Nhân sinh cảm ngộ: “Chúc phúc” là món quà đầy ý nghĩa
Trước đây không lâu, em trai tôi đổi việc làm. Chuyển đổi ngành nghề ở độ tuổi trung niên, nhưng cậu ấy cũng chẳng động tĩnh gì, cứ lẳng lặng tiến hành. Chỉ khi mọi việc đã xong xuôi cả rồi cậu ấy mới thông báo cho gia đình. Mẹ tôi vừa bất ngờ vừa lo lắng, và tôi cũng bị cuốn vào “vòng xoáy lo lắng” đó.
Nghe em trai giải thích đầu đuôi ngọn ngành, mặc dù bớt lo lắng hơn chút nhưng tôi vẫn cảm thấy bất an. Tôi lo rằng quá khứ của em trai sẽ lặp lại, kết cục ‘xôi hỏng bỏng không’, rồi lại nhọc công vô ích! Nhưng em gái tôi lại có cách nhìn khác. Cô ấy cho rằng tuổi trung niên như vậy mà chuyển đổi ngành nghề quả là không dễ dàng, lúc này mà vẫn tìm được công việc mới, thì đúng ra nên mừng cho anh ấy.
“Một câu nói thức tỉnh người trong mộng”! Em gái tôi quả thật thông minh sáng suốt. Nhìn từ góc độ này, em trai làm vậy là vì vợ con và tương lai của mình. Như vậy, cậu ấy là người vừa dũng cảm vừa có ý thức trách nhiệm, rất đáng được khen ngợi.
Hầu hết chúng ta đều có thói quen chống lại sự thay đổi, suy cho cùng thì ở trong vùng an toàn là cảm thấy thoải mái nhất. Nhưng có được khả năng tự mình đột phá, vượt qua chính mình, dám đối diện với tương lai mù mịt vô định, thì lại không phải chuyện dễ dàng. Tất nhiên, lo lắng và sợ hãi cũng luôn đi kèm theo đó, như khi người ta uống nước vậy, nóng hay lạnh tự mình biết thôi. Nhưng lòng dũng cảm có thể gánh chịu được mọi gánh nặng, khi người ta làm việc một cách “có dũng khí”, họ sẽ dốc hết toàn lực để hóa giải lo âu, vượt qua sợ hãi, từ đó có được sự trưởng thành và phát triển.
Bên cạnh đó là ý thức trách nhiệm, đối với môi trường và mọi người xung quanh. Không nên có những thái độ tiêu cực kiểu như oán hận hay xem xét soi mói, mà cần phải chủ động tích cực, sẵn sàng hành động mọi lúc mọi nơi, chỉ cần cơ hội xuất hiện, liền có thể thể hiện bản lĩnh.
Người có trách nhiệm không cần ai quản lý hay đặt yêu cầu, họ có khả năng tự nhận thức và mức độ kỷ luật nhất định. Khi đối mặt với vấn đề, tâm không hoảng sợ, dũng cảm gánh vác trách nhiệm mà không trốn tránh. Được động lực như vậy thúc đẩy, họ luôn đứng vững trên đôi chân của mình, kiên định hoàn thành nhiệm vụ.
Khi đã làm rõ những điểm này, tôi và mẹ thống nhất: từ giờ trở đi không lo lắng và phiền não nữa. Trong hoàn cảnh “mọi sự khởi đầu nan” như thế này, thì những suy đoán và khổ não của mọi người xung quanh cũng chẳng có ích gì. Thay vào đó nên tặng cho em trai một món quà ý nghĩa – “lời chúc phúc”, để đồng hành cùng cậu ấy đối mặt và thích nghi với công việc mới.
Trong lời chúc phúc có sự ủng hộ và động viên từ gia đình, khuyến khích em trai hãy cứ duy trì dũng khí dám thay đổi, cũng như ý thức trách nhiệm làm việc chăm chỉ chịu khó mà mình đang có. Đồng thời cũng động viên cậu ấy rằng: “Thành công thực sự không phải là làm được việc gì lớn lao, mà là tích lũy từ những việc nhỏ bé hàng ngày.”
Lời chúc phúc chân thành sẽ phát ra một luồng năng lượng, giúp tăng cường lòng tin, và làm cho người ta luôn suy nghĩ tích cực, một lòng tiến về phía trước. Dù khó khăn tới đâu, chỉ cần tin vào bản thân mình, sẽ thấy điều gì cũng là có thể. Từ đó thoát khỏi những khuôn khổ, giới hạn, và đối mặt hiệu quả với mọi khó khăn, thử thách.
Chu Hi Thiết biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