ĐCSTQ khai mạc kỳ họp ‘lưỡng hội’: Hạ thấp mục tiêu GDP, tăng chi tiêu quân sự
Kỳ họp Lưỡng hội là kỳ họp chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Kỳ họp lưỡng hội năm 2023 đã chính thức khai mạc hôm thứ Bảy, ngày 04/03, và dự kiến sẽ kéo dài trong hai tuần.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đặt mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Họ cũng tuyên bố tăng 7% chi tiêu quân sự, mức cao thứ hai của chính quyền này trong 5 năm.
Hôm 05/03, thủ tướng sắp mãn nhiệm của nhà cầm quyền này, ông Lý Khắc Cường, đã công bố “Báo cáo Công tác Chính phủ” cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình, trong đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm nay của Trung Quốc được đặt ra ở mức khoảng 5%, thấp hơn mức mà ngoại giới dự đoán.
Năm 2022 là năm tồi tệ thứ hai đối với nền kinh tế Trung Quốc, ít nhất là kể từ những năm 1970 — chỉ xếp sau năm 2020 trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 — do các biện pháp kiểm soát và chính sách “zero COVID” hà khắc của ĐCSTQ.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn không ngừng giảm qua từng quý kể từ năm 2010, từ 12.2% trong quý 1 năm 2010 xuống còn 6% trong quý 4 năm 2019. Từ năm 2021 đến năm 2023, “Báo cáo Công tác Chính phủ” do Đảng Cộng sản cầm quyền ban hành đã giảm dần các mục tiêu tăng trưởng kinh tế lần lượt là 6%, 5.5%, rồi đến 5%.
Ngay cả với tỷ lệ mục tiêu đã được hạ thấp này, vào năm 2022, do các yếu tố như đại dịch, tác động của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đối với các ngành công nghiệp và hoạt động tiêu dùng, cũng như tình hình chính trị quốc tế, mức tăng trưởng GDP cuối cùng được báo cáo chỉ là 3%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải các vấn đề to lớn và có triển vọng không lạc quan, với vấn đề nghiêm trọng nhất là hệ thống của Trung Quốc.
Hôm 03/03, một người quản lý của một công ty địa ốc ở Thượng Hải nói với The Epoch Times rằng mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế về COVID, nhưng ngành địa ốc, vốn là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, không có dấu hiệu cải thiện.
“Có sáu hoặc bảy công ty môi giới địa ốc giống như chúng tôi, và hiện một nửa trong số họ đã phá sản,” người quản lý chỉ xưng mình họ Lý này cho biết. “Những công ty như công ty của chúng tôi vẫn đang sa thải nhân viên để duy trì hoạt động kinh doanh. Bởi vì trụ cột kinh tế của Trung Quốc xét cho cùng vẫn là các công ty địa ốc. Nếu ngành địa ốc không hoạt động tốt, thì tỷ lệ việc làm không được khả quan. Đó là một phản ứng dây chuyền.”
Vị quản lý này cho biết, hiện nay về mảng địa ốc thương mại người Trung Quốc đang ngại chi tiền, đồng thời hoạt động tiêu dùng đang chậm lại, nên hoạt động kinh doanh của các trung tâm mua sắm không tốt.
“Không đủ lượng tiêu thụ, mảng thương mại của ngành địa ốc sẽ sụp đổ. Hiện giờ các trung tâm mua sắm đang vắng bóng người.”
“Trong khi mảng địa ốc thương mại đang dần lụi tàn, thì mảng địa ốc nhà ở lại phát triển đến mức chẳng ai muốn mua nhà. Thị trường địa ốc ở các thành phố hạng ba và hạng tư là một thảm họa. Liệu còn có thể nghĩ rằng nền kinh tế này vẫn thịnh vượng hay không?”
Các ngành sản xuất và xuất cảng dọc theo các khu vực duyên hải phồn thịnh hơn của Trung Quốc cũng đang đối mặt với khó khăn.
