Thanh niên Hồng Kông tham gia Nghị viện Canada để trợ giúp trong các vấn đề về nhân quyền ở Hồng Kông
Ở Canada, một gương mặt mới vừa xuất hiện trong giới Nghị viện của nước này. Anh Donald Cheng là một thanh niên người Hồng Kông đã được chọn làm thực tập sinh cho Hạ viện Canada. Anh Donald trợ giúp một thành viên của Nghị viện, nghị viên Garnett Genuis, trong việc trình bày các vấn đề của Hồng Kông trước Nghị viện liên quan đến tình hình nhân quyền ở Hồng Kông.
Anh Donald Cheng, người có nền tảng chuyên môn tập trung vào công tác xã hội, đã nhận được Giấy phép Làm việc Mở (OWP) ở Canada. Sau khi nhận được chiếu khán, anh tham gia Chương trình Sáng kiến Thanh niên của tổ chức Hong Kong Watch — một tổ chức về Nhân Quyền.
Những gì anh Donald thể hiện trong buổi phỏng vấn với các Thành viên Văn phòng của Nghị viện Canada đã mang lại cho anh ấy một cơ hội hiếm có trong đời: một kỳ thực tập tại Văn phòng Nghị viện. Thời gian thực tập này sau đó đã đóng vai trò như bước đệm để anh trở thành một phụ tá cho ông Garrett Genius, một chính trị gia người Canada thuộc phái bảo tồn truyền thống và là thành viên của Hạ viện.
Vào chiều hôm 25/03, Trung tâm Cộng đồng Người Hồng Kông ở Toronto đã tổ chức một sự kiện quy tụ, với một hội chợ tuyển dụng và các buổi hội thảo tìm kiếm việc làm. Sự kiện này thu hút nhiều người tìm việc tiềm năng.
Anh Donald cũng chia sẻ hành trình chính trị của mình tại một sự kiện bàn tròn đặc biệt về kinh nghiệm thực tập ở Nghị viện. Anh và bà Aileen Calverley, nhà đồng sáng lập và người được ủy thác của tổ chức Hong Kong Watch, đã thu thập các chữ ký cho Nghị viện về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông.
Anh Donald chưa bao giờ là một chính trị gia; quá trình thực tập tại Nghị viện đã giúp anh tỉnh ngộ. Công việc của anh đòi hỏi anh phải theo dõi các vấn đề của Hồng Kông và tìm hiểu về các vấn đề nhân quyền và nhập cư trên toàn thế giới. Chẳng hạn, những nơi như Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, và Trung Quốc là một phần trong những mối quan tâm của Nghị viên Garnett.
Để có thể thành thạo các nhiệm vụ của mình với tư cách là một phụ tá cho một thành viên Nghị viện, anh Donald phải nghiên cứu các vấn đề từ khắp nơi trên thế giới. Anh cũng cần chuẩn bị các đề xướng chi tiết và đưa các chủ đề Hồng Kông ra thảo luận tại Nghị viện, giúp cho Nghị viện nắm bắt vấn đề một cách nhanh chóng.
Anh Donald giải thích: “Không giống như công việc trước đây của tôi là một nhân viên xã hội, công việc này hoàn toàn khác.”
Tuy nhiên, hai công việc này giống nhau hơn anh nghĩ: các chính sách là tối quan trọng đối với nhu cầu của công dân. Các sáng kiến của các thành viên Nghị viện không thể tách rời khỏi cộng đồng.
Từng là một nhân viên xã hội, anh Donald đồng cảm với mọi người trong các cộng đồng, khi anh thường xuyên đặt mình vào vị trí của người dân và đưa ra các khuyến nghị để thay đổi theo hướng tốt hơn.
Một nhân viên xã hội ở Hồng Kông
Việc hình dung một nhân viên xã hội trở thành một phụ tá của một chính trị gia có vẻ phức tạp. Tuy nhiên, quý vị sẽ ngạc nhiên bởi lượng công việc hành chính mà một nhân viên xã hội ở Hồng Kông phải làm, bên cạnh việc giao tiếp với mọi người trong cộng đồng.
Do đó, bản chất của việc phụng sự xã hội có thể bị sai lệch khỏi mục đích của công việc này.
“Tôi từng làm một trợ lý cho một nhân viên xã hội tại một trung tâm thanh thiếu niên khi còn học đại học,” anh Donald nhớ lại. Mối quan tâm của anh đối với công tác xã hội đã trở thành hiện thực nhờ một nhà hoạt động chính trị.
Ông Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), còn được gọi là Tóc dài, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông và là nhà hoạt động dân chủ đang bị tạm giam, đã có một bài diễn văn tại Đại học Cơ Đốc Giáo Gratia khi anh Donald đang học đại học năm thứ ba.
Ông Lương trình bày chi tiết môi trường xã hội và chính trị của Hồng Kông đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của ngành công tác xã hội.
Bài diễn văn của ông Lương đã truyền cảm hứng cho anh Donald, “Từ cách ông Lương phân tích xu hướng của ngành, tôi bắt đầu nghĩ về các vấn đề phát sinh từ hệ thống phúc lợi xã hội: liệu hệ thống này hướng tới người dân hay chính phủ?”
Bài diễn văn của ông Lương đã xác định tương lai của anh Donald sẽ là một nhân viên xã hội.
Trong thời gian học đại học, anh Donald đã gặp gỡ những người bằng hữu trong giới công tác xã hội. Điều này đã khiến anh nhận ra rằng trở thành một nhân viên xã hội cần phải hoàn thành một định mức, giống như một nhân viên bán hàng.
Một định mức thường là một cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả của một người nào đó trong ngành bán hàng. Trước đây, việc đáp ứng định mức này chủ yếu dành cho mục đích thương mại và doanh số bán hàng, nhưng ngày nay, định mức này còn áp dụng cho các nhân viên xã hội.
Tuy nhiên, thật là đáng kinh ngạc khi anh Donald nhận ra rằng các nhân viên xã hội được đòi hỏi phải đáp ứng các định mức đã đặt ra.
Anh Donald giải thích rằng các vụ việc xã hội không phải là công việc cốt lõi của anh. Anh đã dành rất nhiều năng lượng và nỗ lực để giải quyết các đề xướng dự án, các tài liệu tài chính, và các biên lai kế toán.
Anh Donald nhớ lại rằng việc tìm cách để nhận được tài trợ và đáp ứng lượng dịch vụ cụ thể đã vượt qua nhu cầu phụng sự xã hội.
Khi anh tốt nghiệp vào năm 2019, Hồng Kông tràn ngập một phong trào chống dẫn độ tích cực, và các cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi.
Trong suốt các cuộc biểu tình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường đàn áp nền dân chủ và làm xói mòn nền tự do ở Hồng Kông. Ngay khi Luật An ninh Quốc gia ra đời, anh Donald nhận ra Hồng Kông không còn là nơi an toàn cho anh nữa.
Vì vậy, anh đã tìm đường đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để học tập và tìm kiếm cơ hội định cư.
Học tập ở Hoa Kỳ
Hồi tháng 09/2021, anh Donald theo học tại Đại học Andrews ở Michigan để lấy bằng Cử nhân về Công tác Xã hội. Trong quá trình học, anh còn thực tập tại một tổ chức bất vụ lợi, Neighbor to Neighbor.
Chỉ trong một năm ngắn ngủi, anh Donald đã nhận thấy những sự khác biệt về văn hóa trong các cách tiếp cận công tác xã hội giữa Hồng Kông và Mỹ.
Anh Donald nhận thấy công tác xã hội ở Mỹ dường như tập trung nhiều hơn vào cộng đồng và hướng đến người dân.
“Ở Mỹ, công tác xã hội dựa trên ba nguyên tắc: nhân phẩm, tự do, và công lý xã hội của con người,” anh Donald cho hay.
Không giống như các ngân hàng thực phẩm ở Hồng Kông, kiểu như một tổ chức từ thiện vừa bố thí vừa bắt buộc, các ngân hàng thực phẩm ở Mỹ sẽ cung cấp nhiều lựa chọn thực phẩm khác nhau. Điều này có vẻ năng động hơn và cho phép những người thụ hưởng có một trải nghiệm trang trọng và được tôn trọng hơn.”
Làm việc tại Canada
Ban đầu, anh Donald định chuyển đến Hoa Kỳ sau khi tìm được một việc làm ở đó.
Tuy nhiên, hồi năm 2021, Canada đã đưa ra một kế hoạch thuyền cứu sinh dành cho người Hồng Kông trong bối cảnh tình hình ở Hồng Kông ngày càng xấu đi.
Canada chào đón các sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học đủ điều kiện trong vòng 5 năm để nộp đơn xin một chiếu khán làm việc mở (OWP). Các ứng viên đủ điều kiện có thể làm việc trong một năm và nhận được tư cách thường trú nhân bằng cách sử dụng chương trình B Hong Kong Pathway (chương trình dành cho những ứng viên có trình độ sau trung học).
So với các tiêu chí nhập cư của Hoa Kỳ, các chính sách của Canada thoải mái hơn. Vì vậy, năm 2022 anh Donald đã đến Canada và tham gia tổ chức Hong Kong Watch ở Canada với tư cách là một tình nguyện viên, đồng thời tham gia Chương trình Sáng kiến Thanh niên.
Sáng kiến Thanh niên cung cấp các hội thảo, đào tạo, và sự trợ giúp để ghi danh thực tập tại Nghị viện hoặc trở thành các tình nguyện viên của đảng chính trị.
Tổ chức Hong Kong Watch đã tiến hành hội thảo trực tuyến đầu tiên với 18 người tham dự từ khắp Canada. Sau nhiều phần trình bày của khách mời, anh Donald đã có một sự hiểu biết sâu sắc hơn về nền dân chủ, cơ quan Nghị viện, và chính phủ của Canada.
Sau khi tham dự tám hội thảo, anh Donald đã được phỏng vấn cho một kỳ thực tập tại Nghị viện Canada.
Câu trả lời của anh Donald đã đánh thức và gây ấn tượng với những người phỏng vấn khi anh được hỏi về suy nghĩ của mình đối với Luật An ninh Quốc gia. Anh nói với họ: “Chính quyền Trung Quốc đã phá hủy hoàn toàn quyền tự do và dân chủ của con người.”
Sau đó, anh Donald được nhận vào vị trí thực tập sinh.
Tiếp tục với các vấn đề Hồng Kông
Ngoài kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng nghe và viết nhanh bằng tiếng Anh là điều cốt yếu để thành công trong vai trò một phụ tá cho một nghị viên. Ngoài việc là một người lắng nghe hiệu quả, anh Donald còn phải quan tâm nhiều hơn đến tin tức và các xu hướng xã hội trên toàn thế giới. Các đồng nghiệp của anh đề nghị xem nhiều chương trình thời sự hơn để luôn cập nhật các vấn đề toàn cầu.
So sánh kinh nghiệm của anh khi làm một nhân viên xã hội, các thành viên Nghị viện phải đề cập đến các phương diện quan trọng khác như kinh tế, chăm sóc y tế, nhà ở, và phúc lợi xã hội.
Anh chia sẻ: “Vì tôi quen thuộc hơn với các vấn đề của Hồng Kông, nên khả năng của tôi hoàn toàn có thể phát triển lợi thế của Hồng Kông, chẳng hạn như phát triển và mở rộng chính sách thường trú Thuyền cứu sinh Chương trình B (Lifeboat Scheme Stream B). Ngoài ra, tôi có thể trợ giúp các chiến dịch thả các tù nhân chính trị ở Hồng Kông.”
Anh giải thích, “Chính quyền Trung Quốc đã hủy hoại quyền tự do của con người, và các nhà hoạt động dân chủ, những người mà Luật An ninh Quốc gia đã đàn áp. Điều này nên được viết ra và soạn thảo cho các nhà lập pháp Canada.”
Trước đây chỉ cần quan tâm đến một cộng đồng duy nhất và giới trẻ của cộng đồng này, nhưng giờ đây anh Donald chịu trách nhiệm cho một điều lớn hơn nhiều: nhân quyền từ các cộng đồng trên toàn thế giới, thay vì chỉ một khu phố đầy người Hồng Kông.
Bất kể ở hiện tại hay trong tương lai, dẫu anh Donald có thể nơi nào đi nữa, trái tim của anh vẫn hướng về việc giúp đỡ người dân Hồng Kông.
Anh Donald muốn nói với mọi người rằng có một mục đích lớn hơn khi họ rời Hồng Kông, “Ra hải ngoại là một cơ hội để hoàn thành những điều mà chúng ta không thể làm được ở Hồng Kông.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times