Ngày càng nhiều người biểu tình đòi quyền lợi ở Trung Quốc biến mất khi các cuộc họp cấp nhà nước bắt đầu
Người biểu tình cho biết, chính quyền cộng sản Trung Quốc ‘dùng tiền thuế để đàn áp người nộp thuế’
Với hy vọng những bức xúc của mình được giải quyết, những người khiếu nại đến từ mọi miền đất nước của Trung Quốc đã đến văn phòng thỉnh nguyện nhà nước ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, tuần này (06-12/03), kỳ họp “lưỡng hội” thường niên đã chứng kiến ngày càng nhiều người khiếu nại hơn bị giam giữ ở Bắc Kinh và trên toàn quốc do an ninh được tăng cường xung quanh các cuộc họp cấp nhà nước này.
“Lưỡng hội” là kỳ họp toàn thể thường niên của chế độ cộng sản Trung Quốc, nơi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đồng thời nhóm họp tại Bắc Kinh. Được tổ chức riêng biệt, hai cuộc họp này được đánh dấu mỗi năm bằng sự gia tăng lớn về an ninh và giám sát.
Một số người thỉnh nguyện Trung Quốc đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times về sự gia tăng đàn áp mạnh mẽ mà họ đã trải qua trong những ngày gần đây.
‘Tiêu diệt từ trong trứng nước’ những tiếng nói bất đồng
Các công dân Trung Quốc đều hiểu rằng những người khiếu nại thường sẽ bị chính quyền giam giữ vào những thời gian và địa điểm diễn ra “các sự kiện nhạy cảm” — chẳng hạn như các cuộc họp Đại hội Đại biểu Toàn quốc, hoặc ngày đánh dấu các sự kiện như Vụ thảm sát Thiên An Môn hôm 04/06. Điều này được xem là thông lệ tiêu chuẩn đối với nhà cầm quyền này, vì họ xem những người thỉnh nguyện và những người biểu tình như “các yếu tố bất ổn” cho một xã hội “hài hòa” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm cách áp đặt.
Ngoài các cán bộ và quan chức nòng cốt của Đảng, các đại biểu thường trực và các đại diện khác của xã hội Trung Quốc đã đến dự “Lưỡng hội” ở Bắc Kinh — và nhà cầm quyền này cho rằng điều quan trọng là những người như vậy không được phép chứng kiến bất kỳ “yếu tố bất ổn” nào trong số này, hoặc nghe thấy những gì những người khiếu nại này muốn nói.
Nhà cầm quyền này cũng tuần tra các trạm xe lửa và các bến xe buýt ở các thành phố khác để ngăn chặn những người biểu tình đến Bắc Kinh ngay từ đầu, và thậm chí là ngăn chặn các cuộc biểu tình ở các thành phố khác.
Theo anh Tống Gia Hồng (Song Jiahong), một người thỉnh nguyện nhân quyền ở Thượng Hải, tính đến hôm 02/03, ít nhất 31 người thỉnh nguyện từ Thượng Hải đã bị giám sát bất hợp pháp tại khu dân cư hoặc bị giam giữ bất hợp pháp trong các hắc lao, trong khi đó, một số người trong số họ đã mất tích hoàn toàn. Các hắc lao là những trung tâm giam giữ không chính thức mà Bắc Kinh sử dụng để nhốt những người biểu tình — thường là vô thời hạn.
Anh Tống nói, “Chính quyền Thượng Hải đã thực sự hoàn thành việc ‘Tiêu diệt mọi yếu tố bất ổn từ trong trứng nước.’”
“Tiêu diệt mọi yếu tố bất ổn từ trong trứng nước” đã trở thành cơ sở lý luận để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp chính người dân của mình. Đó là một khẩu hiệu tuyên truyền được cho là đã trở nên phổ biến sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Anh Tống cho biết anh đã cố gắng chuyển thông tin mới nhất về những người thỉnh nguyện ở Thượng Hải lên mạng, nhưng anh không có phương pháp nào hiệu quả — cho dù đó là tin nhắn văn bản, hình ảnh, hay ghi chú.
