Cử tri trẻ chọn phái chống Bắc Kinh
Hơn một nửa người dân chỉ biết đến một Đài Loan tự do, một quốc gia độc lập và giàu có, không có sự kìm kẹp của chủ nghĩa cộng sản.
Chiến thắng của ông William Lại trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào thứ Bảy tuần trước (13/01) là một sự kiện lịch sử.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi các cuộc bầu cử tự do được thực hiện, mà một đảng đã giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ ba liên tiếp.
Bất chấp các cuộc thăm dò dự đoán kết quả khá sít sao, ông Lại đã có chiến thắng áp đảo cho Đảng Dân Tiến (DPP).
Ông Lại giành chiến thắng với 40.1% số phiếu phổ thông, dẫn trước đối thủ của ông, là ông Hầu Hữu Nghi ứng cử viên của Quốc Dân Đảng với 33.5%, và ông Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan với 26.5%.
Kết quả cuối cùng đã phản ánh một số nhân tố.
Cử tri trẻ, mới
Đầu tiên, sự hiện diện của ứng cử viên thứ ba trên lá phiếu, ông Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan, đã mang lại cho cử tri nhiều sự lựa chọn hơn so với các cuộc bầu cử tổng thống trước đây.
Ngoài ra có gần một triệu cử tri, chiếm gần 6% số người đi bầu, lần đầu đi bỏ phiếu.
Một cuộc thăm dò ban đầu cho thấy rằng Đảng Nhân dân Đài Loan nhận được sự ủng hộ đáng kể của cử tri dưới 40 tuổi.
Đó là một thách thức đối với Đảng Dân Tiến, được coi là “đảng có thâm niên”, đã nắm quyền trong một thời gian dài, cho dù đảng này từ lâu luôn là phe đối lập với Quốc Dân Đảng.
Không có gì ngạc nhiên khi các vấn đề kinh tế trong nước lại có ý nghĩa quan trọng đối với cử tri trẻ. Đảng Nhân dân Đài Loan được kỳ vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ giới trẻ, nhưng thông điệp của đảng này khá khó hiểu, và cuối cùng cũng không có khác biệt lớn so với các đảng truyền thống khác.
Các cử tri trẻ cũng ủng hộ một Đài Loan độc lập về kinh tế và chính trị, đây có lẽ là vấn đề quan trọng nhất trong hai tuần trước cuộc bầu cử.
Sự thay đổi dân số của Đài Loan theo hướng bất lợi cho Quốc Dân Đảng
Kết quả bầu cử đã phản ánh sự phân chia về mặt địa lý của cuộc bầu cử.
Có thể vẽ ra một đường từ bắc xuống nam đến trung tâm của Đài Loan. Ở phía tây, đối diện với Hoa lục, nơi tập trung các thành thị, các khu công nghiệp thịnh vượng, đã bỏ phiếu áp đảo cho Đảng Dân Tiến. Phía đông Đài Loan, với nhiều vùng núi và vùng nông thôn đã bỏ phiếu cho Quốc Dân Đảng.
Trong vài thập niên qua, dữ liệu về dân số của hòn đảo đã và đang dịch chuyển theo hướng bất lợi đối với Quốc Dân Đảng. Khi mỗi thế hệ mới xuất hiện, họ chủ yếu tự nhận mình là người Đài Loan và ít liên quan đến gốc Hoa hơn.
Điều này dần dần có ảnh hưởng bất lợi đối với Quốc Dân Đảng.
Khi ông Lý Đăng Huy dân chủ hóa các cuộc bầu cử ở Đài Loan vào những năm 1980, ông nhận ra rằng thời kỳ độc tài của ông Tưởng Giới Thạch đã kết thúc.
Vấn đề Trung Quốc
Nhiều năm trôi qua, khối cử tri ủng hộ tự nhiên cho Quốc Dân Đảng ngày càng suy giảm. Quốc Dân Đảng đang bị giằng xé giữa nguồn gốc lịch sử và khát vọng dành được chính phủ.
Điều này thể hiện rõ trong những tuần cuối cùng của chiến dịch.
Đầu tiên, ứng cử viên của Quốc Dân Đảng, ông Hầu, đã nỗ lực hạ thấp nguyện vọng lịch sử của đảng mình là tạo nên “một Trung Quốc” – mặc dù là đang nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng này!
Cùng với cuộc tấn công dồn dập của Trung Cộng vào ông Lại của Đảng Dân Tiến, sự chú ý của cử tri đã chuyển hướng sang vấn đề Trung Quốc.
Sự chuyển hướng này được củng cố bởi bình luận của cựu Chủ tịch Quốc Dân Đảng Mã Anh Cửu, người đã xuất hiện trên truyền hình để ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.
Ông Mã đã có chuyến thăm tới Hoa lục được công bố rộng rãi hồi năm ngoái (2023). Trong chuyến thăm đó, ông đã trình bày công khai về tầm nhìn của ông về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) và Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan).
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Deutsche Welle, ông Mã cho biết theo Hiến Pháp Đài Loan việc thống nhất là có khả năng.
“Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện một cách hòa bình và thông qua một tiến trình dân chủ,” ông nói. “Nếu có thể thực hiện được như vậy, thì rất có thể người dân Đài Loan sẽ quan tâm đến việc chấp nhận điều đó.”
Trong cộng đồng người Đài Loan có rất ít sự ủng hộ cho quan điểm này.
Ông Mã cũng cho rằng việc cố gắng bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc là điều vô vọng.
“Cho dù có tự bảo vệ mình đến đâu, quý vị cũng không bao giờ có thể chiến đấu được với đại lục, quý vị không bao giờ có thể giành chiến thắng,” ông nói. “Họ quá lớn, quá mạnh hơn chúng ta.”
Khi được hỏi liệu lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình có khả tín hay không, ông Mã khẳng định: “Về mối quan hệ giữa hai bên eo biển, thì quý vị phải tin cậy.”
Những bình luận này làm suy yếu cách tiếp cận của ông Hầu và hướng sự chú ý trở lại vấn đề Trung Quốc.
Mặc dù nhiều người trẻ có thể đang tìm kiếm một đảng thay thế, nhưng họ vẫn ủng hộ một Đài Loan tự do về kinh tế và chính trị.
Phản ứng ban đầu của ĐCSTQ đối với kết quả bầu cử là phủ nhận nó.
Ông Trần Bân Hoa, phát ngôn viên của Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện [Trung Quốc], cho biết: “Kết quả cho thấy Đảng Dân Tiến không thể đại diện cho dòng dư luận chủ đạo trên hòn đảo”, theo một bài báo trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ.
ĐCSTQ có thể sẽ tiếp tục chiến dịch gây hấn với Đài Loan và các quốc gia khác trong khu vực trong những tháng tới, đặc biệt là trước lễ nhậm chức của ông Lại vào tháng Năm.
ĐCSTQ cũng đã chỉ trích các quốc gia đã chúc mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Lại!
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times