Canada: Các nghị sĩ bày tỏ sự ủng hộ khi dự luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức đi đến bước cuối cùng
Dự luật quan trọng nhằm ngăn chặn nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức hiện đang chờ phiên họp thứ ba và cũng là lần cuối cùng tại Hạ viện trước khi dự luật có thể trở thành luật, trong bối cảnh các nghị sĩ tỏ ra lạc quan rằng dự luật này cuối cùng sẽ được thông qua sau 15 năm nỗ lực lập pháp.
Dự luật S-223, do Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan đề xướng, đã thông qua đánh giá của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện hôm 24/11 và tự động được đưa trở lại Hạ viện vào đầu tuần này.
Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Garnett Genuis nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm 30/11, “Tôi vui mừng chia sẻ rằng Dự luật S-223 hiện đã được ủy ban tại Hạ viện thông qua mà không sửa đổi, điều đó có nghĩa là chúng tôi chỉ cần họp thông qua lần thứ ba và dự luật này sẽ trở thành luật.”
Ông Genuis, bộ trưởng phe đối lập phụ trách phát triển quốc tế của đảng ông, cho biết cuộc họp thông qua lần thứ ba sẽ diễn ra vào ngày 05/12 và ông “rất lạc quan rằng dự luật này sẽ được thông qua trước kỳ nghỉ Lễ Giáng Sinh.”
“[Đã có] những bước phát triển đáng khích lệ mà chúng tôi hy vọng cuối cùng có thể hoàn thành [dự luật] này sau 15 năm, để ban hành một đạo luật sẽ bảo vệ các nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức và buôn bán nội tạng.”
Dự luật S-223 sẽ coi việc công dân hoặc thường trú nhân Canada ra ngoại quốc để nhận nội tạng lấy từ ai đó không đồng ý sau khi họ được cung cấp đầy đủ thông tin, là một tội hình sự. Dự luật này cũng sẽ sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Người tị nạn và Nhập cư để ngăn chặn một thường trú nhân hoặc công dân ngoại quốc nhập cảnh vào Canada nếu họ đã tham gia vào các hoạt động liên quan đến buôn bán nội tạng người.
Bà Ataullahjan cho biết Canada đang “tụt hậu” so với một số đồng minh đã thông qua luật tương tự để cấm những tội ác này. Trước đó, Thượng nghị sĩ này đã chỉ ra rằng hơn 100 quốc gia có một số hình thức pháp luật cấm buôn bán nội tạng.
Bà nói hôm 30/11: “Chúng ta đang tụt hậu so với một số đồng minh của mình, những nước mà khi tôi công du ngoại quốc, họ đã khá ngạc nhiên khi biết rằng Canada vẫn chưa có luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Bà Ataullahjan đã ba lần đề xướng dự luật tương tự, trong đó có S-204, được đưa ra hồi tháng 12/2019. Dự luật đó đã bị hủy bỏ khi Thủ tướng Justin Trudeau thành lập Quốc hội vào năm 2020, khiến tất cả các hoạt động lập pháp dừng lại.
Dự luật đầu tiên nhằm ngăn chặn nạn buôn bán nội tạng người đã được cựu nghị sĩ Đảng Tự Do Borys Wrzesnewskyj đề xướng hồi năm 2008. Dự luật C-500 của ông được đưa ra vào tháng Hai năm đó nhưng đã bị hủy bỏ khi Quốc hội giải tán. Năm 2009, ông thực hiện nỗ lực thứ hai với Dự luật C-381, dự luật này cũng bị hủy bỏ khi Quốc hội hết nhiệm kỳ.
Năm 2013, Nghị sĩ Đảng Tự Do lúc bấy giờ là ông Irwin Cotler đã đưa ra luật tương tự, Dự luật C-561, và cũng đã không trở thành luật. Sau khi ông Cotler về hưu, ông Genuis đã tái đề xướng dự luật với tên gọi Bill C-350 tại Quốc hội khóa 42.
Cả ba nghị sĩ nói trên đều cho biết nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn những tội ác thu hoạch nội tạng được lấy cảm hứng từ một báo cáo năm 2006, do luật sư nhân quyền David Matas và cố nghị sĩ Canada David Kilgour là đồng tác giả. Báo cáo này, sau đó được hoàn thiện thành một cuốn sách có nhan đề (“Bloody Harvest”) “Thu hoạch đẫm máu”, được khởi xướng để điều tra chiến dịch thu hoạch nội tạng tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Các học viên của môn tu luyện này được cho là đã bị bỏ tù, tra tấn, và sát hại trên diện rộng để lấy nội tạng.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn thiền định bắt nguồn từ các truyền thống Phật gia bao gồm các bài giảng đạo đức dựa trên những nguyên lý chân, thiện, và nhẫn — những nguyên tắc mà cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân xem là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng cộng sản. Hồi tháng 07/1999, ông Giang đã phát động một chiến dịch đàn áp toàn quốc nhằm xóa sổ môn tu luyện này, mà theo ước tính của chính phủ, đã thu hút khoảng 100 triệu người Trung Quốc theo học. Cuộc đàn áp này hiện vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.
Bản tin có sự đóng góp của Isaac Teo
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times