Hồng Kông ghi nhận sụt giảm ngoại thương lớn nhất trong 70 năm qua hồi tháng Một
Chuyên gia: ‘Điều đó cho thấy Trung Quốc đại lục đang dần tách rời khỏi thế giới’
Tình trạng sụt giảm so với cùng thời điểm năm ngoái trong ngoại thương của Hồng Kông đã kéo dài sang tháng Một, khi Hương Cảng ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 70 năm qua. Một chuyên gia cho rằng đó là bằng chứng cho thấy “Trung Quốc đại lục đang dần tách rời khỏi thế giới.”
Theo số liệu thống kê thương mại hàng hóa tháng Một do chính quyền Hồng Kông công bố hôm 27/02, xuất cảng giảm 36.7% và nhập cảng giảm 30.2% trong tháng Một so với một năm trước đó. Những mức giảm này đã tăng lần lượt là 7.8% và 6.7% so với tháng Mười Hai.
Theo báo cáo trước đó, vào tháng 12/2022, xuất cảng và nhập cảng của Hồng Kông lần lượt giảm 28.9% và 23.5%.
Mức giảm hàng năm trong xuất cảng và nhập cảng vào năm 2022 lần lượt là 8.6% và 7.2%.
Trong tháng Một, so với cùng thời kỳ, xuất cảng của Hồng Kông sang Nhật Bản giảm một nửa, trong khi xuất cảng sang Đài Loan giảm 45.1%, sang Việt Nam giảm 41.7%, Đức giảm 40%, Hoa Kỳ giảm 28.8%, và Vương quốc Anh giảm 27%.
Sự sụt giảm của Hồng Kông rõ hơn Đài Loan
Xuất cảng Hồng Kông đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu chậm lại từ các nền kinh tế phát triển, nhưng mức giảm hàng năm mạnh hơn nhiều so với nước láng giềng Đài Loan.
Trong tháng Một, so với một năm trước đó, xuất cảng Đài Loan giảm 21.2% (12.8% tính theo đồng Tân Đài tệ), trong khi nhập cảng giảm 16.6% (7.7% tính theo Tân Đài tệ).
Ngoài ra, xuất cảng Đài Loan sang một số nước phát triển của phương Tây tăng trong khi sang các nước khác lại giảm.
Chẳng hạn, xuất cảng sang Nhật Bản tăng 3.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái; xuất cảng sang châu Âu tăng 2.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái; trong khi xuất cảng sang Hoa Kỳ giảm 14.5% tính theo năm. Những mức giảm này là khoảng một nửa so với xuất cảng của Hồng Kông sang Hoa Kỳ vào tháng Một.
Tháng 05/2022, xuất cảng của Hồng Kông đã giảm 1.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái và kể từ đó, con số này đã giảm hàng tháng cho đến tháng Một, giảm chín tháng liên tiếp. Nhập cảng của Hồng Kông đã giảm trong bảy tháng liên tiếp kể từ tháng 07/2022.
Theo thống kê ngày 02/03 về tàu hàng, hàng hóa qua cảng, và container trong quý 4/2022, lưu lượng hàng hóa qua cảng của Hồng Kông trong cả năm 2022 thấp hơn 10.1% so với năm 2021, với nhập cảng giảm 10.3% và xuất cảng giảm 9.9%.
Trong số các dữ liệu, về trọng lượng, các chuyến hàng từ Hồng Kông đến Hoa Kỳ đã giảm 35.5% trong quý 4/2022 so với cùng thời kỳ năm ngoái. Các mức giảm lớn khác ở mức hai con số về trọng tải hàng hóa xuất cảng bao gồm Úc (-37.9%), Đài Loan (-30.4%), Nhật Bản (-24.1%), Việt Nam (-19.9%), và Thái Lan (-13.6%).
‘Tách khỏi thế giới’
Ông Tống Duy Tuấn (Albert Song), một nhà bình luận thời sự và chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 02/03: “Nếu cả xuất cảng và nhập cảng ở Hồng Kông đều giảm, thì điều đó cho thấy Trung Quốc đại lục đang dần tách khỏi thế giới.”
Ông nói, việc loại bỏ các chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp bên ngoài Trung Quốc đại lục được phản ánh trong sự sụt giảm ngoại thương của Hồng Kông.
Ông nói, vì những lý do lịch sử, Hồng Kông có truyền thống nắm giữ lợi thế độc nhất về ngoại hối độc lập, tạo điều kiện cho thương mại bằng cách quản lý được sự phức tạp giữa Trung Quốc đại lục và Hoa Kỳ.
Ông cho biết, trước đây, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc; Trung Quốc đại lục là đối tác thương mại lớn nhất của Hồng Kông và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hồng Kông; Hồng Kông là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông là đối tác thương mại lớn thứ 19 của Hoa Kỳ và là nhà xuất cảng hàng hóa lớn thứ chín.
Nhà nghiên cứu cho biết: “Với tư cách là một cảng tự do và khu thương mại tự do, Hồng Kông có thể dựa vào Trung Quốc đại lục để thực hiện một khối lượng lớn các đơn đặt hàng trung chuyển. Các đơn hàng Entrepot đề cập đến các đơn hàng được nhập và lưu trữ để tái xuất sau này.
Ông cho biết trong năm 2016, khối lượng thương mại trung chuyển của Hồng Kông đạt gần 500 tỷ USD.
Ông Tống cho biết vào năm 1992, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ-Hồng Kông”, cung cấp các ưu đãi thương mại cho Hồng Kông, cho phép thành phố này trở thành một lãnh thổ hải quan độc lập.
‘Dự kiến sẽ suy yếu hơn nữa’
Chính phủ Hồng Kông cho biết trong báo cáo “Tổng quan Kinh tế năm 2022 và Triển vọng 2023” được phát hành hôm 22/02: “Nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ suy yếu hơn nữa vào năm 2023, điều sẽ ảnh hưởng đến xuất cảng hàng hóa của Hồng Kông, nhưng điều này sẽ được bù đắp một phần bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến của Trung Quốc đại lục.”
Tuy nhiên, theo báo cáo dữ liệu thương mại dịch vụ cán cân quốc tế tháng Một do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố hôm 24/02, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tác động của việc nhu cầu bên ngoài giảm và nền kinh tế nước này vẫn còn nhiều bất ổn về trong năm 2023. Cán cân thanh toán thâm hụt thương mại dịch vụ ở mức 15.4 tỷ USD hồi tháng Một, tăng 40% so với 11 tỷ USD vào tháng 12/2022. Kể từ ngày 03/03, SAFE vẫn chưa công bố dữ liệu về thương mại hàng hóa trong cán cân thanh toán.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times