Hội nghị Thượng đỉnh ngành y tá thảo luận về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
Tại một hội thảo trực tuyến sắp tới đây, các học giả và chuyên gia nhân quyền sẽ tập trung nêu bật nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do chính quyền cộng sản Trung Quốc gây ra.
Bà Deborah Collins-Perrica, giám đốc chuyên trách điều dưỡng thuộc Hiệp hội Các bác sĩ Chống lại Nạn cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (Doctors Against Forced Organ Harvesting, DAFOH) cho biết: “Thu hoạch nội tạng để cấy ghép từ người còn sống — hành động này không chỉ vi phạm về công tác điều dưỡng, đạo đức y tế, và các quyền căn bản của con người, mà còn là tội ác chống lại nhân loại.”
DAFOH, một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, sẽ đồng tổ chức sự kiện này.
Sự kiện này, được tổ chức trực tuyến vào ngày 01/11 từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều theo giờ miền Đông (ET,) sẽ thảo luận rất nhiều những bằng chứng về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sát hại những tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ.
Một tòa án độc lập có trụ sở tại London được thành lập vào năm 2019, cho biết, hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên quy mô đáng kể.” Sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, hội đồng gồm những luật sư và chuyên gia, được gọi là Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), kết luận rằng những hành động đó là tội ác chống lại nhân loại, trong đó những học viên Pháp Luân Công bị cầm tù là nguồn nội tạng chính.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa của Trung Hoa, bao gồm các bài tập tĩnh tại và một bộ các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Do những lợi ích về sức khỏe, nên Pháp Luân Công được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, ước tính thu hút khoảng 70 đến 100 triệu người tu tập vào cuối những năm 1990. Cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa bởi sự phổ biến và các giá trị đạo đức của Pháp Luân Công, tháng 07/1999, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch bức hại tàn bạo chống lại nhóm tu luyện này. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị tống vào các nhà tù, trại lao động, và trung tâm tẩy não trên khắp đất nước, nơi họ phải chịu tra tấn, cưỡng bức lao động, hoặc thậm chí cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Để tránh cho ngành y tế quốc tế vô tình trở thành đồng phạm của hoạt động ghê rợn này, các bác sĩ và những người vận động đã kêu gọi các cộng đồng cấy ghép ngừng hợp tác với Trung Quốc và cấm những tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc về cấy ghép nội tạng.
Đầu năm nay, Hiệp hội Cấy ghép Tim Phổi Quốc tế (International Society for Heart and Lung Transplantation), một hiệp hội cấy ghép bất vụ lợi, đã ban hành một hạn chế đầu tiên về hoạt động này. Hồi cuối tháng Tám, tổ chức này thông báo rằng họ sẽ ngừng chấp nhận những tài liệu nghiên cứu cấy ghép từ Trung Quốc, trong một nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng lạm dụng hiện đang diễn ra dưới chính quyền cộng sản này.
Bà Collins-Perrica nói rằng thông qua sự kiện trực tuyến này, bà hy vọng sẽ “truyền cảm hứng cho … những y tá hành động.”
Bà cho biết hội thảo trực tuyến, do DAFOH và Học viện Điều dưỡng Pháp y (Academy of Forensic Nursing) tổ chức, là sự kiện đầu tiên trong lĩnh vực điều dưỡng đề cập đến vấn đề thu hoạch nội tạng.
Theo Hiệp hội Y tá Hoa Kỳ, hơn 4 triệu y tá đã ghi danh tại Hoa Kỳ.
“Đó là một nhóm người đông đảo cần biết về điều này,” bà Collins-Perrica nói với The Epoch Times.
Ngừng du lịch cấy ghép nội tạng sang Trung Quốc
Bà Collins-Perrica, cựu y tá lâm sàng tâm thần của Cục Y tế Cựu chiến binh và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết một phần mục tiêu của hội nghị sắp tới là cung cấp thông tin cho các y tá về cách ứng phó như thế nào nếu bệnh nhân của họ đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng.
Vị chuyên gia chăm sóc sức khỏe này kể rằng lần đầu tiên bà biết về nạn thu hoạch nội tạng khi đang thực hiện một dự án nghiên cứu trong quá trình học cao học. Trong dự án này, bà đã phỏng vấn khoảng 50 người từ New England vốn đã được ghép tim, và một trong số họ đã đến Trung Quốc để thực hiện cấy ghép nội tạng.
Từ đó, việc này đã khiến bà Collins-Perrica đào sâu hơn vào vấn đề.
Do thời gian chờ đợi để nhận được nội tạng ở Trung Quốc thường ngắn hơn, nên những bệnh nhân từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây để cấy ghép, với chi phí hàng chục ngàn dollar trở lên.
Những ca phẫu thuật cấy ghép như vậy thậm chí có thể được lên lịch trước. Vào năm 2005, một bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Sheba thuộc Đại học Tel Aviv, Israel đã nói với bác sĩ của mình, Tiến sĩ Jacob Lavee, rằng ông ấy sẽ đến Trung Quốc để thực hiện một ca phẫu thuật cấy ghép tim trong hai tuần nữa. Là một bác sĩ phẫu thuật ghép tim, ông Lavee biết rằng người ta không thể xác định trước khi nào một bộ phận nội tạng có sẵn để cấy ghép, đặc biệt là tim, trong bất kỳ hệ thống nào dựa vào hiến tặng tự nguyện.
Nhận ra rằng đây chỉ có thể là hậu quả của việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, ông Lavee đã dẫn đầu trong việc soạn thảo Luật Cấy ghép Nội tạng của Israel (Organ Transplant Law), có hiệu lực vào năm 2008 và về căn bản là cấm mua bán nội tạng người. Theo một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên Tạp chí Ghép tạng của Mỹ (American Journal of Transplantation), luật này đã làm giảm đáng kể việc du lịch cấy ghép từ quốc gia này.
Bà Collins-Perrica hy vọng hội nghị thượng đỉnh y tá sắp tới sẽ dẫn đến nhiều hành động hơn nữa để chống lại và ngăn chặn nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
“Một điều gì đó quá độc ác đang lan rộng toàn cầu; một điều gì đó quá tàn ác đang hủy hoại toàn thể nhân loại, bởi vì đó chính là sự suy đồi của đạo đức,” bà chia sẻ.
Bản tin có sự đóng góp của Joan Delaney
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times