Các chuyên gia: Kết quả bầu cử ở Đài Loan có thể khiến nền tảng chính trị căn bản ở Trung Quốc thay đổi
Công chúng ở Hoa lục, sống dưới sự cai trị theo hướng xã hội chủ nghĩa của ĐCSTQ, đang kêu gọi thống nhất ‘Một Trung Quốc’ theo hệ thống dân chủ tự do của Đài Loan.
Hôm 13/01, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan kết thúc với ứng cử viên ủng hộ dân chủ Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) được bầu làm tổng thống mới và bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) làm phó tổng thống, các nhà quan sát dự đoán rằng nền dân chủ hoàn thiện được thể hiện trong quá trình bầu cử ở Đài Loan có thể dẫn đến những lời kêu gọi thay đổi nền tảng chính trị căn bản ở Trung Quốc.
Trong khi người dân Hoa lục lên mạng để tìm kiếm các bản tin trực tiếp về Ngày Bầu cử ở Đài Loan, thì các hãng truyền thông Hoa lục, do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, đã không đưa tin về cuộc bỏ phiếu này.
“Hôm nay là ngày bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Đài Loan?” một cư dân mạng trong số nhiều lên tiếng tương tự đã phàn nàn trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo của Trung Quốc. “Sao mà không có tí tin tức nào!”
Ông Kim Chung (Jin Zhong), Tổng biên tập của Tạp chí Khai Phóng (Open Magazine) của Hồng Kông, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ lo ngại về cảnh bầu cử ở Đài Loan — người dân đổ xô đến bỏ phiếu — sẽ bị người dân Hoa lục nhìn thấy và khiến họ phải thốt lên rằng “‘Đài Loan có thể làm được, tại sao chúng ta lại không thể?’ Điều này lại rất bất lợi cho chế độ độc tài.”
“ĐCSTQ không cho phép người dân Hoa lục biết toàn bộ quá trình bầu cử ở Đài Loan. CCTV, các trang web, và báo chí của họ đều đưa tin tiêu cực, nói những chuyện vô lý như thể DPP [Đảng Dân chủ Tiến bộ] đang muốn Đài Loan độc lập.”
Các hãng truyền thông quốc tế và địa phương của Đài Loan, cũng như mạng xã hội đã đưa tin về việc ba chính đảng tổ chức các hoạt động tranh cử, trong đó có các cuộc tranh luận cởi mở với nhau một cách công khai.
Ông Kim cho biết, cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan đã thể hiện tinh thần quan tâm đến cộng đồng vượt bậc, nói trước công chúng một cách hăng say, vận động bầu cử ngay trên đường sá, và kỹ năng làm việc nhóm của người dân Đài Loan, đồng thời làm theo Nguyên tắc Tam Dân của ông Tôn Trung Sơn về việc lựa chọn những người có đạo đức và có năng lực.
“Tuyển chọn những người có phẩm hạnh, trong sạch, không tham nhũng, và có phẩm chất đạo đức tốt; thứ hai là năng lực, nghĩa là có khả năng làm việc và lãnh đạo,” ông nói. “Các chính sách và chương trình do họ đề xướng đều được người dân chấp thuận.”
“Người dân Hoa lục nhìn thấy rất rõ điều này.”
Ông Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen) là người sáng lập Trung Hoa Dân Quốc (ROC, năm 1911–nay) và Đài Loan là lãnh thổ cuối cùng của ROC sau khi phe cộng sản chiếm Hoa lục trong cuộc nội chiến năm 1949. Tuy nhiên, Trung Hoa Dân Quốc và ĐCSTQ chưa bao giờ tuyên bố chấm dứt chiến tranh và không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết. Cả hai chính phủ đều không công nhận đối phương và họ tiếp tục tranh đấu trên toàn cầu để được cộng đồng quốc tế công nhận.
Ông Kim cho biết đã 75 năm trôi qua kể từ khi chế độ cộng sản tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.
“Trung Quốc đã nằm dưới chế độ độc tài trong 3/4 thế kỷ và người dân không có một quyền nào,” ông nói. “Họ không những không có quyền mỗi người một lá phiếu mà còn không có quyền lên tiếng. Nếu họ nói một lời mong muốn dân chủ hoặc chỉ trích chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ thì họ sẽ bị trừng phạt ngay tức khắc.”
