Ông Tập Cận Bình đảm nhận nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba giữa những thách thức lịch sử
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức trao cho mình một nhiệm kỳ thứ ba phá kỷ lục với vai trò là Chủ tịch nước, đồng thời hoàn tất quá trình chuyển đổi của ông thành nhà cai trị quyền lực nhất của đất nước trong nhiều thập niên vào thời điểm có những thách thức kinh tế nghiêm trọng và căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ và các nước khác.
Ông Tập, 69 tuổi, đã giành được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba với tư cách là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chức vụ quyền lực nhất trong hệ thống cầm quyền của quốc gia, hồi tháng Mười năm ngoái.
Hôm thứ Sáu (10/03), khoảng 3,000 đại biểu được lựa chọn kỹ lưỡng từ Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc, đã phê chuẩn nhiệm kỳ mới của ông Tập với vai trò là Chủ tịch nước.
Việc tái bổ nhiệm ông Tập trong vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ này không phải là điều bất ngờ. Ông Tập đã loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với vai trò người đứng đầu nhà nước bằng cách sửa đổi hiến pháp vào năm 2018, làm dấy lên những ý kiến cho rằng ông có thể nắm quyền suốt đời.
Ông Tập cũng được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, khiến ông trở thành chỉ huy của Quân đội Giải phóng Nhân dân gồm hai triệu thành viên, một lực lượng là quân đội của đảng chứ không phải của quốc gia.
Sau khi giành được nhiệm kỳ mới và đã bổ nhiệm các đồng minh của mình vào các cấp quyền lực cao hơn, ông Tập hiện chắc chắn là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời ông Mao Trạch Đông.
Nhưng trên thực tế, “Ông Tập có thể sẽ gặp phải những thách thức chưa từng có trong nhiệm kỳ này,” ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận về Trung Quốc tại Hoa Kỳ cho biết. Ông Lý đề cập đến nền kinh tế đang bị vùi dập của đất nước này và áp lực quốc tế đang gia tăng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập diễn ra vào một thời điểm mà những căng thẳng với Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đang ngày càng gia tăng do hoạt động gián điệp kinh tế, trộm cắp công nghệ, các hoạt động quân sự gây hấn ở châu Á, vi phạm nhân quyền, và các vấn đề khác của chế độ cộng sản này.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống 3%, mức yếu thứ hai kể từ ít nhất là những năm 1970, sau ba năm hạn chế nghiêm ngặt do COVID-19, một cuộc đàn áp sâu rộng đối với một loạt đại công ty công nghệ trong nước cùng với các nhà phát triển địa ốc. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay chỉ “khoảng 5%.”
Bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm chạp, hôm 05/03 Bộ Tài chính đã công bố ngân sách quốc phòng tăng 7.2% lên 1.55 ngàn tỷ nhân dân tệ (224 tỷ USD), đánh dấu một mức tăng nhẹ so với năm 2022. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ.
Hôm thứ Tư (08/03), ông Tập kêu gọi “phải nhanh chóng nâng cấp lực lượng vũ trang lên tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới.”
Trong hai phiên họp của tuần này, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cũng mở ra cuộc cải tổ chính trị lớn nhất khi ông Tập Cận Bình củng cố sự kiểm soát của đảng lên đất nước.
Hôm thứ Sáu (10/03), ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) được bổ nhiệm làm người đứng đầu Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc.
Được giữ lại từ Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ tiền nhiệm, cơ quan quyền lực chính trị tối cao ở Trung Quốc do ông Tập đứng đầu, ông Triệu, 67 tuổi, đã giành được sự tin tưởng của ông Tập với tư cách là người đứng đầu cơ quan giám sát chống tham nhũng của đảng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, vốn đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng đã và đang dập tắt tất cả sự chống đối tiềm ẩn đối với nhà lãnh đạo này.
Trong khi đó, ông Hàn Chính (Han Zheng) được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Chủ tịch nước chủ yếu mang tính thủ tục.
Ông Hàn được xem là một thành viên của một phe chính trị — được gọi là “phe Giang” vì lòng trung thành với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân — phe chống lại sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Người đàn ông 68 tuổi này đã rời khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới hồi tháng Mười năm ngoái khi đến tuổi về hưu.
Người nắm quyền lực thứ hai, ông Lý Cường, được nhiều người kỳ vọng sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng, trên danh nghĩa là người chăm lo cho nền kinh tế. Ông Lý nổi tiếng với việc thực thi một cách tàn nhẫn lệnh phong tỏa khắc nghiệt trong chính sách “zero COVID” ở Thượng Hải vào mùa xuân năm ngoái với tư cách là bí thư đảng tại trung tâm tài chính này của Trung Quốc. Ông Cường đã chứng tỏ lòng trung thành của mình với ông Tập bất chấp những lời phàn nàn của người dân về việc không được tiếp cận với thực phẩm, chăm sóc y tế, và các dịch vụ cơ bản.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times