Nhân sinh cảm ngộ: Đừng sợ khó khăn
Chị tôi sắp xếp lại các món đồ chơi thời còn nhỏ của cô con gái. Chị nhờ tôi mang hầu hết các món búp bê còn mới toanh, đem tặng cho hai cô cháu gái ba tuổi và năm tuổi của chị họ.
Biết tin, mẹ tôi cho rằng không hợp lý. Bà lo lắng rằng sẽ gây ra cuộc tranh chấp giữa hai chị em nhỏ, chỉ phí công gây ra thêm rắc rối. Tôi lại cảm thấy không có vấn đề gì cả. Tôi nghĩ, đừng sợ khó khăn, chỉ sợ dễ dàng đầu hàng, bỏ cuộc. Ngoài ra, để có thể học hỏi được điều gì đó từ trong khó khăn cũng là một thời cơ rất tốt.
Hãy thử nghĩ xem: Mọi người có thể học được gì từ việc này? Đầu tiên là sự phối hợp, người lớn giúp trẻ nhỏ phân tích mấu chốt của vấn đề. Sau đó khuyến khích các bé thương lượng với nhau về sách lược mà cả hai đều cảm thấy hài lòng. Ví dụ như: Chơi đố nhau để đưa ra quyết định, luân phiên chờ đến lượt mình hoặc các phương pháp khác. Trong quá trình giải quyết vấn đề này, tính cách, quan điểm và khả năng nhận thức của các bé sẽ lần lượt thể hiện ra. Cha mẹ có thể đứng một bên để đưa ra hướng dẫn và gợi ý thích hợp, từ đó nhận về sự trưởng thành và tiến bộ của con nhỏ.
Tiếp theo là sự hợp tác, tuân thủ các quy tắc sau khi phối hợp. Mọi người sẽ giúp đỡ lẫn nhau cùng thực hiện một điều gì đó để đạt được mục tiêu chung. Học cách phối hợp với người khác là một phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ giữa người với người của trẻ. Điều này càng làm gia tăng nguyện vọng sâu sắc muốn học hỏi của các bé. Sau đó, hướng dẫn trẻ chia sẻ với nhau. Điều này không chỉ là cách nuôi dưỡng các giá trị quan cho trẻ, mà còn giúp rèn luyện kỹ năng xã hội, dạy trẻ cách tôn trọng người khác, xây dựng nên tình bạn và biết cách chia sẻ niềm vui, làm phong phú thêm tuổi thơ của các em.
So với những mâu thuẫn trong vòng tròn của trẻ, thật ra, điều tương tự như vậy cũng xảy ra ở thế giới người lớn. Khi gặp vấn đề, chúng ta thường thông qua cách phối hợp, trao đổi, phân công, hợp tác và chia sẻ với nhau để tìm ra cách giải quyết. Khi chúng ta cố gắng hết sức để tránh xảy ra vấn đề thì cũng đừng sợ những rắc rối sẽ xuất hiện. Bởi vì điều khiến con người có thể trưởng thành nhanh nhất luôn nằm ở chỗ các vấn đề ấy. Và sự phát triển của nhân loại, sự tiến bộ của nền văn minh đều nằm ở chỗ phải đối mặt với các vấn đề và cách chúng ta không ngừng tiến lên trong quá trình giải quyết các vấn đề ấy.
Đối với các câu hỏi mang tính khơi dậy khả năng tưởng tượng, Einstein từng nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”, vì kiến thức có hạn nhưng trí tưởng tượng thì vô hạn. Dựa vào khả năng tưởng tượng, ngày nay chúng ta mới có thể khám phá vũ trụ và du hành xuyên không gian. Hơn nữa, nó còn là nguồn mở rộng kiến thức, khiến thế giới được lấp đầy bởi những khả năng vô tận.
Các câu hỏi sẽ khai phá sức sáng tạo. Thông qua nghiên cứu và thảo luận không ngừng nghỉ, đề xướng những ý tưởng mới và quá trình không ngại thử nghiệm, chúng ta có thể phát triển và mở rộng tư duy, trau dồi thêm nhiều ý tưởng sáng tạo. Nó không chỉ giới hạn ở một đáp án duy nhất hoặc một đáp án cố định, mà còn là tư duy mang tính lan tỏa. Từ các góc nhìn, phân tích và cách hành xử khác nhau để tìm ra các giải pháp.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