“Hệ thống dân chủ của Đài Loan có thể ảnh hưởng đến Hoa lục, và người dân Trung Quốc sẽ yêu cầu chúng tôi cũng tổ chức bầu cử, nên ĐCSTQ không thể ngồi yên.”
“Và đó là lý do tại sao họ cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan và không đưa tin về chiến dịch vận động tranh cử cũng như quá trình bỏ phiếu.”
Ông Trần Khuê Đức (Chen Kuide), chủ tịch điều hành Sáng kiến Trung Quốc Princeton, cũng đã đến Đài Loan để quan sát cuộc bầu cử và tham dự một hội nghị có tiêu đề “Cách mà Nền chính trị Dân chủ của Đài Loan Dẫn dắt những Thay đổi Chính trị của Trung Quốc.”
“Trung Hoa Dân Quốc, một quốc gia cũ, đã thực sự tạo ra một vận mệnh mới cho Đài Loan,” ông nói với The Epoch Times. “Nếu Đài Loan làm được, thì tại sao Hoa lục lại không làm được?”
“Từ mọi phương diện, Đài Loan là nguồn cảm hứng to lớn cho người dân Trung Quốc.”
Sự cạnh tranh giữa hai hệ thống ở hai bên eo biển Đài Loan đã chứng minh rõ ràng rằng cách tiếp cận chính trị của Bắc Kinh bao gồm đàn áp nhân quyền và bành trướng ra hải ngoại là không có tương lai, ông Trần nhận xét.
“Điều mà ĐCSTQ sợ nhất không phải là Trung Quốc sẽ không được thống nhất,” ông nói. “Mà họ sợ Đài Loan sẽ thực sự đặt ra một thách thức căn bản đối với hệ thống [cộng sản] của Hoa lục.”
Ông Trần nói rằng ĐCSTQ [muốn] thống nhất Đài Loan để “đưa Đài Loan vào hệ thống của mình và dùng mọi cách có thể để xóa sổ Đài Loan.”
Trong suốt cuộc bầu cử lần này, ĐCSTQ đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đe dọa người dân Đài Loan, như tạo ra các mối đe dọa về dân sự và quân sự, phóng hỏa tiễn, sử dụng trí tuệ nhân tạo để gây ảnh hưởng đến cử tri, thúc đẩy quan điểm ủng hộ ĐCSTQ đối với cử tri trẻ Đài Loan trên TikTok, và tham gia cưỡng ép kinh tế.
Theo ông Trần, ĐCSTQ cũng biết rằng dù chọn dùng phương pháp nào đi nữa thì cũng không thể ngăn cản cuộc bầu cử ở Đài Loan. Họ cũng biết rằng khi can thiệp như thế thì hành động của họ có thể “chẳng những phản tác dụng, mà còn củng cố quyết tâm theo đuổi con đường tự do và sinh tồn của người dân Đài Loan.”
Người dân Hoa lục kêu gọi Trung Quốc được thống nhất theo hệ thống của Đài Loan
Trên mạng xã hội, nhiều người dân Hoa lục tỏ ra ủng hộ đối với các giá trị dân chủ tự do của Đài Loan. Một người khen ngợi người dân Đài Loan rằng: “Người dân Đài Loan đã trở thành chủ nhân của đất nước họ qua lá phiếu của họ và đạt được sự công bằng và công lý. Xin chúc mừng người dân Đài Loan!”
Một người khác nói: “Mỗi người một lá phiếu để bầu ra tổng thống bắt đầu từ năm 1996 [khi Đài Loan tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên].”
Ông Lý, một giáo sư ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng: “Trên thực tế, Trung Quốc và Đài Loan là hai quốc gia khác nhau, và Đài Loan đại diện cho Trung Hoa Dân Quốc. Đây là sự thật. Đài Loan không bầu ra một thị trưởng của Trung Quốc mà là bầu ra tổng thống của đất nước họ.”
“Nếu Đài Loan bị ĐCSTQ thống nhất, thì Đài Loan, nơi duy nhất mà dân tộc Trung Hoa có thể có nền văn minh hiện đại, sẽ không còn tồn tại nữa. Hồng Kông là một tấm gương.”
Ông Lý nói rằng Hoa lục vẫn chưa tiến tới nền văn minh hiện đại dưới chế độ độc tài độc đảng của ĐCSTQ.
“Các quan chức của ĐCSTQ nhận thức rõ điều này, nhưng họ không dám nói ra và không thể xoay chuyển tình thế này,” ông nói. “Nhưng đôi khi chỉ cần có một yếu tố kích hoạt thì mọi chuyện sẽ xảy ra. Liên Xô cũ to lớn là vậy nhưng chẳng phải đã sụp đổ chỉ sau một đêm sao?”
Ông Đồng, một nhân viên công an đã về hưu ở Hoa lục, cho rằng Đài Loan là hình mẫu cho các cuộc bầu cử dân chủ của Trung Quốc sau này và hệ thống bầu cử của Đài Loan có thể được Hoa lục noi theo trong tương lai.
“Một khi Hoa lục trải qua quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ, quốc gia này cần một hình mẫu, một hệ thống và thủ tục bầu cử hoàn thiện,” ông nói.
Bà Lưu, nhân viên của một doanh nghiệp quốc doanh ở thành phố Bao Đầu (Baotou), Nội Mông, nói với The Epoch Times rằng nếu Trung Quốc được thống nhất [theo Đài Loan] thì hệ thống chính trị của ĐCSTQ phải thay đổi từ chế độ độc tài độc đảng sang hệ thống quản trị đa đảng, với nhiều ứng cử viên ra tranh cử.
“Môi trường hiện tại và toàn bộ hệ thống của Trung Quốc phải được chuyển đổi thành hệ thống [giống như] của Đài Loan, chỉ bằng cách này thì cả hai bên eo biển Đài Loan mới có một cơ sở để thống nhất,” bà nói.
‘Trên Đường’ và ‘Luôn luôn Trên Đường’
Trong khi đó, nhiều người dân Trung Quốc tỏ ra thích thú khi so sánh giữa video chiến dịch “Trên Đường” (On the Road) của ông Lại Thanh Đức và đoạn tuyên truyền sau đó “Luôn luôn Trên Đường” (Always on the Road) của ĐCSTQ. Xu hướng truyền thông xã hội này đã thu hút được sự chú ý rộng rãi vì video đã thể hiện ra được điều mà nhiều người dân Trung Quốc nắm được tình hình coi là sự khác biệt cơ bản trong lối suy nghĩ và thực tiễn giữa một nền dân chủ tự do và một chế độ độc tài.
Đoạn video ngắn “On the Road,” được đăng lên kể từ hôm 02/01 và từ đó thu hút hàng chục triệu lượt xem, kể về chuyến đi của Tổng thống đương nhiệm Đài Loan Thái Anh Văn và Phó Tổng thống Lại Thanh Đức, hiện là tổng thống mới đắc cử. Video mở đầu với cảnh bà Thái lái một chiếc xe hơi và ông Lại ngồi ở ghế hành khách. Hai người trò chuyện về nền dân chủ của Đài Loan và tình hình phát triển dân chủ trong bốn năm qua.
Sau đó, bà Thái đưa chìa khóa xe cho ông Lại rồi bước xuống xe. Khi ông Lại nhận lấy chiếc chìa khóa, trên màn hình xuất hiện dòng chữ “chuyển giao chức vụ” (pass the baton). Sau đó, người ta nhìn thấy ông Lại ngồi ở ghế lái, và ứng cử viên tranh cử liên danh với ông cho chức vụ phó tổng thống, bà Tiêu bước vào xe, ngồi vào ghế hành khách bên cạnh ông. Bà Thái đứng cạnh chiếc xe mỉm cười vẫy tay chào hai người khi ông Lại và bà Tiêu lái xe đi. Video đã nhận được nhiều đánh giá tích cực vì thông điệp rõ ràng và đơn giản về nền dân chủ.
Vài ngày sau, hôm 08/01, các hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ đã đăng một bài báo có nhan đề “Luôn luôn Trên Đường” để bình luận về khẩu hiệu của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, củng cố cho sự cai trị độc đảng của ĐCSTQ.
Đoạn video tuyên truyền của ĐCSTQ đã bị công chúng chế giễu vì qua đó, họ tuyên bố mục đích là không bao giờ đi chệch khỏi con đường tư tưởng xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa cộng sản, hoàn toàn tương phản với video tranh cử của ông Lại.
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường, Dịch Như, Hoàng Vân, và Lạc Á
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times