Phúc Kiến là một tỉnh sản xuất và ngoại thương lớn của Trung Quốc, bán các sản phẩm công nghiệp nhẹ như giày dép, quần áo, dệt may, và thực phẩm cho thị trường nội địa và hải ngoại. Nhiều chủ sở hữu công ty sản xuất tư nhân địa phương đã bày tỏ với giới truyền thông rằng họ đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh về số đơn đặt hàng sản phẩm.
Hôm 02/03, hãng thông tấn Trung Quốc Economic Observer.com đưa tin rằng theo một cơ quan tuyển dụng, nhiều nhà máy ở các thành phố ven biển phía đông Tô Châu và Côn Sơn đã giảm tuyển dụng công nhân mới. Một số nhà máy từng tuyển 200–300 công nhân/ngày trong hai năm trước thì nay chỉ tuyển 20–50 người/ngày.
Ông Tôn Lập Kiên (Sun Lijian), một giáo sư tại Khoa Kinh tế của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói với tờ Minh Báo rằng với sự gia tăng chi phí lao động nội địa cũng như ảnh hưởng của những bất ổn chính trị và kinh tế trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc cũng đã quyết định chuyển đến Đông Nam Á để thành lập nhà máy và điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ. “Có thể các đơn đặt hàng ngoại thương sẽ không đến thẳng Trung Quốc trong tương lai.”
Ông Tạ Điền (Frank Xie), giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học South Carolina, Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 03/02 rằng ĐCSTQ đã bịa đặt về tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc để lừa dối người dân Trung Quốc và thế giới, họ hoàn toàn không xem trọng kế sinh nhai và phúc lợi của người dân Trung Quốc.
Ông cho rằng tình hình kinh tế của Trung Quốc hiện giờ đang rất nghiêm trọng.
Ông cho hay, “Tôi ước tính rằng năm nay Trung Quốc có thể phải đối mặt với một thảm họa kinh tế rất lớn, do nhiều yếu tố gây ra, từ thất nghiệp đến bong bóng nợ, chuyển giao chuỗi công nghiệp, và suy thoái kinh tế.”
Các quan chức mới không thể cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình dự kiến sẽ chỉ định một nhóm kinh tế trong Kỳ họp Lưỡng hội, dự kiến sẽ do tân thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) dẫn đầu.
Ông Tạ nói với The Epoch Times rằng ông Lý Cường, người từng là bí thư hàng đầu của ông Tập, “thực ra là một quan chức đảng.”
“Có một số chuyên gia trong Quốc vụ viện của ĐCSTQ, hoặc một số chuyên gia có kinh nghiệm ở hải ngoại và quốc tế. Tất cả bọn họ sẽ bị thay thế bởi những người trung thành với ông Tập.”
“Ông Tập tin tưởng các quan chức đảng này. Đội ngũ được tạo thành từ những người như thế không thể quản lý tốt nền kinh tế,” ông nói. “Ngoài ra, ba động lực kinh tế của Trung Quốc (đầu tư, tiêu dùng, và xuất cảng) đều đã bị đình trệ. Đây là điều không ai có thể phủ nhận, đặc biệt là ngoại thương. Xuất cảng đã giảm trong nhiều quý liên tiếp, điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập niên.”
Ông cho biết thêm, “Tôi nghĩ rằng toàn bộ nền kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là về xuất nhập cảng, có thể sẽ trải qua một bước thụt lùi mạnh mẽ, trở lại tình trạng của 20 năm trước, và trở lại trạng thái trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới” vào năm 2001.
Ông Văn Quán Trung (Wen Guanzhong), nhà kinh tế và giáo sư đã về hưu của Đại học Trinity ở Hoa Kỳ, nói với ấn bản Hoa ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America): “Vấn đề chính ở Trung Quốc hiện nay là một vấn đề mang tính hệ thống, bởi vì ông Tập Cận Bình muốn đi theo hệ thống đảng-nhà nước và sử dụng đảng thay vì thị trường để phân bổ nguồn lực một cách dứt khoát.”