“Rốt cuộc tôi đã gửi thông tin đó lên dưới dạng một ‘tài liệu’, thứ chỉ có thể được xem chứ không thể chuyển được,” anh nói, đồng thời cho biết rằng các hệ thống giám sát công nghệ cao của Trung Quốc đã khiến anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc truyền bất kỳ thông tin nào đến những người mà anh liên lạc.
Anh Tống muốn cho những người đồng bào Trung Quốc của mình biết rằng những hắc lao đã được thiết lập trong các nhà nghỉ và thậm chí cả các khu nghỉ dưỡng nông trại, và đang được những nhân viên không rõ danh tính canh giữ. Anh nói, “Chính quyền đã trả tiền cho mọi thứ. Đó chính là dùng tiền thuế để đàn áp người nộp thuế.”
Ngay cả tài xế taxi cũng có thể bị liên lụy
Đến từ tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc, người khiếu nại tên Mã Ba tiết lộ rằng một người khiếu nại khác, cô Cảnh Thủ Hà (Geng Shouxia), đã bị công an bắt gặp tại nhà ga xe lửa địa phương khi cô đang trên đường đến Tòa án Lưu động thứ Hai Thẩm Dương để nộp một đơn kiến nghị hôm 01/03.
Công an đã muốn biết làm thế nào mà cô đến được ga xe lửa đó và nhất quyết yêu cầu cô tiết lộ biển số xe taxi.
Cô Cảnh nói với công an, “Tôi không ghi lại biển số xe đó.”
Anh Mã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, “Tối hôm 02/03, cô Cảnh đã nhắn tin cho tôi qua WeChat. Kiểm tra sức khỏe trước khi tạm giam cho thấy cô ấy có một khối u trong phổi — nhưng họ vẫn đưa cô ấy đến trại tạm giam ở thành phố Cáp Nhĩ Tân trong 15 ngày.”
Cứ một người khiếu nại thì có tám nhân viên an ninh
Hôm 02/03, bà Phạm Yến Quỳnh (Fan Yanqiong), một người khiếu nại đồng thời cũng là một nhà văn, một người đạt giải Hellman/Hammett Award năm 2011 đến từ tỉnh Phúc Kiến ở vùng đông nam Trung Quốc, đã muốn kiến nghị lên chính quyền ở Hàng Châu, cách Phúc Kiến khoảng 290 dặm (467 km) về phía bắc.
Tuy nhiên, từ sáng sớm, năm người đàn ông và ba viên công an đã đợi sẵn bên ngoài nhà của bà Phạm. Họ theo dõi bà suốt quãng đường đến tàu điện ngầm, sau đó họ bao vây bà và ngăn bà tiếp tục tiến lên.
Theo bà Phạm, bà muốn tìm cách nhận được bồi thường sau khi bị thương tật vĩnh viễn do cái mà bà gọi là hệ thống y tế “công nghiệp hóa” của Trung Quốc. Bà Phạm cho biết bà đã mất một quả thận vì sơ suất của bác sĩ vào năm 2015, khi một ống đỡ động mạch bất hợp pháp được cấy vào thận của bà. Kể từ đó, bà đã đấu tranh cho quyền của mình với tư cách là nạn nhân của vụ sơ suất đó. Bà nói: “Đã tám năm rồi mà tòa án vẫn chưa cho tôi câu trả lời.”
Sau trải nghiệm của mình, bà Phạm đã tiết lộ cách một số bác sĩ ở Trung Quốc tiến hành các ca phẫu thuật không cần thiết bằng các thiết bị y tế bất hợp pháp và kém chất lượng. Các hoạt động như vậy được thực hiện với mục tiêu kiếm tiền hoa hồng có thể lên tới 40%, nhưng điều đó thường dẫn đến thương tật và thậm chí tử vong cho bệnh nhân.
Bà Phạm cho biết, hồi năm 2019, chồng bà cũng qua đời vì sơ suất y tế.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Hy
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times