Các ngoại trưởng Blinken và Tần Cương tổ chức một cuộc hội đàm ‘thẳng thắn’ tại Bắc Kinh
Hôm 17/06, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có một cuộc hội đàm “thẳng thắn” với ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh, hai bên cho biết. Ông Blinken đã bắt đầu chuyến công du kéo dài hai ngày vốn đã vấp phải sự chỉ trích khi các chuyên gia và nhà lập pháp Hoa Kỳ cho rằng chuyến thăm Trung Quốc là một sai lầm.
Ông Blinken, quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đặt chân đến Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, là ngoại trưởng đầu tiên đến thăm kể từ năm 2018, khi người tiền nhiệm của ông, ông Mike Pompeo, đến thăm Trung Quốc trong một ngày.
Ông Tần đã chào đón ông Blinken tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh. Hai người có cuộc trò chuyện ngắn và bắt tay nhau trước khi bước vào phòng họp. Cả hai nhà ngoại giao đều không đưa ra bình luận nào trước các phóng viên.
Chuyến đi của ông Blinken tới Bắc Kinh đánh dấu nỗ lực mới nhất trong chuỗi nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm nối lại liên lạc với Bắc Kinh; chế độ cộng sản này chủ yếu phản đối các trao đổi song phương ở cấp độ quân sự.
Trong cuộc họp kéo dài 5 tiếng rưỡi đồng hồ của họ, ông Bliken “đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao và duy trì các kênh liên lạc cởi mở về toàn bộ các vấn đề để giảm nguy cơ nhận thức sai và tính toán sai lầm,” ông Matt Miller, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, cho biết trong một tuyên bố được phát hành sau cuộc họp.
“Ngoại trưởng đã nêu ra một số vấn đề gây lo ngại,” ông Miller nói mà không nêu chi tiết.
Ông Miller cho biết ông Blinken đã mời ông Tần đến Hoa Thịnh Đốn và “họ đã đồng ý sắp xếp cho một chuyến thăm đối ứng vào thời điểm thuận tiện cho cả hai bên.”
Cả quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đều mô tả các cuộc gặp của họ là “các cuộc đàm phán thẳng thắn, thực chất, và mang tính xây dựng”, mặc dù các nhà quan sát bên ngoài cho biết có rất ít kỳ vọng về bất kỳ bước đột phá lớn nào ngay cả trước cuộc đàm phán của họ.
Ông Chen Lijian, một nhà bình luận về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 15/06 rằng chuyến đi này sẽ không “mang lại bất kỳ thỏa thuận theo từng giai đoạn hay kết quả cụ thể nào” bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vận hành theo kiểu mọi quyết định cuối cùng đều do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đã tăng cường nỗ lực chuẩn bị cánh quân sự của đảng và người dân Trung Quốc cho xung đột. Hôm 30/05, ông Tập nói với các quan chức trong ủy ban an ninh quốc gia của đảng rằng họ “phải chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất và cực đoan, đồng thời sẵn sàng đương đầu với thử thách sóng to, gió lớn, và thậm chí cả những cơn bão nguy hiểm.”
Ông Tập đã nhiều lần tuyên bố sẽ sáp nhập Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà ĐCSTQ luôn coi là lãnh thổ của mình, và không loại trừ khả năng về một cuộc chiến tranh để đạt được mục tiêu đó. Trong những năm gần đây, Đài Loan đã phải hứng chịu những hành vi sách nhiễu quân sự leo thang từ Bắc Kinh, vốn tiếp tục điều chiến đấu cơ bay gần hòn đảo này một cách thường xuyên. Năm 2022, Trung Quốc đã điều 1,727 phi cơ quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, tăng từ 960 chiếc vào năm 2021 và 380 chiếc vào năm 2020, theo AFP trích dẫn dữ liệu từ Bộ Quốc phòng của đảo quốc này.
Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn vẫn duy trì mối bang giao mật thiết với Đài Loan dân chủ theo một khuôn khổ được quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó buộc Hoa Thịnh Đốn phải cung cấp cho Đài Bắc các phương tiện để tự vệ.
Theo quân đội Hoa Kỳ, hồi đầu tháng này, một tàu chiến Trung Quốc đã va chạm trong phạm vi 150 yards (130m) với một khu trục hạm của Hoa Kỳ trong một nhiệm vụ chung giữa Canada và Hoa Kỳ qua Eo biển Đài Loan. Hoa Thịnh Đốn mô tả thao tác hải quân này là “không an toàn”, trong khi Bắc Kinh bảo vệ hành động của mình bằng cách cáo buộc “các nước liên quan” cố tình gây rủi ro.
Tại cuộc họp hôm Chủ Nhật (18/06), ông Tần mô tả Đài Loan là “cốt lõi của lợi ích căn bản của Trung Quốc”, “vấn đề quan trọng nhất”, và “nguy cơ lớn nhất” trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Bắc Kinh.
