Bạn là người cầu toàn hay là người xuất sắc?

Trong xã hội hướng tới thành tích, những người cầu toàn tự hào đeo những thành tích của bản thân – chức danh, giải thưởng và tiền thưởng dựa trên hiệu suất – như một loại huy hiệu danh dự.

Nếu có ai hỏi, họ sẽ dễ dàng liệt kê ra thời gian làm thêm, khối lượng công việc lớn hơn, ít ngày nghỉ hơn và mức độ bận rộn, để chứng minh tại sao họ xứng đáng đạt được thành công.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thành tích để lại cho bạn nỗi sợ hãi, hối tiếc và trống rỗng trong lòng? Rõ ràng có tồn tại một nhược điểm đối với loại thành công này, nhưng tại sao lại như vậy?

Người xuất sắc cũng làm được rất nhiều việc. Đối với những người xuất sắc, thành công được đo bằng số lượng vấn đề được giải quyết, các quy trình được thực hiện hiệu quả hơn, xây dựng được các mối quan hệ chuyên nghiệp và học thêm kỹ năng mới.

Khi hỏi người xuất sắc về cuộc sống của họ thì họ sẽ nói về một sở thích mới mà họ đang thử hoặc một (hay hai) khóa học mà họ đang hào hứng tham gia.

Người xuất sắc có thể gác lại công việc để đi chơi với đồng nghiệp hoặc đi nghỉ, trong khi người cầu toàn lại không muốn làm vậy.

Cả hai kiểu người này đều có lý lịch ấn tượng và đều được tin là sẽ hoàn thành công việc.

Cả hai đều đang đạt được thành tựu, tuy nhiên con đường để đạt được thành công của họ rất khác nhau.

Trong trường hợp bạn đang phân vân xem điều gì sẽ thích hợp hơn trong kinh doanh – nơi mà thành công là điều quan trọng nhất – các công ty sẽ muốn thuê những người xuất sắc hơn là những người cầu toàn.

Lý do rất thú vị. Hy vọng bạn có thể xác định được bạn thuộc loại tính cách nào.

Tại sao các công ty thích những người xuất sắc

Những chuyên gia về lãnh đạo doanh nghiệp khuyên các công ty nên thuê những người xuất sắc hơn là những người cầu toàn. Tại sao?

Ông Les McKeown, một chuyên gia về phát triển kinh doanh với 30 năm kinh nghiệm cho biết, đó là do “ham muốn đạt thành tích của những người cầu toàn khiến họ không thấy được yêu cầu quan trọng cần thực hiện.”

Ông McKeown đã giải thích về sự khác biệt cơ bản giữa hành vi của người cầu toàn so với người xuất sắc trong một bài đăng trên blog có sức ảnh hưởng lớn:

“Người cầu toàn có thể thực hiện tốt một chiến lược tiếp thị mới, có thể thuyết phục được cả những thành viên ngoan cố trong nhóm. Họ có thể vượt qua được cuộc suy thoái, vượt qua được sự cạnh tranh, khắc phục được những hạn chế về mặt kỹ thuật. Tất cả những điều này nhìn từ xa thì có vẻ ổn, nhưng khi lại gần, nhìn vào trong, thì lại là róc thịt khỏi xương, làm suy yếu hoạt động kinh doanh.”

Mặt khác, trong quá trình xây dựng doanh nghiệp, người xuất sắc sẽ mang lại kết quả tốt. Họ sẽ thực hiện tốt mọi việc nhưng với sự kiên nhẫn hơn, đồng thời làm cho tổ chức trở nên mạnh hơn.

Xu hướng phá hoại

Theo ông McKeown, người cầu toàn tiềm ẩn nguy cơ phá hoại tổ chức ngoài ý muốn (cũng như tự phá hoại). Có hai lý do cho việc này.

Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ việc họ không thể chấp nhận thất bại. Người cầu toàn thường sẽ chọn giải pháp thắng lợi thay vì giải pháp tối ưu (có thể kèm theo nguy cơ) và đây không phải là chuyện nhỏ.

Giải pháp chiến thắng có thể sẽ làm tổn thương, hạ thấp, chà đạp lên người khác – bất cứ điều gì cần thiết để đạt được chiến thắng trong công việc.

Và hành vi này góp phần tạo ra nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự phá hoại, đó là sự nghi ngờ bản thân.

Đó có thể là kết quả của việc bản thân người cầu toàn biết rõ rằng, thành công của họ là do người khác phải trả giá, ông McKeown đưa ra giả định.

Điều này khiến người cầu toàn thường nghi ngờ bản thân, bị mất tự tin và trong quá trình thực hiện sẽ liên tục thay đổi chiến lược.

Hơn nữa, khi phân tích tính cách của những người cầu toàn, các nhà tâm lý học đã xác định rằng, những người cầu toàn rất sợ bị chỉ trích.

Vậy, việc quản lý người cầu toàn – một người không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ lời khiển trách nào chẳng phải là rất khó khăn?

Bạn là người cầu toàn hay là người xuất sắc?

Những tính cách nào bạn giống nhất?

