Nhân sinh cảm ngộ: Đối mặt với áp lực
Mấy ngày trước, tôi bất ngờ phát hiện cây táo cằn cỗi trồng trong chậu cây cảnh dưới mái hiên nhà anh hàng xóm sau một thời gian dài đã ra trái. Nhìn những chùm táo nặng trĩu, đung đưa trên cành trông thật thích mắt.
Tất nhiên, mùa màng bội thu là nhờ chủ nhân của nó đã tận tình chăm sóc, chẳng trách anh hàng xóm rất vui mừng, mặt mày hớn hở.
Vừa trò chuyện, anh vừa dẫn tôi đi xem sự khác biệt giữa nơi có ánh nắng và nơi bóng râm: Những trái táo dường như đều vươn về hướng Tây, nơi có ánh nắng chiếu rọi; ngược lại trong bóng râm, nơi không phải chịu sự khắc nghiệt của sương, gió, mưa lạnh thì lại có rất ít trái. Rõ ràng, chịu đựng áp lực khác nhau, kết quả cũng khác nhau một trời một vực.
Trong cuộc sống hàng ngày, khó khăn và áp lực dường như luôn thường trực, nhưng đa phần chúng ta lại chỉ thích được an nhàn thoải mái, tự do tự tại. Khi áp lực kéo dài khiến chúng ta mệt mỏi kiệt sức, cũng là lúc bắt đầu của sự mất cân bằng về thể chất và tinh thần. Vì vậy, trên thị trường hiện nay có rất nhiều lý thuyết và các cuốn sách dạy cách giảm căng thẳng (stress), giải tỏa căng thẳng và “chung sống” hòa bình với căng thẳng.
Trên thực tế, mọi người đều đang trải qua áp lực ở các mức độ khác nhau; cho nên, nó cũng chưa hẳn là một chuyện xấu. Nếu không có áp lực, dễ khiến người ta trở nên cẩu thả, buông lơi. Nếu áp lực quá mức, lại khiến người ta quá sức chịu đựng vì bất lực. Nhưng nếu áp lực ở mức vừa phải, nó lại có tác dụng trợ giúp chúng ta hăng hái vươn lên, và cây táo nhà anh hàng xóm của tôi chính là một bức chân dung rõ ràng thuyết phục. Áp lực có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng có thể mang đến năng lượng tích cực. Điều quan trọng không phải là chúng ta gồng mình để thoát khỏi nó, mà là tâm thái của chúng ta khi đối diện với nó như thế nào!
Có một câu chuyện như thế này:
Trong lớp học, cô giáo cầm một ly nước lên và hỏi: “Theo các em, ly nước này nặng bao nhiêu?” Rất nhiều câu trả lời được đưa ra, có em nói 200 gam, có em nói 300 gam… Cô giáo lại hỏi: “Đúng, nó chỉ nặng 200 gam. Như vậy, các em có thể giữ ly nước này trên tay được bao lâu?”
Nhiều học sinh bật cười, chỉ có 200 gam, vậy sẽ cầm được bao lâu? Sau đó, cô giáo nghiêm giọng nói: “Cầm một phút thì không sao; cầm một giờ, khả năng sẽ cảm thấy đau tay; cầm một ngày? Một tuần thì sao? Có khi sẽ phải gọi xe cứu thương.” Tất cả học sinh lại cười, nhưng lúc này các em hoàn toàn đồng ý.
Cô giáo nói tiếp: “Tuy cùng một trọng lượng, nhưng thuận theo thời gian giữ nó kéo dài bao lâu, thì trọng lượng của nó cũng sẽ phát sinh thay đổi. Thực ra, ly nước này rất nhẹ, nhưng càng cầm lâu thì càng cảm thấy nặng. Điều này cũng giống như đem áp lực đặt lên thân chúng ta vậy. Cho dù áp lực có lớn hay không, nhưng thời gian kéo dài thì cảm giác càng lúc càng không thể chịu đựng. Bởi vậy, việc chúng ta cần làm chính là đặt ly nước này xuống, nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục cầm nó lên. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể giữ nó được lâu hơn. Vì vậy, khi đối diện với áp lực mà chúng ta đang gánh chịu, nên biết buông xuống đúng lúc, nghỉ ngơi thật tốt, sau đó một lần nữa bắt đầu lại, như thế mới có thể đi tiếp quãng đường dài hơn.”
Cô giáo nói xong, cả lớp vang lên tiếng vỗ tay rào rào hưởng ứng.
Phương Viễn biên tập
Bảo An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