Các bác sĩ Trung Quốc tham gia khóa đào tạo của Oxford bị cáo buộc dính líu đến thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Ít nhất một nửa số bệnh viện ở Trung Quốc có tên trong chương trình đào tạo này bị cáo buộc có liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn.
Có thông tin mới xuất hiện cho thấy, Đại học Oxford đã giúp thiết kế chương trình đào tạo có sự tham gia của các bác sĩ Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan tới hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc.
Theo trang web của chương trình đào tạo này, sáng kiến nhiều năm “New Horizon” (Chân Trời Mới) — được thiết kế để tạo điều kiện cho việc trao đổi kiến thức giữa các bác sĩ cấy ghép nội tạng của Trung Quốc và quốc tế — có sự tham gia của 114 bác sĩ Trung Quốc đến từ 62 bệnh viện, hai trung tâm nghiên cứu, và một trung tâm phân phối nội tạng.
Thông tin này xuất hiện khi chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với những cáo buộc về hoạt động sát hại tù nhân lương tâm do nhà nước hậu thuẫn xảy ra trên diện rộng — với nạn nhân chủ yếu là các học viên của môn tu luyện Pháp Luân Công, và gần đây hơn là người Duy Ngô Nhĩ — thông qua việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của họ để kiếm lời.
Theo Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Âu Châu (ESOT), một trong những cơ quan bảo chứng của chương trình đào tạo này, 35 sự kiện quốc tế đã được tổ chức trong khuôn khổ chương trình giảng dạy năm 2020-2022, và Trung tâm Dữ kiện về Cấy ghép tạng (CET) của Đại học Oxford đã giúp thiết kế các khóa học.
Trường đại học này nói với The Epoch Times rằng CET đã tổ chức 10 hội thảo trên web.
Một trong ba “khách mời danh dự” của chương trình này, giáo sư Trịnh Thọ Sâm (Zheng Shusen), đang bị buộc tội “trực tiếp và gián tiếp đồng lõa” với “[các] hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” trong một hồ sơ đệ trình lên Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal).
Do luật sư biện hộ nổi tiếng Sir Geoffrey Nice KC — người đứng đầu bên công tố trong vụ án xét xử cựu tổng thống Serbia Slobodan Milošević — chủ trì năm 2019, tòa án nhân dân có trụ sở tại London này đã kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã phạm tội tra tấn và tội ác phản nhân loại. Tòa án đưa ra kết luận này trong bối cảnh thông lệ thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn từ các tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, đang diễn ra trên một quy mô đáng kể ở Trung Quốc.
Toà cũng tuyên rằng các thành viên “không có chút nghi ngờ nào” rằng các hành vi đối xử thô bạo thuộc phạm trù tội ác diệt chủng — gồm cả ba trong số năm hành động được nêu trong Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng của Liên Hiệp Quốc — đã được thực hiện. Tuy nhiên, tòa chưa phán quyết rằng tội ác diệt chủng đã xảy ra vì các thành viên không thể phân biệt được giữa ý định đã tuyên bố của chính quyền Trung Quốc về việc tiêu diệt nhóm người tu luyện này và ý định thu được lợi nhuận kếch xù từ việc buôn bán nội tạng của họ.
Sau khi được truyền ra công chúng vào năm 1992, Pháp Luân Công — một môn tu luyện tinh thần xoay quanh các nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn” — đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nhưng đến năm 1999, môn tập này đã trở thành mục tiêu đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản.
Các học viên của môn tu luyện này đã bị sách nhiễu, bị xã hội cô lập, giam cầm trái phép, tra tấn, và sát hại.
Điều đáng lưu tâm là việc xác minh về sự tham gia của các bác sĩ cụ thể vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức là vô cùng khó khăn do bản chất mờ ám của chính quyền này. Trong một loạt báo cáo điều tra về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã cáo buộc rằng “tất cả các cơ sở cấy ghép ở Trung Quốc ngày nay đều tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng sống.”
Trong loạt báo cáo của WOIPFG, có thể nhìn thấy tên của gần một nửa số bệnh viện Trung Quốc tham gia chương trình đào tạo “New Horizon” này (29 bệnh viện) được liệt kê như là các mục tiêu điều tra chính.
Theo các tài liệu này, nhân viên từ khoảng 10 bệnh viện trong số này đã thừa nhận hoặc không phủ nhận trước các điều tra viên đóng giả là bệnh nhân có nhu cầu, rằng họ đã sử dụng nội tạng của các học viên Pháp Luân Công. Các bệnh viện còn lại thì có một nguồn cung nội tạng sẵn có không được giải thích.