BẠN LÀ NGƯỜI CẦU TOÀN NẾU: BẠN LÀ NGƯỜI XUẤT SẮC NẾU:
Tránh thất bại bằng mọi giá Coi thất bại là cơ hội để học hỏi
Phấn đấu cho sự hoàn hảo Phấn đấu để đạt được năng suất
Không bao giờ cảm thấy mình đủ tốt Thích học những điều mới và phát triển kỹ năng của bản thân
Có rất nhiều điều hối tiếc và thất vọng Là người năng động và không sợ hãi khi đưa ra quyết định
Không bao giờ cảm thấy hài lòng Chủ động học hỏi ngoài công việc và không ngại tham gia các dự án mới
Trong lòng luôn cảm thấy trống rỗng Bình tĩnh trước áp lực
Là người nghiện công việc, có xu hướng đặt bạn bè và gia đình lên hàng thứ hai sau công việc Có kỹ năng giao tiếp tốt, có bạn bè, đồng nghiệp rộng khắp
Tập trung cao độ vào kết quả trong tương lai
  • Tập trung cao độ vào quá trình (cũng như kết quả)
  • Luôn ưu tiên chất lượng hơn là “hoàn thành công việc”
Không khoan nhượng với những lời chỉ trích Thích nhận phản hồi và tích cực tìm kiếm phản hồi
Thà ở trong một mối quan hệ xấu còn hơn thừa nhận thất bại Tự nhận thức và hướng nội khi có vấn đề phát sinh

Người cầu toàn dễ bị lo lắng và trầm cảm

(Ảnh: Estrada Anton/Shutterstock)
(Ảnh: Estrada Anton/Shutterstock)

Người cầu toàn có xu thế hướng tới các công việc chuyên môn, chẳng hạn như bác sĩ, luật sư, nha sĩ và lính cứu hỏa, nơi mà độ chính xác, sự tỉ mỉ và hiệu suất được đánh giá cao.

Các công việc được nhận hoa hồng, như đại lý bất động sản, giao dịch viên chứng khoán và nhân viên bán hàng, cũng hấp dẫn người cầu toàn vì đây là những vị trí mà người cầu toàn có thể làm việc chăm chỉ và giúp chứng minh được thành công của bản thân.

Thật không may, đây chính xác lại là những công việc mà nỗi sợ thất bại luôn hiện diện.

Hậu quả của việc bác sĩ mắc sai lầm là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không bán được hàng và không được trả tiền?

Người cầu toàn có xu hướng tập trung cao độ vào kết quả trong tương lai và đây cũng là một nhân tố gây ra sự lo lắng cho người cầu toàn.

Đây là công thức gây căng thẳng và thậm chí trầm cảm cho người cầu toàn. Trong những trường hợp cực đoan, người cầu toàn có thể nảy ra ý định tự tử – và không ai xung quanh biết được về chứng trầm cảm này.

Đối với người cầu toàn, việc thừa nhận rằng bản thân đang phải đối mặt với chứng trầm cảm được coi là một thất bại, do vậy, người cầu toàn thà làm việc chăm chỉ hơn với hy vọng đạt được điều gì đó lớn lao hơn để xoa dịu nỗi đau.

Thật không may, tâm lý này đã làm mất đi niềm vui trong cuộc sống, bởi vì bất kỳ thành công nào mà người cầu toàn đạt được cũng đều bị lu mờ bởi ý nghĩ “điều gì sẽ xảy ra tiếp theo” thay vì giúp khắc phục những suy nghĩ tiêu cực của họ.

Làm thế nào để trở thành người xuất sắc?

Hầu hết mọi người đều thích trở thành người xuất sắc hơn là người cầu toàn, tuy nhiên, để thay đổi suy nghĩ và hành vi của một người cần phải có sự kết hợp giữa nhận thức, nỗ lực và sự trợ giúp.

Đặc biệt, nếu đang bị trầm cảm hoặc có ý định tự tử, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ.

Tại phòng khám, chúng tôi sẽ trợ giúp khách hàng tìm hiểu về nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật ở các khía cạnh về thể chất, sinh hóa, năng lượng và tinh thần của cơ thể con người.

Chúng tôi chuyên điều trị tích hợp cho bệnh trầm cảm. Đặc biệt, chúng tôi đã phát hiện ra tình trạng mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể của nhiều người cầu toàn. Ví dụ: Nếu cơ thể bị thiếu methyl, đó có thể là một yếu tố dẫn đến chứng trầm cảm cũng như tính cầu toàn.

Chúng tôi đã thành công trong việc điều trị những bệnh nhân trầm cảm bằng liệu pháp dinh dưỡng hoàn toàn không dùng thuốc, cùng với kế hoạch điều trị chuyên biệt, thường bao gồm châm cứu, phản hồi thần kinh, liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) và thay đổi lối sống.

Phương pháp điều trị truyền thống, bao gồm cả thuốc chống trầm cảm, cũng có thể giúp ích cho những người cầu toàn bị trầm cảm, tuy nhiên, các phương pháp điều trị thông thường khó có thể giải quyết được sự mất cân bằng sinh hóa căn bản.

Phương Vy biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn