Truyền thông địa phương: Họa sĩ truyện tranh chính trị nổi tiếng Hồng Kông không thể xuất bản truyện tranh nữa
Hôm 11/05, qua một ghi chú của ban biên tập, tờ Minh Báo (Ming Pao, một tờ báo Hồng Kông) đã thông tri rằng họ sẽ ngừng xuất bản bộ truyện tranh chính trị của ông Tôn Tử (Zunzi), 40 tuổi, kể từ Chủ Nhật ngày 14/05. Tờ báo này không đưa ra bất kỳ lý do nào cho hành động trên.
Hôm 11/05, tờ Minh Báo đã phát hành hai số tác phẩm của ông Tôn Tử như thường lệ trong khi thông báo kết thúc với ghi chú của một biên tập viên như sau:
“Việc xuất bản Emily Edition của ông Tôn Tử và Century Edition của ‘Ủy viên nào?’ (What Councilor?) sẽ bị đình chỉ từ ngày 14/05. Minh Báo cảm ơn tác giả Tôn Tử vì đã cùng chúng tôi chứng kiến những thay đổi của các thời đại trong 40 năm qua.”
“Đối với những người làm trong ngành sáng tạo này, họ chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của mình thôi,” ông Tôn Tử, tên thật là Hoàng Kỷ Quân (Wong Kei-kwan), nói với The Epoch Times.
Ông Tôn Tử cho rằng chỉ có Minh Báo mới hiểu hết lý do họ kết thúc loạt truyện tranh của mình.
Ông nói, “Dù cho mọi thứ có khó khăn thì vẫn luôn luôn có một con đường phía trước.”
Ký giả lâu năm Trình Tường (Ching Cheong) đã ca ngợi những bức tranh châm biếm của ông Tôn Tử và nói rằng những bức tranh này có thể đặc biệt hơn là một bài báo. Ông Tường cũng cho biết việc đình chỉ ông Tôn Tử nhấn mạnh rằng “không có tự do báo chí ở Hồng Kông theo Luật An ninh Quốc gia.”
Chính quyền địa phương cảm thấy phiền hà bởi tác giả Tôn Tử
Ông Tôn Tử đã bị nhiều cơ quan chính quyền khiển trách bằng lời nói gần đây.
Trong phim hoạt hình châm biếm ngày 06/01, một người đàn ông nói: “Miễn là sự việc được xác minh là bảo vệ an ninh quốc gia, thì trưởng đặc khu Hồng Kông có thể làm bất cứ điều gì ông ta muốn.” Ông Trần Quốc Cơ (Chan Kwok-kei), Cục trưởng Cục Hành chính, sau đó đã chỉ trích việc châm biếm này.
Hồi tháng Năm, tranh hoạt hình của ông Tôn Tử châm biếm chính quyền bổ nhiệm những người vô học và bệnh hoạn làm thành viên của Ủy ban Phân Khu, Ủy ban Chống Tội phạm Đặc khu, và Ủy ban An toàn Phòng cháy chữa cháy Đặc khu. Tác phẩm này thể hiện, “Miễn là Trưởng Đặc khu cảm thấy phù hợp, thì kể cả họ (người bệnh hoạn hoặc không đủ năng lực) đều có thể tham gia Ủy ban Phòng cháy chữa cháy và Phòng chống Tội phạm của Đặc khu.”
Sau đó, Cục Nội vụ và Thanh niên đã đưa ra một thông báo triệu tập ông Tôn Tử… Cơ quan này cho rằng nội dung của bức tranh biếm họa chính trị đã “bôi nhọ” các nguyên tắc về cách chính quyền bổ nhiệm các thành viên của ba ủy ban.
Truyện tranh được xuất bản lần cuối
Truyện tranh “Ủy viên nào?” ở trên thu hút sự chú ý của độc giả đến một gian hàng trên phố.
Người ta cho rằng ai đó đã lập một gian hàng trên đường phố để kêu gọi người dân ký tên ủng hộ.
Một người qua đường hỏi: “Gian hàng đường phố nào vậy? Gian hàng đó có an toàn không?”
Người phụ trách gian hàng trên phố trả lời, nói rằng gian hàng trên phố ủng hộ chính quyền và sẽ không bao giờ bị “cướp,” đồng thời hứa với người qua đường sẽ an toàn 100%.
Truyện tranh này tiếp tục, với cảnh người qua đường hỏi các trạm chống chính quyền (ủng hộ dân chủ) ở đâu. Người đứng xem trả lời, “Anh phải đi bằng phi cơ để tìm thấy các trạm đó.”
Sự châm biếm ám chỉ đảng ủng hộ Bắc Kinh, Liên minh Dân chủ vì sự Tiến bộ và Tốt đẹp của Hồng Kông (DAB), vì đã thu thập chữ ký của người dân để ủng hộ đề xướng của hội đồng đặc khu tiếp theo và rằng tất cả các đảng ủng hộ dân chủ đã rời Hồng Kông và di cư đến các quốc gia khác.
‘Không có chỗ cho sự chỉ trích’
Hiệp hội Ký giả Hồng Kông (HKJA) bày tỏ sự tiếc nuối trước việc ông Tôn Tử bị chấm dứt hợp đồng.
HKJA tin rằng việc chấm dứt này của ông Tôn Tử phản ánh thực tế rằng Hồng Kông không còn có thể dung chứa những lời chỉ trích, và không gian cho tự do ngôn luận một lần nữa trở nên chật chội hơn, gây tổn hại cho xã hội.
HKJA chỉ ra rằng ông Tôn Tử đã trợ giúp công việc của HKJA từ những năm 90. Tổ chức này bày tỏ lòng biết ơn đối với sự kiên trì và nỗ lực không khoan nhượng của ông Tôn Tử trong thời kỳ hỗn loạn, sự can đảm của ông trong việc lên tiếng và chứng kiến sự thay đổi của thời đại cùng với người dân Hồng Kông.
Tuyên bố của tổ chức trên khẳng định mối quan tâm của họ, “Chính quyền, với nguồn lực rất lớn và quyền lực công, liên tục săn lùng các nhân vật văn học. Điều này cho thấy Hồng Kông không thể dung chứa được những lời chỉ trích.”
Ngoài ra, các tổ chức truyền thông cũng có thể lo lắng nội dung mà họ xuất bản sẽ bị chỉ trích dữ dội hoặc bị buộc tội vi phạm pháp luật, điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng tự kiểm duyệt và làm suy yếu không gian dành cho quyền tự do báo chí và biểu đạt, vốn được Luật Cơ bản bảo vệ và bảo đảm.
Cảm thấy hối tiếc
Ông Trần Văn Mẫn (Johannes Chan Man-mun), Giáo sư Trợ giảng của Khoa Luật tại Đại học Hồng Kông, bày tỏ sự hối tiếc của mình trên một chương trình phát thanh thương mại. Ông nói rằng ông đã là độc giả của Truyện tranh Tôn Tử từ khi còn nhỏ.
Giáo sư cho biết Truyện tranh Tôn Tử là một lối thoát để người dân trút bỏ sự bất mãn của họ, vốn sẽ giúp duy trì sự ổn định xã hội.
“Điều này cũng có nghĩa là chúng ta không còn có thể có bất cứ điều gì châm biếm từ các ấn phẩm in ấn đến các chương trình phát thanh hoặc truyền hình?” Ông Trần đặt câu hỏi.
‘Tinh thần của một chuyên gia truyền thông’
Ông Trình Tường, một ký giả thâm niên, ca ngợi truyện tranh của ông Tôn Tử là “rất sâu sắc” và “đúng trọng tâm” và sự hoàn hảo của tác phẩm ấy như một truyện gầm châm biếm về các vấn đề hiện tại. “Một truyện tranh hay có thể hay hơn bất kỳ một bài báo nào. Mọi người sẽ mỉm cười và chia sẻ một cảm giác đồng tình sau khi đọc truyện ấy.”
Ông Tường cho biết sức mạnh của một truyện tranh châm biếm có thể sánh ngang với một bài báo viết nếu truyện ấy có thể nắm bắt được độ chính xác của thời gian và một sự kiện đồng thời thể hiện sự kiện ấy một cách sáng tạo.
Ông Trần ngưỡng mộ lòng dũng cảm của ông Tôn Tử và sự nhấn mạnh của ông ấy về việc “không bao giờ tự giới hạn hoặc tự kiểm duyệt.” “Thấy rằng ông Tôn Tử đã tiến lên phía trước dưới áp lực to lớn, ông ấy vẫn ở vị trí của mình và thể hiện tinh thần mà một chuyên gia truyền thông nên có.”
Sherry Lin, Danny Tang và Summer Lawson thực hiện
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times