Học cách sống ‘tối giản’ để cuộc sống không còn bộn bề
Chúng ta nên lấp đầy cuộc sống của mình bằng những điều quan trọng nhất, đừng để cuộc sống bị cản trở bởi quá nhiều thứ vụn vặt và bừa bộn. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi vì bận rộn và căng thẳng, hãy thử áp dụng “chủ nghĩa tối giản” vào cuộc sống của mình. Bạn sẽ nhận thấy cuộc sống có những chuyển biến bất ngờ.
Một cuộc sống mà bạn mong đợi sẽ như thế nào? Khi bạn tan làm về nhà, có thể cùng gia đình thưởng thức những món ăn đơn giản như đậu bắp chiên giòn, thịt bò hầm, súp miso ngao gừng… Sau bữa tối, cùng người thân ngồi trong phòng khách sạch sẽ và thoải mái, bật đèn màu cam theo phong cách cổ điển, vừa uống trà thảo dược vừa trò chuyện vui vẻ, v.v.
“Cuộc sống tối giản” mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích: có nhiều thời gian hơn, niềm vui rộng mở, nguồn cảm hứng phong phú và tâm trạng vui vẻ, v.v. Ngoài ra, chúng ta còn có thể khám phá các lĩnh vực khác như nghệ thuật, thời trang, giải trí, v.v. Bởi vậy, đôi khi “đơn giản” ngược lại càng khiến chúng ta tràn đầy sức sống.
Không có một hình thức cố định nào cho cuộc sống tối giản. Hiểu một cách đơn giản, đó là sử dụng phương pháp “Danshari” (lối sống tối giản của người Nhật, Dan – từ chối, Sha – vứt bỏ và Ri – tránh xa; tiếng Việt là “Đoạn – Xả – Ly”) để hướng tới một cuộc sống lý tưởng phù hợp với bản thân. Nhiều người đã hồi phục sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ phương pháp này, thậm chí có người còn nói rằng “cơ nghiệp phú quý đã được cải thiện.” Sau khi bỏ bớt những thứ bừa bộn rối ren trong cuộc sống hàng ngày, họ dường như đã tìm thấy chính mình.
Một người dẫn chương trình sự kiện đã nói rằng: “Một người giỏi sắp xếp, thì làm việc chắc chắn có quy củ.” Biết buông bỏ, cất gọn và sắp xếp nhà cửa gọn gàng, cảm giác an định này sẽ khiến bạn không còn lo lắng, hoảng sợ khi bước lên sân khấu.
Những thứ gì là không cần thiết (có cũng được, không có cũng chẳng sao) trong vòng tròn bạn bè và cuộc sống của bạn? Hãy cố gắng bỏ đi những phần thừa, câu trả lời sau khi trải qua “suy sâu tính kỹ” sẽ khiến bạn có thêm động lực để thực hành “cuộc sống tối giản.”
Bí quyết để ngôi nhà không còn bừa bộn
Bỏ đi những thứ bừa bộn trong nhà và chỉ để lại những đồ vật thực sự cần thiết, đây là bước đầu tiên để hướng tới cuộc sống tối giản. Tuy nhiên, “dọn dẹp xong lại bừa bộn,” “các thành viên trong gia đình không sẵn sàng hợp tác,” đây là lý do khiến rất nhiều người vừa bắt đầu đã nhanh chóng từ bỏ.
Cô Marie Kondo, nhà tư vấn sắp xếp nội thất nổi tiếng Nhật Bản đã xuất bản cuốn sách “Phép thuật Thay đổi Cuộc sống Của việc Dọn dẹp: Nghệ thuật Sắp xếp Đồ của Người Nhật Bản” (The Life-Changing Magic of Tidying Up: The Japanese Art of Decluttering and Organizing). Hơn hai triệu bản cuốn sách này đã được bán. Kinh nghiệm của cô là: “Xác nhận suy nghĩ của nội tâm” chính là chìa khóa để duy trì lâu dài sự gọn gàng đơn giản của ngôi nhà; nếu bỏ qua điều này thì dù có tạm thời dọn dẹp sạch rồi, ngôi nhà cũng sẽ sớm trở lại như cũ.
- Bí quyết 1: Thay vì lựa chọn bỏ đi thứ gì, tốt hơn bạn nên quyết định giữ lại những thứ khiến bạn rung động, như vậy sẽ dễ dàng buông bỏ những thứ không dùng đến hơn; một cuộc sống chỉ bao quanh bởi những thứ bạn yêu thích, sẽ nhân đôi hạnh phúc của bạn.
- Bí quyết 2: Tập trung vào việc “bỏ đi” trước, sau đó mới nghĩ đến việc “sắp xếp.” Bạn cần quyết định vị trí cho những thứ lưu lại. Chỉ khi làm đúng trình tự này, bạn mới có thể sắp xếp chúng một cách hiệu quả.
- Bí quyết 3: Cố gắng hoàn thành “đoạn – xả – ly” trong thời gian ngắn, thời gian không nên quá nửa năm, như thế mới có thể để lại ấn tượng sâu sắc về những thay đổi lớn của hoàn cảnh. Cảm xúc sâu sắc này sẽ là động lực để bạn tiếp tục “cuộc sống tối giản.”
Nếu mỗi ngày chỉ thu dọn một chút, hoàn cảnh không có thay đổi lớn, trong lòng không có quá nhiều cảm giác, thời gian lâu sẽ rất dễ cảm thấy mệt mỏi đối với việc “dọn dẹp.” Sau khi dọn dẹp kỹ lưỡng, bạn chỉ cần đặt các vật dụng trở lại đúng vị trí của nó.
- Bí quyết 4: Khi bước vào nhà, thứ bạn nhìn thấy, nào là ảnh, DVD, sách, báo, mỹ phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm hàng ngày, đồ dùng nhà bếp, vật dụng có giá trị, v.v. Bạn nên bắt đầu từ đâu? Nếu muốn việc dọn dẹp hiệu quả hơn, bạn nên chia chúng thành các mục nhỏ.
Ví dụ, quần áo có thể được phân thành: y phục trên (áo sơ mi, trang phục thường ngày), y phục dưới (quần, váy), quần áo theo mùa (đồ tắm, áo choàng len), phụ kiện (khăn quàng cổ, thắt lưng, mũ), v.v.
Mỗi món đồ, dù nhỏ như chiếc bút bi, bạn cũng nên cầm trên tay một lúc, cảm thấy tâm mình rung động thì mới giữ lại. Nếu không, khi mở tủ ra, bạn có thể sẽ cảm thấy: “Tôi cần rất nhiều thứ.” Trên thực tế, rất nhiều người sau khi vứt bỏ đi mới phát hiện ra rằng mình chỉ cần một chút là đủ rồi.
- Bí quyết 5: Thứ mà chúng ta không muốn bỏ đi nhất và khó xử nhất thường là những món quà lưu niệm và những bức ảnh, chúng chứa đầy những kỷ niệm khó quên… Chúng ta có thể để lại một vài bức ảnh mang tính tượng trưng, điều quan trọng là giữ những quá khứ tươi đẹp trong tim mình.
Nếu vứt bỏ một món đồ khiến bạn cảm thấy không thoải mái, bạn có thể nói lời “cảm ơn” với nó, “nhiệm vụ của bạn đã hoàn thành rồi, cảm ơn bạn đã mang lại cho tôi những kỷ niệm đẹp và cảm động.”
- Bí quyết 6: Người nhà chưa nghĩ đến “cuộc sống tối giản,” cũng không muốn dọn dẹp thì phải làm sao? Chúng ta không thể ép buộc hay kiểm soát suy nghĩ của người khác, cách tốt nhất là tiếp tục chú tâm xem phần của mình đã được sắp xếp gọn gàng chưa. Khi nhìn thấy đồ của người khác chưa được thu dọn, hãy nhắc nhở bản thân: “Phải chăng phòng của mình vẫn chưa được gọn gàng.”
Khi bạn không còn cảm thấy mất kiên nhẫn với các thành viên trong gia đình, lúc nhìn thấy phòng khách có chút bừa bộn thì bạn cũng tự nhiên không còn khó chịu nữa. Tập trung vào việc sắp xếp đồ đạc của riêng bạn, dần dần, những thành viên trong gia đình vốn không thích việc dọn dẹp cũng sẽ bắt đầu mong muốn một hoàn cảnh sống lý tưởng hơn.
6 kiểu sở thích “tối giản”
Sở thích “tối giản” của bạn là gì? Thiết kế ngôi nhà của mình theo phong cách Bắc Âu, hay yêu thích bày xếp hoa cỏ? Một số người hướng tới không gian rộng rãi thoải mái sẽ xem việc “dọn dẹp” là một sở thích; một số người theo đuổi lối sống đơn giản thì yêu thích những công việc có thể thực hiện dễ dàng với rất ít công cụ.