Mưu đồ thực sự ẩn sau ‘kế hoạch hòa bình’ của Bắc Kinh
Lịch sử về xung đột vũ trang ít nhiều cho thấy một lẽ hiển nhiên: chiến tranh bắt đầu dễ dàng hơn là kết thúc.
Hãy xem xét cuộc xung đột đẫm máu nhất của thế kỷ 20, Đại chiến Thế giới lần thứ nhất (hay Đệ nhất Thế chiến).
Cuộc xung đột này đã xảy ra khi thế bế tắc được duy trì trong nhiều năm cho đến khi Tướng Úc John Monash tạo ra một bước đột phá trong các trận đánh tại Villers-Bretenneux và Le Hamel. Trong nhiều năm, các hàng tiền tuyến hầu như không dịch chuyển quá vài trăm mét.
Nếu thực sự để ý đến cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay, thì sự thật hiển nhiên này là điều mà chúng ta đáng phải suy ngẫm.
Nói đơn giản thì, nếu mục đích của chiến tranh là đánh bại một kẻ thù hoặc giành được đủ lợi thế để yêu cầu hòa bình, thì triển vọng hòa bình ở Ukraine là hạn chế.
Sau khi khởi xướng một cuộc xâm lược mà Tổng thống Vladimir Putin nghĩ là sẽ thành công trong vài ngày, thì ông đã bị sa lầy trong một cuộc chiến mà ông dường như không thể giành chiến thắng. Chừng nào các quốc gia khác vẫn còn tiếp tục trợ giúp cho địch thủ của ông, thì chừng đó ông chưa thể thành công. Ông Putin có thể chấm dứt cuộc chiến mà ông đã khởi xướng bằng cách rút quân khỏi Ukraine, thế nhưng ông đã đầu tư rất nhiều vào cuộc xung đột này; [vậy nên] hành động này dường như là điều không thể.
Đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, Ukraine không thể dễ dàng chấp thuận một giải pháp hòa bình trừ khi Nga hoàn toàn rút quân khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tương tự như những gì đã xảy ra trong quá khứ, việc cho phép người Nga ở lại Crimea sẽ thúc đẩy họ lại tiến hành cuộc chiến này trong tương lai.
Những nhận định này có liên quan trực tiếp đến tài liệu “kế hoạch hòa bình” 12 điểm thể hiện lập trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tài liệu này đầy những tuyên bố chính sách ngoại giao vẫn thường gặp của ĐCSTQ về việc “từ bỏ tâm lý Chiến Tranh Lạnh” và “chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương.”
Thế nhưng ngay ở điểm đầu tiên, chúng ta đã thấy mức độ nông cạn của tài liệu này, đó là “tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.”
Tài liệu này tuyên bố: “Luật pháp quốc tế được công nhận một cách rộng rãi, bao gồm những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Chủ quyền, nền độc lập, và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được duy trì một cách hiệu quả. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là những thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế. Tất cả các bên nên cùng nhau duy trì các chuẩn tắc căn bản chi phối các mối bang giao quốc tế đồng thời bảo vệ sự công bằng và công lý quốc tế. Việc áp dụng luật pháp quốc tế một cách bình đẳng và đồng dạng nên được thúc đẩy, trong khi các tiêu chuẩn kép phải bị bác bỏ.”
Nếu nói như vậy thì chẳng phải kết quả hợp lý sẽ là Nga cần rút quân khỏi Ukraine sao? Kể từ khi Liên Xô tan rã, Ukraine, cũng như Nga, là một quốc gia có chủ quyền vốn đang là một thành viên độc lập của Liên Hiệp Quốc. Ukraine có đường biên giới được quốc tế công nhận.
Nếu ĐCSTQ thực sự muốn hòa bình, thì đáng lẽ họ phải khuyên Nga rút quân.
Nói một đằng làm một nẻo
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo rằng tại sao Trung Quốc không kêu gọi Nga rút quân trong tài liệu 12 điểm này và tại sao Trung Quốc không nêu rõ tên kẻ xâm lược trong cuộc xung đột này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã không phúc đáp trực tiếp những nghi vấn này.
Thay vào đó, ĐCSTQ tiếp tục theo đuổi liên kết đối tác không giới hạn với chế độ của ông Putin. Đảng này đã được hưởng lợi về mặt kinh tế từ cuộc xung đột này vì thương mại song phương giữa hai quốc gia đang ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng khẳng định rằng “tình trạng an ninh của một khu vực không nên đạt được bằng cách củng cố hoặc mở rộng các khối quân sự.”
Điều này chính là nguyên nhân sâu xa ẩn dưới nỗi sợ của Trung Quốc. Ngoài Iran và Trung Quốc, không có quốc gia lớn nào ủng hộ Nga, trái lại nhiều quốc gia đang trợ giúp cho Ukraine.
Trung Quốc muốn thu hẹp cuộc xung đột này, chỉ đơn thuần là một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, do đó họ muốn nghiêng cán cân về phía có lợi cho ông Putin. Trung Quốc và Nga hiện đang có chung một địch thủ, cụ thể là Hoa Kỳ.
Trung Quốc cũng đang tham gia vào một cuộc chơi dài hơi. Nếu Nga trở nên phụ thuộc quá nhiều vào ĐCSTQ, thì viễn cảnh Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ của mình ở Thái Bình Dương sẽ trở thành một khả năng trong tương lai.
Mục đích thực sự của việc chế độ Trung Quốc đưa ra tuyên bố nói trên được tiết lộ ở điểm 10, trong đó khẳng định rằng chỉ có các lệnh trừng phạt được Liên Hiệp Quốc cho phép mới là phù hợp. Thế nhưng Nga lại có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc, điều này có nghĩa là các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ không bao giờ được chấp thuận!
Không thể kết luận rằng tài liệu nói trên của Trung Quốc là một kế hoạch hòa bình thật sự.
Đài Loan cũng được nhắc đến trong tài liệu này. Chế độ Trung Quốc sẽ sử dụng một tài liệu với luận điệu tương tự nếu họ xâm lược quốc đảo tự quản này.
Tài liệu này chứng minh rằng ĐCSTQ cũng đang lo ngại về các biện pháp trừng phạt đang được áp dụng đối với các nhân vật phản diện và phản ứng quốc tế ngày càng gay gắt đối với hành động gây hấn trơ trẽn của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các quan chức Trung Quốc và Nga tiếp tục gặp gỡ nhau, và ông Vladimir Putin đã tuyên bố rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Moscow.
Theo những bản tin gần đây, Trung Quốc đang cân nhắc đến việc bán thiết bị quân sự cho Nga. Rõ ràng đây không phải là hành động của một quốc gia thực sự quan tâm đến hòa bình.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times