Biểu tình trước phủ thủ tướng Đức bên lề các cuộc tham vấn liên chính phủ Đức-Trung: ‘Ai nhắm mắt làm ngơ, thì phải đồng chịu trách nhiệm’
Trong khuôn khổ các cuộc tham vấn liên chính phủ Đức-Trung lần thứ 7, Thủ tướng Olaf Scholz và Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) đã hội kiến hôm 20/06, trong lúc các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài Phủ Thủ tướng ở Berlin. Các tổ chức nhân quyền và các nhóm nạn nhân đã thu hút sự chú ý đến những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc. Họ nói về một cuộc xóa sổ văn hóa đang diễn ra dưới sự cai trị của cộng sản tại “trung tâm chi quốc” này.
Có sự tương phản rõ rệt giữa một bên là một nhóm sinh viên mặc áo đỏ vẫy cờ đỏ, tụ tập ở vị trí đắc địa trước Phủ Thủ tướng Liên bang, và một bên là nhóm người trong các trang phục có màu sắc khác nhau: vàng, xanh, v.v., đang cầm biểu ngữ và cờ, đứng ở phía xa hơn một chút.
Trong khi những người Trung Quốc trẻ tuổi mặc áo T-shirt đỏ như máu cổ vũ nhiệt tình cho đoàn xe chở các vị khách nhà nước Trung Quốc đi ngang qua, đặc biệt là khi hoan nghênh tân Thủ tướng Lý Cường và các bộ trưởng khác, thì nhóm người dân trong các màu áo khác nhau đón tiếp những vị khách này bằng những tiếng hô lớn cùng những lời lên án và kháng nghị bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Chỉ có các học viên Pháp Luân Công, trong trang phục màu vàng sáng kim, là tiếp tục tập các bài công pháp nhẹ nhàng, khoan thai trong sự tĩnh lặng bình hòa.
Cuộc gặp tại Phủ Thủ tướng Đức nằm trong khuôn khổ các cuộc tham vấn liên chính phủ Đức-Trung lần thứ 7 với chủ đề: “Cùng nhau hành động bền vững.”
‘Chúng tôi e rằng cuộc gặp này liên quan nhiều đến kinh doanh hơn’
Tuy nhiên, đối với những người chỉ trích cuộc gặp thì họ không thấy có hành động bền vững nào:
“Chính quyền Trung Quốc đang trải thảm đỏ ở đây,” ông Roman Kühn, tân giám đốc của Hiệp hội Những người Bị đe dọa, cho biết. “Chúng tôi xem điều này là rất đáng chê trách.” Tại quốc gia này, mọi người sống trong một nền dân chủ, điều này có nghĩa là quý vị có quyền bình đẳng và có thể sống tự do — không có nguy cơ bị bắt giữ vì những lý do nhỏ nhặt hay vì quý vị thuộc về một nhóm tôn giáo hoặc một nhóm dân tộc cụ thể nào đó.
“Tuy nhiên, những giá trị này đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Trung Quốc,” vì nhân quyền ngày nay rất ít được đề cập đến, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Göttingen này lo ngại. “Chúng tôi e rằng cuộc gặp này liên quan nhiều đến kinh doanh hơn, vì ở đây họ đi sâu hơn vào: Việc kinh doanh với Trung Quốc trong tương lai sẽ ra sao, các công ty có thể kinh doanh tốt hơn như thế nào?” Người ta không muốn tự phong bế quốc gia của mình một cách hoàn toàn, vì “Thương mại cũng quan trọng. Nhưng so với thương mại, thì nhân quyền thậm chí còn quan trọng hơn.”
Chiến lược an ninh quốc gia được chính phủ liên bang Đức công bố gần đây có nhiều kẽ hở. Chúng tôi cũng rất phản đối điều đó.” Ví dụ, Đài Loan hoàn toàn không được đề cập trong chiến lược này. “Điều này cho thấy việc này cần phải được thay đổi,” theo ông Kühn.
‘Không kinh doanh nếu không có nhân quyền’
Đây cũng là quan điểm của Giáo sư Amy Siu, một người đến từ Hồng Kông với vóc người nhỏ nhắn nhưng đầy quyết tâm. Giáo sư Amy Siu đã sinh sống tại Đức trong nhiều năm.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Đức, đặc biệt là Thủ tướng Liên bang, xem nhân quyền là một phần của cuộc đối thoại.” Nhân quyền phải được đưa ra thảo luận, thành viên hội đồng quản trị của hai hiệp hội dân chủ Hồng Kông này nói. “Không kinh doanh nếu không có nhân quyền,” Giáo sư Siu nói.