Tăng chi tiêu quân sự
Hôm 05/03, chính quyền Trung Quốc cũng đã công bố rằng ngân sách quân sự năm nay là 1,553.7 tỷ nhân dân tệ (224 tỷ USD), mức tăng hàng năm là 7.2%, mức cao thứ hai trong năm năm qua. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang về vấn đề Đài Loan, xung đột khu vực gia tăng, và bất ổn quốc tế, ngân sách quân sự của ĐCSTQ liên tục tăng trong những năm gần đây bất chấp một nền kinh tế trì trệ, đã làm dấy lên những mối lo ngại trong cộng đồng quốc tế.
Từ năm 2019 đến năm 2022, mức tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm của Trung Quốc do ĐCSTQ công bố lần lượt là 7.5%, 6.6%, 6.8%, và 7.1%.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 05/03 rằng do tác động của các biện pháp kiểm soát COVID trong ba năm qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm mạnh. “Vấn đề lớn nhất mà Kỳ họp Lưỡng hội năm nay cần giải quyết là những thách thức kinh tế, bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của chế độ cai trị của ĐCSTQ. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng tiếp tục tăng với tốc độ hàng năm là 7.2%, điều này cho thấy ĐCSTQ đã duy trì mức tăng trưởng chi tiêu quân sự cao bất kể suy thoái kinh tế.”
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm ngoái chiếm 1.7% GDP, trong khi ngân sách quân sự của Hoa Kỳ, vốn thực hiện các nghĩa vụ an ninh khác nhau trên khắp thế giới, chiếm 3.5% GDP.
Hôm 05/02, Cựu Trung tá Hải quân Trung Quốc Diêu Thành (Yao Cheng) nói với The Epoch Times rằng khi nhìn vào chi tiêu quân sự của ĐCSTQ, người ta không thể chỉ nhìn vào các số liệu chính thức về việc tăng ngân sách quốc phòng.
“Chi tiêu quân sự của Trung Quốc được chia thành hai phần. Một là chi tiêu quốc phòng thông thường, và một phần là khoản ngân sách chủ yếu được sử dụng để phát triển vũ khí và thiết bị, vốn không được tính vào chi tiêu quốc phòng và sẽ không được đưa ra để Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua,” ông Diêu cho biết. “ĐCSTQ có một khoản ngân sách ngầm dành cho việc phát triển khí tài quân sự, tách biệt với chi tiêu quốc phòng, và phần này thực sự lớn hơn so với chi tiêu quốc phòng đã công bố. Vì vậy, khi nói đến chi tiêu quốc phòng và quân sự, quý vị không thể tin vào số liệu của ĐCSTQ, vốn [được tính toán] khác với các quốc gia phương Tây.”
Hôm 04/03, ông Vương Siêu (Wang Chao), phát ngôn viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ, đã tuyên bố rằng việc tăng ngân sách quốc phòng của chính quyền này là “tương đối vừa phải và hợp lý” và “không chỉ là dùng cho nhu cầu ứng phó với các thách thức an ninh phức tạp, mà còn cho nhu cầu làm tròn trách nhiệm của một nước lớn.”
Ông Vương, một nhà quan sát Trung Quốc đại lục không cung cấp đầy đủ danh tính vì lo ngại về vấn đề an toàn, cho biết thứ gọi là mục tiêu của ĐCSTQ chính là xuất cảng thảm họa sang phần còn lại của thế giới.
“Họ không phân biệt được đúng sai và phải trái, đơn cử như việc viện trợ kinh tế cho Nga và trợ giúp Nga xâm lược các nước khác. Tôi ước tính rằng một phần lớn các nguồn tài chính của Trung Quốc đã được dùng để ủng hộ cho cuộc chiến của Nga.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times