Trong khi chế độ cộng sản đưa ra lập trường ngày càng quyết đoán, các nhà phân tích cho rằng họ phải đồng ý với chuyến công du của ông Blinken để củng cố các mối quan hệ, vì quá trình phục hồi kinh tế sau COVID của họ đang mất đà, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục và tâm lý đầu tư ngoại quốc đang suy giảm trong bối cảnh chế độ này trấn áp bằng các quy định.
“Nếu ĐCSTQ hoàn toàn bất hòa với Hoa Kỳ, hoặc thậm chí dẫn đến xung đột, thì gần như tất cả các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ rút khỏi đại lục, đó là một tình huống mà ĐCSTQ không muốn chứng kiến,” nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói.
Ông Trần cũng nói rằng chế độ Trung Quốc không thể tiếp tục phát triển nếu không có Hoa Kỳ.
Theo lịch trình, ông Blinken sẽ tham dự bữa tối làm việc với ông Tần hôm 18/06 tại khu phức hợp xa hoa ở Bắc Kinh, sau đó là một cuộc họp bàn với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, vào ngày 19/06.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Blinken có gặp ông Tập hay không, người mà hôm 16/06 đã gặp người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates ở Bắc Kinh.
Trước đó, ông Blinken đã nói rằng chuyến công du của ông đến Trung Quốc nhằm mục đích xây dựng “cuộc thảo luận hiệu quả” mà Tổng thống (TT) Joe Biden và ông Tập đã có hồi tháng Mười Một, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia.
Tuy nhiên, chuyến công du dự kiến ban đầu của ông Blinken tới Trung Quốc hồi tháng Hai đã bị hoãn lại do phát hiện một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc bay qua một số tiểu bang và bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ. Vào thời điểm đó, ông Blinken cho biết vụ việc này “đã tạo ra những điều kiện làm suy yếu mục đích của chuyến công du.”
Khinh khí cầu gián điệp đó không phải là vụ việc duy nhất gần đây minh họa cho thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ. Khoảng một tuần trước khi ông Blinken đến Trung Quốc, chính phủ Tổng thống (TT) Biden tiết lộ rằng Trung Quốc đang vận hành một căn cứ có khả năng thu thập thông tin tình báo ở Cuba.
Một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã đưa ra tuyên bố chất vấn lý do ông Blinken lại chọn đến thăm Bắc Kinh vào thời điểm này.
“Thay vì lên án các hành vi gây hấn trắng trợn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken lại tuyên bố rằng ông sẽ hợp pháp hóa việc ĐCSTQ tiếp tục lật đổ chủ quyền của chúng ta bằng chuyến công du chính thức sắp tới,” Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng Hòa Hạ viện Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York) cho biết vào hôm 16/06. “Ngoại trưởng Blinken và Chính phủ TT Biden phải ngay lập tức chấm dứt nỗ lực yếu ớt và tuyệt vọng của họ trong việc ‘hâm nóng’ mối bang giao với ĐCSTQ.”
Hôm 17/06, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) cho biết chính phủ TT Biden không nên cố gắng xoa dịu Trung Quốc, do chế độ cộng sản này có ý định chống lại Hoa Kỳ.
“Ông Tập Cận Bình đã làm rõ các ưu tiên của mình: Ông ấy muốn thống trị Hoa Kỳ, và một cuộc gặp sẽ chỉ cung cấp cho đảng của ông ta thêm đạn dược để làm bẽ mặt chúng ta trên trường quốc tế,” bà nói. “Thay vào đó, Tổng thống Biden nên tập trung vào việc xây dựng một quân đội mạnh có thể cạnh tranh với nhiệm vụ thống trị toàn cầu của ĐCSTQ.”
Vài ngày trước khi ông Blinken lên đường sang Trung Quốc, trợ lý Ngoại trưởng Bộ Ngoại giao, ông Daniel Kritenbrink, nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi không đến Bắc Kinh với mục đích tạo ra một bước đột phá hoặc chuyển đổi nào đó trong cách chúng ta đối xử với nhau.”
“Đây không phải là một chuyến công du mà tôi có thể đoán trước được một danh sách dài các kết quả có thể đạt được từ đó.”
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) đã kêu gọi ông Blinken áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ.
“Chính phủ TT Biden đang không thực hiện các hành động an ninh quốc gia của Hoa Kỳ để theo đuổi các cuộc đàm phán không thành công với ĐCSTQ,” ông McCaul cho biết hôm 14/06. “Ngoại trưởng Blinken phải thúc đẩy các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng, đồng thời ưu tiên bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận với các quan chức của ĐCSTQ.”
