Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp tân thủ tướng Trung Quốc: Sinh viên luật nhờ ông Scholz giúp giải cứu cha mẹ
BERLIN — Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) có chuyến thăm cấp quốc gia tới Đức, kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng Ba (2023). Phái đoàn chính thức của Trung Quốc luôn thu hút sự chú ý của công chúng về tình hình nhân quyền tại bất cứ nơi nào mà họ đi qua. Một sinh viên đến từ Berlin đã viết thư nhờ Thủ tướng Đức Olaf Scholz giúp đỡ để giải cứu cha mẹ mình ở Trung Quốc.
Hôm Chủ Nhật (18/06), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng các bộ trưởng khác đã đến Berlin. Và vào hôm thứ Hai, họ đã được Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier tiếp đón tại Cung điện Bellevue. Sau đó, vị quan chức thân tín của nguyên thủ quốc gia Trung Quốc Tập Cận Bình này sẽ gặp Thủ tướng Olaf Scholz để dùng bữa tối. Vào hôm thứ Ba, các cuộc tham vấn liên chính phủ giữa Đức và Trung Quốc mang tên “Cùng nhau hành động bền vững” sẽ bắt đầu trước khi ông Lý Cường tới München vào buổi tối và gặp Thủ hiến tiểu bang Bayern, ông Markus Söder.
Trong bối cảnh diễn ra các lễ hội và các cuộc đàm phán của chính phủ, một người Trung Quốc đến từ Berlin đã viết một bức thư cho Thủ tướng Scholz. Nhân chuyến thăm cấp quốc gia này, anh Đinh Nhạc Bân (Lebin Ding) đã thỉnh cầu các nhà lãnh đạo chính phủ Đức hãy giải cứu cha mẹ anh ở Trung Quốc.
Cha của anh là ông Đinh Nguyên Đức (Yuande Ding) và mẹ là bà Mã Thụy Mai (Ruimei Ma) đã bị cưỡng bức bắt cóc ra khỏi nhà của họ ở tỉnh Sơn Đông vào sáng ngày 12/05/2023. Theo sinh viên luật sống tại Berlin này, khoảng hơn một chục công an “mặc thường phục” dường như đã theo dõi họ trên đường từ cánh đồng trồng chè trở về nhà. Sau đó, một cuộc khám xét trái phép kéo dài ba giờ đã xảy ra trong ngôi nhà của cặp vợ chồng lớn tuổi này, và cuối cùng họ đã bị bắt đi.
‘Ngài Scholz, xin hãy giúp đỡ!’
Mẹ của anh Nhạc Bân đã được trả tự do sau 12 ngày nhờ vào sự phản đối của quốc tế. Tuy nhiên, như sinh viên này nói với The Epoch Times, giấy tờ tùy thân và điện thoại di động của bà đã bị lấy đi. Mẹ anh không thể giao tiếp với thế giới bên ngoài nếu không có sự giúp đỡ từ người khác.
Khi mẹ anh bước chân ra khỏi ngôi nhà của họ ở làng Diêm Gia Trang, thị trấn Khấu Quan, huyện Ngũ Liên, thành phố Nhật Chiếu, thì bí thư Đảng ủy của làng này đã lập tức đến kiểm tra xem có chuyện gì xảy ra không. Về căn bản thì đó là một kiểu quản thúc tại gia. Còn cha anh thì hiện vẫn đang bị giam giữ.
Hiện giờ người sinh viên sống tại Berlin này đang thỉnh cầu Thủ tướng Scholz, “trong bối cảnh các cuộc tham vấn chính phủ giữa Đức-Trung Quốc lần thứ 7 sắp tới và trong các cuộc đàm phán song phương tiếp theo với các đại diện của chính quyền Trung Quốc, xin hãy ủng hộ việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cha tôi, ông Đinh Nguyên Đức.” Bức thư này được cung cấp nguyên văn cho The Epoch Times.
Thư gửi Ngoại trưởng Annalena Baerbock
Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR) tại Frankfurt am Main đang liên lạc với Ngoại trưởng Annalena Baerbock về vấn đề tương tự. Trong bức thư đồng gửi cho nhóm biên tập của chúng tôi có đoạn viết rằng ISHR “rất lo ngại về các vi phạm nhân quyền đang diễn ra” ở Trung Quốc. Tổ chức nhân quyền này cho biết, “Người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, các nhà hoạt động dân quyền, thành viên của các nhà thờ Cơ Đốc Giáo tại gia, luật sư nhân quyền, và các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng những đau khổ không thể tưởng tượng được dưới bàn tay của chế độ cộng sản trong nhiều thập niên.”
Sau đó, bức thư đề cập đến trường hợp gần nhất về cha mẹ của anh Đinh Nhạc Bân ở Berlin. Theo ISHR, cặp vợ chồng này “bị bắt mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào và bị giam giữ tại một đồn cảnh sát ở thành phố Nhật Chiếu. Theo Điều 36 của Hiến Pháp Trung Quốc, công dân Trung Quốc được hưởng ‘quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và quyền tự do bất khả xâm phạm của con người (Điều 37).’”
“Thưa bà Bộ trưởng, ông Đinh Nguyên Đức không phạm bất kỳ tội nào theo luật pháp Trung Quốc, ông ấy không sử dụng bạo lực cũng như không kêu gọi sử dụng bạo lực chống lại chính phủ,” Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế viết trong thư gửi bà Annalena Baerbock. Nhưng ông Nguyên Đức đã làm gì để khiến chính quyền Trung Quốc bức hại ông? ISHR nhận xét, “Ông ấy chỉ đơn thuần là sử dụng quyền tự do tín ngưỡng được quốc tế bảo đảm của mình.” Ông Đinh Nguyên Đức và vợ đều tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định bị chế độ cộng sản này cấm.
Bị đe dọa bỏ tù vì viết thư phản đối
Như Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế đã viết, mẹ của anh Nhạc Bân chỉ được trả tự do nhờ “hành động kịp thời của các tổ chức phi chính phủ ngoại quốc và nhiều bức thư khác nhau từ Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế gửi cho Đại sứ Trung Quốc tại Đức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các bí thư đảng ủy của tỉnh Sơn Đông và thành phố Nhật Chiếu.” Tuy nhiên, chồng bà, ông Đinh Nguyên Đức, vẫn bị giam giữ và đã bị chuyển đến một trại tạm giam hai ngày trước.
Tổ chức nhân quyền này viết rằng vợ ông được thông báo rằng ông Nguyên Đức sẽ bị kết án tù. Về việc này, anh Nhạc Bân đã xác nhận trong thư gửi Thủ tướng, rằng vào ngày 14/06, “hai viên công an từ thành phố Nhật Chiếu” đã bất ngờ đến thăm mẹ anh tại nhà.
“Họ giận dữ nói với mẹ tôi rằng cha tôi sẽ bị kết án tù vì chiến dịch giải cứu ở hải ngoại, gồm cả những lá thư phản đối gửi bí thư thành ủy Nhật Chiếu.”
Truyền thông im lặng trước bạo lực
Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế nêu rằng, theo báo cáo của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) và Minghui.org, vào Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 31 diễn ra hôm 13/05 tại Nhật Chiếu, thành phố nơi cha mẹ của anh Nhạc Bân sinh sống, hơn 40 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ phi pháp.
Pháp Luân Công đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp kể từ năm 1999. Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế viết: “Bắt giữ phi pháp, bỏ tù, tra tấn, kết án cho đến thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn” cho đến nay là các phương pháp được sử dụng để đàn áp.
Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền này không chỉ chỉ trích mình nhà nước Trung Quốc: “Đáng tiếc là cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã hoàn toàn biến mất khỏi các nhan đề báo chí phương Tây trong những năm gần đây,” mặc dù cường độ bạo lực của nhà cầm quyền này chưa bao giờ suy giảm.
Chính trị gia viết thư cho Đại sứ Trung Quốc
Để giúp trả tự do cho cha của anh Nhạc Bân, phó lãnh đạo Đảng Sự lựa chọn khác cho Đức (AfD) đồng thời là phát ngôn viên của AfD tại Berlin, ông Roland Gläser, đã viết một bức thư cho Đại sứ Trung Quốc tại Berlin, ông Ngô Khẩn (Wu Ken). Trong đó, chính trị gia này viết rằng ông được thông báo là cả ông Nguyên Đức và vợ ông, bà Thụy Mai đều không vi phạm luật pháp Trung Quốc và rõ ràng là họ chỉ bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công.