Giáo sư Siu kêu gọi chính phủ liên bang can đảm hơn trong các cuộc đàm phán. Có rất nhiều người hiện đang bị giam cầm trong các trại tập trung ở Trung Quốc. Có lao động cưỡng bức, có đủ các loại hành vi vi phạm nhân quyền. “Người ta không thể kinh doanh bằng bất cứ giá nào.”
Trên thực tế, tại buổi biểu tình này cũng có một thanh niên trẻ, người lên tiếng về một vụ bắt giữ phi pháp ở Trung Quốc.
Mẹ tôi đã ba lần bị giam vì đức tin của bà
Sinh viên luật Đinh Nhạc Bân (Lebin Ding) là một người Trung Quốc đã sống mười năm ở Berlin. “Hôm nay tôi ở đây để kêu gọi sự quan tâm của mọi người đối với tình hình của cha mẹ tôi,” anh Đinh giải thích.
Mẹ của anh Nhạc Bân từng bị giam hai lần vì đức tin vào môn tu luyện Phật gia Pháp Luân Công. Vì đức tin của mình mà cha mẹ anh, vốn đều là nông dân trồng trà ở tỉnh Sơn Đông, tỉnh đối tác của tiểu bang Bayern, đã bị bắt giữ bất hợp pháp một lần nữa hôm 12/05/2023. Vị luật sư tương lai này nói: “Hiện tại cha mẹ tôi đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn nữa khi ở trong tù.”
Theo phán đoán thì có lẽ ai đó đã báo với công an về cha mẹ của anh Nhạc Bân, vì họ đã phân phát tài liệu giải thích về cuộc bức hại Pháp Luân Công trên đường phố.
Anh Bân giải thích thêm rằng ĐCSTQ cảm thấy bị đe dọa bởi Pháp Luân Công với các nguyên lý chân, thiện, nhẫn mà một người nên chiểu theo để trở thành người tốt hơn. “Thêm vào đó, lòng đố kỵ khiến ông Giang Trạch Dân, lãnh đạo Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước thời bấy giờ bắt đầu đàn áp pháp môn thiền định Phật gia này.” Trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào ngày 20/07/1999, ước tính có khoảng 100 triệu người Trung Quốc ở Hoa lục là người tập luyện Pháp Luân Công.
‘Quý vị là tiếng nói quan trọng cho tự do và nhân quyền’
Hai chính trị gia đã hưởng ứng lời kêu gọi của liên minh các tổ chức nhân quyền, các nhà hoạt động dân chủ Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, và Hồng Kông, cùng những người ủng hộ cho một Trung Quốc dân chủ để xuất hiện với tư cách là diễn giả tại cuộc biểu tình.
Ông Michael Brand thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo (CDU), nghị viên và là thành viên của Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo cùng người đồng sự trong đảng của ông, ông Roderich Kiesewetter, thành viên của Ủy ban Quốc phòng, đã nói chuyện với những người tham gia biểu tình.
“Quý vị là tiếng nói quan trọng cho tự do và nhân quyền vào thời điểm nhân quyền đang bị chế độ ở Bắc Kinh này tấn công ồ ạt và tàn bạo trên toàn cầu,” ông Brand nói.
Điều quan trọng là chúng ta phải chung tay. “Người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, Pháp Luân Công, thậm chí cả những người bạn bên cạnh chúng ta cũng là một phần của tiếng nói này — nhiều người khác, trong đó có cả những người theo đạo Cơ Đốc, đang bị Bắc Kinh đàn áp.”
Chính trị gia ủng hộ nhân quyền này giải thích rằng, Trung Quốc có một kế hoạch rõ ràng: bành trướng, xâm lược, và lên nắm quyền lãnh đạo toàn cầu trên mọi lĩnh vực. Đã đến lúc Đức, châu Âu, và phương Tây lập ra và đi theo một kế hoạch.
“ĐCSTQ đang theo đuổi một chiến lược hung hăng để đàn áp các quyền chung của chúng ta, tự do của chúng ta ở Trung Quốc, và mở rộng sự đàn áp này sang các quốc gia khác. Về việc này, Bắc Kinh đã thử lên tiếng: ‘Đúng, chúng tôi cũng ủng hộ nhân quyền, nhưng không phải là ủng hộ nhân quyền theo cách của các vị, mà là ủng hộ nhân quyền theo cách của chúng tôi.’ Phương Tây không được phép chấp nhận điều này.”
Ông Brand đề nghị có một mạng lưới các đồng minh để phản đối điều này: “Ai nhắm mắt làm ngơ, thì phải đồng chịu trách nhiệm về tình trạng không tự do đang lan rộng như một căn bệnh ung thư ra bên ngoài Trung Quốc này.”
Có những người tin rằng họ thực sự là người mạnh hơn và tin rằng ‘kẻ mạnh là người thắng’ là quy luật: “Sự thật là, những người đang tập hợp ở đây, quý vị mới là những người mạnh hơn.”
“Những người ở đây là những đại diện quan trọng của những người đang bị áp bức ở Trung Quốc. Quý vị là những viên ngọc sáng cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Tôi nghiêng mình trước nỗ lực của quý vị. Cảm ơn rất nhiều!” vị chính trị gia này nói lời tạm biệt trong tiếng vỗ tay của khán giả.
‘Chính quyền Trung Quốc xem người Duy Ngô Nhĩ là ngoại lai’
Những người tham gia biểu tình khác đã chia sẻ với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc ở miền Đông Turkestan (Tân Cương), Tây Tạng, và miền nam Mông Cổ đang thực hiện chính sách đồng hóa tàn bạo đối với người dân địa phương như thế nào.
Một phụ nữ Tây Tạng kể rằng, trẻ em Tây Tạng từ bốn hoặc năm tuổi bị bắt cóc khỏi gia đình và đưa đến các trường nội trú do nhà nước điều hành, nơi các em chỉ được dạy tiếng Quan Thoại và bị cấm học ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng. “Với chúng tôi, đây là một chiến lược của Bắc Kinh nhằm đe dọa đến sự tồn vong của chúng tôi.”
Ông Gheyyur Kuerban, thuộc Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, tin rằng chính quyền Trung Quốc xem người Duy Ngô Nhĩ là một nhóm người ngoại lai. “Với tất cả những biện pháp này, bằng các trại tạm giam rộng lớn cũng như chính sách lao động cưỡng bức đang diễn ra song song, ĐCSTQ có ý định xóa sổ hoàn toàn người Duy Ngô Nhĩ với tư cách là một dân tộc có bản sắc văn hóa và tôn giáo độc đáo, với ngôn ngữ và văn hóa độc đáo của riêng họ.”
‘Tôi ủng hộ cuộc chiến chống lại chế độ Trung Quốc’
Một sinh viên trẻ người Trung Quốc cũng kể lại chiến lược đe dọa mở rộng của ĐCSTQ đối với người Hoa và người Quảng Đông ở hải ngoại.
“Tôi ở đây để phản đối ông Lý Cường, Thủ tướng Trung Quốc.” Sinh viên đến từ thành phố Quảng Châu gần Hồng Kông này nói. “Chúng tôi chia sẻ một nền văn hóa chung, một ngôn ngữ chung, và một di sản chung,” chàng trai trẻ yêu cầu được ẩn danh vì lý do an toàn này cho biết.
Anh giải thích, ngôn ngữ và văn hóa Quảng Đông cũng bị ĐCSTQ đàn áp. Tất cả học sinh ở Trung Quốc sẽ phải học bằng tiếng Quan Thoại, ngôn ngữ giảng dạy ở trường. Học sinh bị cấm nói tiếng Quảng Đông ở trường, “Nếu không sẽ bị phạt.”
“Tôi ủng hộ cuộc chiến chống lại chế độ Trung Quốc cho đến khi chế độ này kết thúc.” Anh hy vọng, tất cả các dân tộc ở Trung Quốc sẽ có quyền tự quyết và có thể đi theo con đường của riêng mình trong tương lai. Anh cũng hy vọng, rằng Đức sẽ nhận thức được tình hình ở Trung Quốc, “với những vấn đề và sự đàn áp ở đó.”
Anh cho biết, chính quyền Trung Quốc không chỉ giám sát công dân Trung Quốc mà còn theo dõi cả người Hoa ở hải ngoại. Đã có trường hợp người Trung Quốc ở hải ngoại bị sách nhiễu ở Hà Lan hoặc ở Đức bởi sự hiện diện của công an Trung Quốc ở ngoại quốc.
Do Erik Rusch thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức