Để hạnh phúc, hãy suy nghĩ như một người cao niên
Tục ngữ có câu: “Nhà có người già, như có báu vật.” Kinh nghiệm sống của người già sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ con cháu; sự tôi luyện trong cuộc sống khiến họ ngày càng kiên cường hơn, điều này xứng đáng để thế hệ trẻ học hỏi. Một số chuyên gia kiến nghị rằng, nếu muốn hạnh phúc, bạn nên suy nghĩ như một người cao niên.
Bác sĩ tâm lý học kiêm tác giả người Mỹ Loren A. Olson đã viết trên trang web “Tâm lý học ngày nay” (Psychology Today) rằng: Bà Laura Carstensen, giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, nhà nghiên cứu về lão hóa và hạnh phúc, phát hiện người cao niên vui vẻ hạnh phúc hơn so với người trung niên và thanh niên. Rất nhiều nghiên cứu đều có kết luận tương đồng.
Ông Olson viết, người cao niên là một kho tàng trí tuệ và kinh nghiệm. Tốc độ làm việc của họ tương đối chậm, nhưng họ có thể đưa ra những đóng góp xuất sắc cho lực lượng lao động. Họ là nguồn lực có thể giải quyết một phần thiếu hụt về lao động.
Ông nói, trở lại làm việc sẽ đem lại ý nghĩa trong cuộc sống cho người cao tuổi. Ông cho biết, mặc dù hiện nay ông đã 80 tuổi, nhưng vẫn đang làm việc, và không phải phụ thuộc vào người khác. Tất nhiên, người lớn tuổi có thể trở lại tiếp tục công tác sau khi về hưu, công việc cũng không nhất định phải liên quan đến trình độ học vấn và chuyên môn của họ.
Trong bài báo, ông Olson đề cập đến “nghịch lý của lão hóa” (paradox of aging), đó là sức khỏe thể chất và chức năng của con người sẽ suy giảm khi họ già đi, nhưng tinh thần của họ thì không. Nhiều nghiên cứu cho thấy trầm cảm, lo lắng, căng thẳng và tức giận đều giảm theo tuổi tác.
Ông nói: “Việc nhận ra chúng ta không thể sống mãi sẽ cải biến quan điểm của chúng ta theo hướng tích cực.”
Ông bày tỏ, tuổi tác thực tế chỉ là một con số. Mọi người còn có tuổi sinh lý và tuổi tâm lý. Nó sẽ thay đổi tùy theo mỗi người, cũng thay đổi theo thời gian. Tùy theo tuổi tác tăng lên, rất nhiều phương diện đều sẽ có sự cải thiện, trong đó bao gồm: chấp nhận bản thân và người khác, kiến lập mối quan hệ sâu sắc hơn, trí tuệ và sự đồng cảm, khả năng bao dung, lòng biết ơn, khả năng phục hồi, giảm thiểu tâm trạng thất thường và bốc đồng v.v.
Ông nói, thường khi tuổi tác ngày càng cao, khung thời gian của người ta sẽ trở nên ngắn lại, mục tiêu cũng sẽ thay đổi. Người cao tuổi sẽ sử dụng nguồn lực tri thức (cognitive resources) mang thông điệp tích cực nhiều hơn so với thông điệp tiêu cực.
Mặc dù thời gian vẫn có cảm giác cấp bách, nhưng tính cấp bách của thời gian đã phát sinh cải biến ở người lớn tuổi. Đối với họ, điều cấp thiết đối với họ bây giờ là trải nghiệm từng khoảnh khắc, không lãng phí thời gian còn lại.
Nhận thức về tương lai
Ông Olson cho biết, thanh niên chú trọng nhiều hơn đến học tập, các mục tiêu liên quan đến lập kế hoạch nghề nghiệp và các mối quan hệ xã giao mới. Khi còn trẻ, họ không cảm thấy sự hạn chế của thời gian.
Cùng với sự gia tăng của tuổi tác, mọi người bắt đầu chú ý đến các quan điểm tích cực, mục tiêu của họ cũng chuyển sang các mục tiêu có ý nghĩa tinh thần. Họ sống cho hiện tại, chuyện của tương lai thì để tương lai hãy tính.
Ông cho biết, hiện tại ông tập trung nhiều hơn cho hiện tại và những mối quan hệ tình cảm quan trọng. Ông đang làm việc, nhưng chỉ là công việc, thời gian, địa điểm mà ông lựa chọn.
Mặc dù quan hệ xã hội của ông thu hẹp lại, nhưng ông vẫn đang theo đuổi những mối quan hệ quan trọng nhất. Ông bắt đầu suy ngẫm về cuộc sống, bỏ qua những điều tầm thường, trân trọng và tha thứ cho người khác nhiều hơn. Càng làm như vậy, ông càng cảm thấy hạnh phúc.
Ông nói rằng mặc dù bản thân đã trải qua sự đau khổ khi mất đi người thân, nhưng ông đã trở nên tự tại hơn với những nỗi đau. Cuộc sống không còn là chuỗi những sự kiện thống khổ. Ông đã trải nghiệm nhiều niềm vui, hạnh phúc và viên mãn hơn.
Ông nói: “Tôi không còn tin ‘ngày mai sẽ lặp lại ngày mai’”. Tôi không chắc chắn sẽ còn có ngày mai, do đó tôi sống hết mình cho ngày hôm nay. Tôi sẽ để tương lai mang đến cho tôi những điều vui vẻ bất ngờ, nó sẽ triển hiện như nó mong muốn.”
Trần Tuấn Thôn thực hiện
Mộc Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