Thượng viện nhắm vào Bắc Kinh vì vi phạm nền dân chủ Hồng Kông và quyền ‘bỏ phiếu kép’ tại các tổ chức quốc tế
Hôm 15/03, bốn mươi thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã ký một bản kiến nghị không ràng buộc yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ sử dụng bất kỳ công cụ khả thi nào để kiên định phản ứng lại sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên các quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông.
Nghị quyết này phơi bày các hành động mà ĐCSTQ đã thực hiện nhằm phá hoại thỏa thuận một quốc gia, hai chế độ năm 1984, Luật Cơ sở có hiệu lực khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Nghị quyết nhấn mạnh các hành động quá khắc nghiệt đối với phong trào Ô dù năm 2014 khi công chúng phản đối những thay đổi được đề xướng đối với hệ thống bầu cử và trong các cuộc biểu tình năm 2019-2020 phản đối luật chống dẫn độ.
Nghị quyết cũng thu hút sự chú ý đến việc Bắc Kinh đưa ra Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông hồi năm 2020 và sử dụng an ninh quốc gia như một cái cớ để ban hành các thay đổi đối với hệ thống bầu cử, và sau đó đã bắt giữ và bỏ tù hơn 200 người vì hành động của họ trong hai sự kiện biểu tình đó cũng như vì các hoạt động chính trị bị chế độ này coi là bất hợp pháp.
Nghị quyết đề cập rằng Hồng Kông có quyền bỏ phiếu trong nhiều tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính Quốc tế, Ủy ban Olympic Quốc tế, và Tổ chức Thương mại Thế giới, điều này mang lại cho ĐCSTQ một phiếu bầu kép trong các cơ quan quan trọng này.
Đề nghị không ràng buộc này khuyến khích mạnh mẽ chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc bãi bỏ tư cách bỏ phiếu độc lập của Hồng Kông trong các cơ quan liên quan nói trên, vì các thủ tục bỏ phiếu ở đây công nhận sự phân biệt không có ý nghĩa giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Ông Jim Risch, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, đã tham gia ký vào tuyên bố chung này.
Ông Risch chỉ ra rằng Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực thi hồi năm 2020, đã khiến Hồng Kông và Trung Quốc đại lục mất đi sự phân biệt có ý nghĩa.
Ông khuyến khích nhà chức trách Hoa Kỳ buộc chính phủ Bắc Kinh và Hồng Kông phải chịu trách nhiệm bằng mọi cách khả thi.
Ông Risch cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kông ngừng các cáo buộc chính trị chống lại các nhà dân chủ như ông Jimmy Lai Chee-ying, người sáng lập Next Media hiện đã bị đóng cửa, và Đức Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun, Giám mục của Giáo hội Công giáo ở Hồng Kông.
Ông Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, mong đợi bản kiến nghị sẽ nhanh chóng được thông qua và cho biết ông sẽ tiếp tục tăng cường chính sách của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.
Tuyên bố cũng lên án Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông và chính quyền Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền và hành động cáo buộc các nhà dân chủ như ông Jimmy Lai và Hồng y Zen về động cơ chính trị của họ, chẳng hạn như lừa gạt, nhằm làm hoen ố danh tiếng của họ trước các phiên tòa xét xử theo luật an ninh quốc gia.
Trong bản kiến nghị không ràng buộc này, các thượng nghị sĩ kêu gọi truy đuổi và quy trách nhiệm cho Trung Quốc vì đã phá hoại quyền tự trị, pháp quyền, và tự do của Hồng Kông. Bản kiến nghị cảnh cáo chính quyền Hồng Kông ngay lập tức rút lại các cáo buộc liên quan đến hành vi kích động và luật an ninh quốc gia và thả tất cả các tù nhân chính trị.
Bốn mươi thượng nghị sĩ Hoa Kỳ này ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông vì các quyền và tự do căn bản của con người.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times