Theo hồ sơ đệ trình lên Tòa án Luận tội Trung Quốc liên quan đến ông Trịnh, vị bác sĩ phẫu thuật dày dạn kinh nghiệm cấy ghép này có liên quan trực tiếp tới cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc. Từ năm 2007 đến năm 2017, ông là chủ tịch chi nhánh Chiết Giang của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc (CACA), một cơ quan được thành lập để phổ biến tuyên truyền phỉ báng chống Pháp Luân Công và nghĩ ra các phương pháp để ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ.
Cả WOIPFG và Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC) đều cho biết rằng ông Trịnh là tác giả của một bài báo hồi năm 2005, ghi lại việc ông đã thực hiện 46 ca phẫu thuật ghép gan khẩn cấp từ năm 2000 đến 2004 như thế nào — giữa một thời kỳ mà Trung Quốc không có hệ thống hiến tạng tự nguyện tại chỗ và tất cả các tù nhân chờ tử hình bị xử tử trong vòng bảy ngày.
Do xác suất thấp của việc 46 tù nhân có nhóm máu tương thích cùng bị hành quyết vào đúng lúc các bệnh nhân cần được ghép gan, bức thư của ETAC cho rằng, “những ca cấy ghép như vậy ngụ ý rằng các cá nhân không phải là tù nhân phải chịu án tử hình đã bị sát hại theo nhu cầu mà không qua xét xử.”
Năm 2017, tạp chí Liver International đã rút lại một bài báo nghiên cứu có ông Trịnh là đồng tác giả vì các tác giả đã không chứng minh được rằng họ không sử dụng nội tạng của các tù nhân bị xử tử.
Một bác sĩ khác tham gia chương trình năm 2023, ông Hà Hiểu Thuận (He Xiaoshun), từng được một điều tra viên hỏi hồi năm 2018 rằng liệu bệnh viện của ông có đang sử dụng những cơ quan nội tạng khỏe mạnh của các học viên Pháp Luân Công hay không, theo các bản ghi âm do WOIPFG cung cấp. Ông đã không phủ nhận tuyên bố này sau khi bị người gọi hỏi dồn.
Ông Hà hiện nay vẫn là phó viện trưởng của Bệnh viện thứ Nhất thuộc Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu. Hồi năm 2015, một bác sĩ khác cũng đến từ bệnh viện này cũng đã xác nhận rằng họ có nội tạng có nguồn gốc từ các học viên Pháp Luân Công.
Ông Tiết Vũ Quân (Xue Wujun), giám đốc dự án của chương trình “New Horizon,” là viện trưởng của Bệnh viện thứ Nhất thuộc Trường Y Đại học Giao thông Tây An.
Theo WOIPFG, năm 2006, một bác sĩ đã thừa nhận sử dụng nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công.
Một phát ngôn viên của Đại học Oxford cho biết: “Oxford hết sức lên án thông lệ vô nhân đạo của việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân bị xử tử và các giảng viên của Đại học đã đi đầu trong việc kêu gọi các tổ chức quốc tế gây áp lực buộc Trung Quốc chấm dứt thông lệ này. Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Âu Châu, và các cơ quan quốc tế khác hiện đã cho phép hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu cấy ghép nội tạng hợp pháp ở Trung Quốc.”
“Trung tâm Dữ kiện về Cấy ghép tạng thúc đẩy chất lượng trong nghiên cứu học thuật về cấy ghép. Trung tâm được yêu cầu cung cấp các hội thảo trên web cho chương trình New Horizon để nâng cao các tiêu chuẩn về thực hành nghiên cứu học thuật ở Trung Quốc, và cung cấp các bài thuyết trình trực tuyến bao gồm các bài về phân tích dữ liệu, xuất bản nghiên cứu, và đạo đức trong nghiên cứu. CET đã không cung cấp bất kỳ đào tạo nào về thực hành cấy ghép hoặc phẫu thuật.”
ESOT nói trong một tuyên bố rằng họ đã “hết sức tận tâm với việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức tối đa trong lĩnh vực hiến tạng và cấy ghép.”
“ESOT nhắc lại việc lên án mạnh mẽ hoạt động thu hoạch nội tạng phi đạo đức và bất kỳ phương pháp phi đạo đức nào kèm theo,” tuyên bố viết. “Quan hệ đối tác và hợp tác của chúng tôi có nguồn gốc vững chắc từ việc trao đổi kiến thức học thuật mở nhằm thúc đẩy khoa học cấy ghép, chăm sóc lâm sàng tốt nhất, và nâng cao kết quả cho bệnh nhân, cũng như thúc đẩy các nguyên tắc cốt lõi của chúng tôi đối với các hoạt động đạo đức trong lĩnh vực này.”