‘Vị thế yếu’
Ông Alex Gray, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ và cựu Tổng tham mưu Hội đồng An ninh Quốc gia, đã đặt câu hỏi tại sao ông Blinken lại muốn gặp các quan chức Trung Quốc vào thời điểm này, xét đến những hành vi nghiêm trọng dai dẳng của Trung Quốc, chẳng hạn như vụ việc khinh khí cầu do thám Trung Quốc.
Ông Gray nói với NTD hôm 16/06: “Tôi nghĩ rằng ngay bây giờ Bắc Kinh đang nhìn nhận Hoa Kỳ một cách hợp lý là chúng ta đang ở thế yếu.”
“Lý do khiến tôi lo ngại về điều này là Tổng thống Biden và Bộ trưởng Blinken đã liên tục hành động như thể một cuộc gặp với ông Tập Cận Bình hay bất kỳ người đồng cấp Trung Quốc nào là điều quan trọng nhất trong nghị trình của họ.”
“Thật vô lý khi Hoa Kỳ dường như đang cầu xin được diện kiến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản [ông Tập].”
Ông Gray cho biết ông tin rằng tiết lộ gần đây về căn cứ của Trung Quốc ở Cuba sẽ làm hỏng các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia này. Ông nói thêm rằng thực tế không phải như vậy là rất quan trọng.
“Tôi nghĩ, trên thực tế, chính phủ TT Biden phụ thuộc vào nhóm vận động hành lang về biến đổi khí hậu trong Đảng Dân Chủ, những người vốn nhìn Bắc Kinh không phải từ góc độ chiến lược, quân sự hay kinh tế, mà từ góc độ biến đổi khí hậu,” ông Gray nói.
Đặc phái viên về khí hậu của ông Biden, ông John Kerry, cho biết Hoa Kỳ cần Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc thực tế không có ý định giúp đỡ phương Tây trong vấn đề này.
Đối với chuyến thăm Trung Quốc của ông Gates, ông Gray cho biết đại công ty phần mềm này đã không “nhận ra rằng việc cố gắng hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc gia ở Hoa Kỳ, trong khi hoạt động trong lĩnh vực kinh tế ở Trung Quốc, là không tương thích.”
“Nếu quý vị muốn hoạt động như một nhà cung cấp đáng tin cậy cho quân đội Hoa Kỳ, cho cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, cho an ninh kinh tế của Hoa Kỳ, quý vị phải đưa ra quyết định xem đó có phải là điều quý vị muốn hay không, hay quý vị muốn làm những gì Microsoft đang làm gì?” ông nói. “Quý vị có muốn hoạt động với tư cách là một đối tác của Đảng Cộng sản Trung Quốc không?”
Đánh cắp tài sản trí tuệ
Người ta kỳ vọng rằng chuyến công du của ông Blinken sẽ mở đường cho nhiều cuộc gặp song phương hơn trong những tháng tới, trong đó có các chuyến đi có thể có của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Chuyến công du này cũng có thể tạo tiền đề cho các cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden tại các hội nghị thượng đỉnh đa phương vào cuối năm nay.
Nhưng ông Frederic Rocafort, luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ (IP) và là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, nói với NTD hôm 16/06 rằng chuyến công du này chủ yếu nhằm ngăn chặn quan hệ song phương “đi lệch hướng.”
Theo ông Rocafort, việc Trung Quốc tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ là một trong những lý do dẫn đến rạn nứt giữa hai quốc gia.
“Khi chúng ta nói về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ (IP), chúng ta đang nói về nhiều hành động khác nhau của chính quyền Trung Quốc,” ông nói. “Chúng ta đang nói về các công ty thuộc mọi quy mô bị nhắm mục tiêu. Hầu hết chúng ta thường nghe nói về các tập đoàn lớn, những trường hợp hấp dẫn hơn khi công nghệ tân tiến nhất bị đánh cắp. Nhưng sự việc đó cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ hơn rất nhiều.”
Tháng 11/2022, một sĩ quan tình báo cộng sản Trung Quốc đã bị kết án 20 năm tù liên bang sau khi bị kết tội vì âm mưu tuyển dụng gián điệp và đánh cắp công nghệ hàng không nhạy cảm của Hoa Kỳ cho Trung Quốc.
Ủy ban về Đánh cắp Sở hữu Trí tuệ Hoa Kỳ ước tính vào năm 2017 (pdf) rằng nền kinh tế Hoa Kỳ phải chịu tổn thất hàng năm từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD do hành vi đánh cắp IP của Trung Quốc mỗi năm.
“Cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả hành vi đánh cắp, có thể nói như vậy, sẽ diễn ra dưới bàn tay của một tác nhân nhà nước, mặc dù chắc chắn có một số việc như vậy đang diễn ra,” ông Rocafort nói thêm.
Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times