Làm thế nào để hoàn thành mọi việc

Nếu bạn thấy khó khăn khi hoàn thành những việc trong danh sách cần làm, hãy thử rèn luyện sự quyết tâm.

Gần đây, một bạn đọc đã viết thư cho tôi và nói rằng mình không giỏi hoàn thành mọi việc.

Sau đây là một số ví dụ về những việc mà mọi người thường dang dở:

  • Một khóa học đã mua
  • Thực hiện việc ăn kiêng
  • Đi bộ đường dài đến tất cả mọi nơi trong khu vực của mình.

Tôi hiểu cảm giác này! Thật khó có thể hoàn thành mọi việc – chúng ta thấy phấn khích với công việc vào lúc đầu, nhưng lại dao động khi quá bận rộn hoặc gặp khó khăn hay chán nản.

Vậy làm sao để hoàn thành mọi việc tốt hơn? Điều chúng ta cần là sự quyết tâm cũng như sự trợ giúp từ người khác.

Rèn luyện lòng quyết tâm

Trước khi đi vào chi tiết, bạn nên lưu ý rằng quyết tâm là đức tính cần được rèn luyện. Đó không phải là đặc tính sẵn có hoặc không thể cải thiện. Bạn cần rèn luyện, phát triển niềm tin vào bản thân, tìm ra phương pháp hiệu quả cũng như những yêu cầu mà bạn phải đối mặt để rèn luyện thử thách. Bạn sẽ quyết tâm hơn qua việc rèn luyện thường xuyên.

Nếu bạn muốn rèn luyện sự quyết tâm, thì sau đây là những gì tôi gợi ý:

1. Tăng thêm quyết tâm

Nếu bạn chỉ có một nửa quyết tâm, thì e rằng khi cuộc sống trở nên bận rộn, bạn sẽ bỏ cuộc. Do vậy, hãy tăng thêm quyết tâm bằng cách tìm ra lý do thực sự khiến bạn quan tâm, nói với người khác về ý định của bạn, và kiên trì thực hiện bằng bất cứ giá nào. Giống như cha mẹ có trách nhiệm phải cho con ăn vậy, việc đó phải thực hiện không thể nghi ngờ.

2. Hãy nghĩ về trách nhiệm và hậu quả

Hầu hết mọi người không muốn tự mình gánh chịu hậu quả, nhưng khi chúng ta không thực sự quyết tâm, chúng ta có thể sử dụng trách nhiệm để gia tăng quyết tâm của mình. Khi bạn hứa sẽ tự ném chiếc bánh vào mặt mình nếu không hoàn thành khóa học vào cuối tháng, có lẽ bạn sẽ hoàn thành khóa học đó. Khi bạn hứa sẽ ủng hộ 100 USD cho ứng cử viên chính trị mà bạn không thích nếu không ăn kiêng hai ngày liên tiếp, có lẽ bạn sẽ nghiêm túc hơn với việc ăn kiêng.

3. Nhờ sự giúp đỡ

Hãy tìm một người hướng dẫn và một cộng đồng gồm những người có cùng quyết tâm. Sẽ rất khó để kiên trì với một điều gì đó khi chỉ có một mình. Bạn cũng dễ buông bỏ nếu trở nên bận rộn, bạn sẽ tự trách mình và từ đó bị mắc kẹt trong những vòng luẩn quẩn. Một người hướng dẫn sẽ giúp chúng ta nhận biết những vòng luẩn quẩn này và lựa chọn điều khác biệt. Một cộng đồng sẽ giúp chúng ta cảm thấy kiên định và không quá cô đơn khi sự việc trở nên khó khăn.

Khi bạn cố gắng rèn luyện sự quyết tâm, sẽ có những lúc bạn chùn bước. Bạn sẽ muốn bỏ cuộc, bị phân tâm hoặc viện cớ cho những lúc trì hoãn. Điều đó hoàn toàn bình thường, bởi vì chúng ta không cần mọi việc phải hoàn hảo, điều chúng ta cần là thoát ra khỏi những vòng luẩn quẩn đó.

Vì vậy, khi bạn chùn bước – đừng bỏ cuộc. Hãy nghĩ rằng đó là một phần của quá trình phát triển. Bạn sẽ bắt đầu, thất bại, học hỏi và thử lại hết lần này đến lần khác. Khi làm như vậy, có thể bạn sẽ nản lòng, vì vậy điều quan trọng là tìm kiếm sự trợ giúp để tiếp tục đứng lên – hãy cố gắng nhé!

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Leo Babauta
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Leo Babauta là tác giả của 6 cuốn sách; là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn