Nhân sinh cảm ngộ: Bỏ lỡ màn đặc sắc nhất của lễ hội
Trên đường về nhà sau giờ tan làm, tôi để ý trên con phố quen thuộc có gì đó khác so với ngày thường. Ngã tư đường có thêm biển cấm xe máy lưu thông, ven đường có dựng sân khấu và đặt thiết bị âm thanh. Tôi đoán người ta có thể đang tổ chức hoạt động gì đó, nhưng vì đang vội nên tôi không nhìn kỹ và cứ thế đi thẳng.
Buổi tối sau khi ăn xong, tôi lấy điện thoại ra xem tin tức và thấy đưa tin về lễ hội văn hóa của thành phố. Tôi vốn không quan tâm lắm đến những hoạt động này, và cũng không thích đến nơi đông người. Tuy nhiên, lần này có rất nhiều tin tức về lễ hội văn hóa nên tôi cũng lướt qua xem chút. Hóa ra, lễ hội tổ chức ở chính con phố tôi đi qua lúc chiều, diễn ra trong hai tiếng đồng hồ và thu hút rất nhiều du khách ngoại tỉnh.
Hình ảnh trong bài báo đẹp hơn nhiều so với cảnh thực tế trên đường phố. Ánh đèn đầy màu sắc rực rỡ dưới bóng đêm chiếu sáng cho những gian hàng đại diện cho văn hóa các quốc gia và khu vực khác nhau. Du khách đến từ những vùng xa xôi mang đủ loại trang phục của các dân tộc khác nhau, họ tụ tập cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Trong nháy mắt, con phố này đã trở thành một phiên bản thu nhỏ của nhiều nền văn hóa đa dạng. Chỉ cần đi bộ vài trăm mét là có thể thưởng thức món ngon từ khắp nơi trên thế giới, mua được nhiều loại trang sức phụ kiện và còn được xem các tiết mục nghệ thuật trên sân khấu.
Có người bạn nhắn tin hỏi tôi, tôi sống gần nơi tổ chức lễ hội văn hóa thế, không biết có đến xem trực tiếp không. Tôi trả lời rằng lúc tôi đi qua đó thì chương trình chưa bắt đầu, đến lúc tôi biết là có lễ hội thì chương trình đã kết thúc mất rồi. Vậy nên, tôi rõ ràng đã đến tận nơi tổ chức, nhưng lại không được xem lễ hội. Bạn tôi nghe vậy liền cười và nói, có thể sáng mai qua đó vẫn còn xem được cảnh tượng của lễ hội.
Sáng nay tôi dậy sớm đi làm, và lại đi qua con phố đó. Quả nhiên, đúng như bạn tôi dự đoán, sau khi lễ hội văn hóa kết thúc tối qua, ban tổ chức chương trình vẫn chưa dọn dẹp xong, rất nhiều gian hàng vẫn còn đó. Lúc này có rất ít người, tôi lại gần quan sát, thấy nhiều poster và trang phục biểu diễn còn sót lại, dường như vẫn cảm nhận được phần nào không khí độc lạ của các tiết mục. Nghĩ lại hình ảnh thấy trên bản tin đưa tối hôm qua, so sánh với quang cảnh hoang vắng trước mặt, tự nhiên tôi nhận ra rằng có lẽ bỏ lỡ màn đặc sắc nhất của lễ hội lại là điều tốt.
Dù là sự kiện hoành tráng đến đâu, cũng sẽ có một khởi đầu khá bình thường, và khi kết thúc mọi thứ sẽ lại quay về vẻ bình yên vốn có. Màn đặc sắc nhất ở giữa mang lại cho người ta hưng phấn nhiều nhất, nhưng cũng là phần sẽ để lại sự hụt hẫng. Giống như lễ hội văn hóa báo đưa tin, tất cả sự sôi động và náo nhiệt đều như pháo hoa rực rỡ trên bầu trời đêm, chỉ là màn đặc sắc nhất thời. Khi tiếng nhạc kết thúc, mọi người tản đi, những người bước ra khỏi lễ hội đều cảm thấy luyến tiếc, không nỡ cởi bỏ bộ trang phục lộng lẫy và trở về với cuộc sống thường nhật.
Chu Hi Thiết biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