khôi phục các kênh liên lạc này là điều rất quan trọng. Nếu chúng ta đồng ý rằng chúng ta có trách nhiệm quản lý mối bang giao này một cách có trách nhiệm, nếu chúng ta đồng ý rằng lợi ích chung của chúng ta là bảo đảm rằng các khía cạnh cạnh tranh của mối bang giao không leo thang thành xung đột, thì chắc chắn chúng ta có thể tìm được điểm tương đồng và nhận thấy nhu cầu phải bảo đảm rằng các kênh liên lạc mà cả hai chúng tôi đã nói là cần thiết để thực hiện điều này sẽ có các kênh quân sự tới quân sự.”
Khi căng thẳng song phương tiếp tục gia tăng, Bắc Kinh đã từ chối nỗ lực không ngừng của Hoa Kỳ nhằm mở ra các kênh liên lạc để giảm thiểu nguy cơ bùng phát xung đột tiềm ẩn. Kể từ năm 2021, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từ chối hoặc phớt lờ hơn một chục yêu cầu đàm phán với Ngũ Giác Đài và khoảng 10 lời mời tham gia cấp công tác từ phía Hoa Kỳ, Reuters đưa tin, dẫn lời một quan chức quốc phòng cao cấp ẩn danh của Hoa Kỳ.
Điều này bao gồm sự kiện hồi tháng Hai sau khi một phản lực cơ của quân đội Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) cũng từ chối một lời mời tham dự cuộc gặp chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La hồi đầu tháng này.
Trong chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách ngoại trưởng, vốn khiến ông trở thành quan chức cấp cao nhất của chính phủ Tổng thống Biden thực hiện chuyến công du như vậy, ông Blinken đã hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh Vương Nghị, sau đó có một cuộc gặp trong thời gian ngắn với ông Tập.
Khi được hỏi tại sao Hoa Thịnh Đốn muốn tiếp tục đàm phán với Trung Quốc bất chấp sự miễn cưỡng rõ ràng của phía bên kia trong việc đạt được các kênh thông tin liên lạc quân sự cởi mở, ông Blinken lập luận rằng những nỗ lực như vậy là cần thiết để mang lại sự thay đổi.
“Chúng tôi sẽ không đạt được thành công trong mọi vấn đề giữa chúng tôi chỉ trong một ngày, nhưng trong nhiều lĩnh vực khác nhau — theo các điều khoản chúng tôi đã đặt ra cho chuyến đi này, chúng tôi đã đạt được tiến triển và chúng tôi đang tiến về phía trước,” ông nói mà không nêu chi tiết. “Nhưng một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng không có vấn đề nào trong số này sẽ được giải quyết, giải quyết chỉ trong một chuyến công du, một chuyến đi hay một cuộc hội đàm. Đó là cả một quá trình. Và hy vọng và kỳ vọng của tôi là chúng ta sẽ tích cực hơn trong những việc đó.”
Chuẩn tướng Không quân Hoa Kỳ đã về hưu Robert Spalding, hiện là một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, nhận thấy một bức tranh kém tươi sáng hơn.
Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng kênh liên lạc quân sự “như một con bài thương lượng để nhận được nhiều nhượng bộ hơn từ chính phủ Tổng thống Biden,” ông nói với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Chúng ta là những người đang yêu cầu điều đó, và thành thật mà nói, người duy nhất sẽ đưa ra bất kỳ quyết định quân sự nào là chính ông Tập Cận Bình,” ông nói.
“Về căn bản, tôi nghĩ rằng chúng ta đang cố có được thứ mà người Trung Quốc không thực sự quan tâm, và do đó, họ đang dùng nó như một con bài thương lượng cho thứ mà họ thực sự quan tâm.”
Tại một cuộc họp báo hôm 19/06, Thám vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre đã mô tả chuyến công du của ông Blinken là một “bước tiến tốt.”
“Cuộc họp đó mang tính xây dựng, vốn là điều quan trọng — quan trọng đối với lợi ích của người Mỹ và quan trọng đối với người dân Mỹ,” bà nói. “Chúng tôi tin rằng việc Bộ trưởng có một cuộc hội đàm mang tính xây dựng với Chủ tịch Tập là một bước tiến tốt.”
Nhưng ông Spalding cho biết ông tin rằng Hoa Kỳ đã “thực sự vừa mắc sai lầm về điều gì là quan trọng trong mối quan hệ này.”
Ông nói: “Trung Quốc đang cố gắng khai thác nền kinh tế Hoa Kỳ và không có dấu hiệu nào cho thấy chúng ta thực sự sẵn sàng bảo vệ nền kinh tế của mình.” Thay vào đó, ông đề nghị giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, đồng thời việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ nên là ưu tiên cao hơn trong việc quản lý mối bang giao với Trung Quốc.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times