Chuyên gia: Bắc Kinh làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh ‘trong bộ dạng là người kiến tạo hòa bình’
Trung Quốc chia sẻ sách lược kiểm soát mạng Internet với Nga
Trong bối cảnh Nga phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng vì cuộc xâm lược Ukraine, thì chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại dang rộng vòng tay giúp đỡ, từ hợp tác quân sự, kinh tế, và chính trị, cho đến cả việc truyền thụ cho Nga những sách lược bạo ngược chuyên quyền.
Một chuyên gia về Trung Quốc tin rằng mưu toan chiến lược của ĐCSTQ là khiến xung đột toàn cầu thêm nghiêm trọng, làm suy yếu các nền dân chủ, và cuối cùng là thừa cơ đạt được tham vọng thống trị thế giới.
ĐCSTQ làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh trong bộ dạng ‘người kiến tạo hòa bình’
Ông Anders Corr, người sáng lập công ty phân tích Corr Analytics Inc., chủ biên Tạp chí Rủi ro Chính trị, nói với The Epoch Times hôm 08/04 rằng ĐCSTQ “xem cả Nga lẫn Hoa Kỳ là những chướng ngại vật cản trở mục tiêu giành quyền bá chủ toàn cầu của mình. ĐCSTQ đã thành công che giấu sức mạnh của mình trong nhiều thập niên, sử dụng cả Hoa Kỳ lẫn Nga … để thúc đẩy quyền lực của mình.”
Ông Corr nhấn mạnh: “Nhưng họ chưa từng là bằng hữu thực sự của cả hai quốc gia.”
Ông tin rằng ĐCSTQ dưới thời ông Tập Cận Bình đang lặp lại những mánh khóe cũ để bảo toàn quyền lực trong thời chiến, như cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Mao Trạch Đông đã làm trong Đệ nhị Thế chiến bằng cách khoanh tay đứng nhìn những người theo chủ nghĩa dân tộc (Quốc Dân Đảng) chịu thương vong nặng nề khi chiến đấu với quân Nhật.
“Sau đó, ông Mao đã giành chiến thắng vào năm 1949 trước lực lượng Quốc Dân Đảng đã suy yếu. Ông Tập rõ ràng đang cố gắng đi theo chiến lược của ông Mao trên một cấp độ toàn cầu,” ông nói.
“Có bằng chứng cho thấy chiến lược của Bắc Kinh là thúc đẩy các cuộc xung đột trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Ukraine, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, và Nam Á, thế nhưng bản thân họ lại đứng ngoài cuộc chiến để bảo toàn lực lượng của mình. Sau khi việc tranh đấu làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh, thì họ có thể bành trướng quyền lực của mình ở những khu vực đó nhưng trong bộ dạng là một người kiến tạo hòa bình.”
Kiểm duyệt Internet
Theo Đài Âu Châu Tự Do, kể từ khi ông Tập đến thăm Nga hồi năm 2013, hai bên đã duy trì liên lạc mật thiết, đặc biệt trong việc tăng cường hợp tác về kiểm duyệt Internet. Theo các tài liệu và bản ghi âm bị rò rỉ, các quan chức từ Cơ quan Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) và cơ quan quản lý truyền thông của Nga đã tổ chức các cuộc họp kín vào năm 2017 và 2019 để thúc đẩy hợp tác.
Ngày 04/07/2017, cuộc họp kín đầu tiên giữa Trung Quốc và Nga về kiểm duyệt Internet đã được tổ chức tại Moscow. Ông Alexander Zharov, khi đó là người đứng đầu cơ quan quản lý viễn thông Nga Roskomnadzor, đã gặp một phái đoàn do ông Nhâm Hiền Lương (Ren Xianliang), khi đó là Cục phó Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc, dẫn đầu.
Các quan chức Nga đã học được từ các đối tác Trung Quốc của họ về cách phá vỡ mã hóa của mạng riêng ảo (VPN), Tor, và các công cụ chống kiểm duyệt khác, học được cách giám sát các nền tảng truyền thông xã hội, và các phương pháp giải mã dữ liệu mạng. Tháng 07/2017, ông Zharov cũng đề nghị ông Nhâm giúp bố trí cho chuyên gia Nga đến thăm Trung Quốc để nghiên cứu hoạt động của Dự án Lá chắn Vàng của Trung Quốc: một hệ thống giám sát, kiểm duyệt và phong tỏa mạng Internet toàn diện.
Đổi lại, trong Hội nghị Internet Thế giới được tổ chức tại Ô Trấn thuộc tỉnh Chiết Giang Trung Quốc hồi tháng 10/2019, Roskomnadzor và CAC đã ký một thỏa thuận hợp tác để chống lại việc truyền bá “thông tin cấm”.
Hai tháng sau, viện dẫn thỏa thuận này, các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu Nga xóa bản tin của BBC có nhan đề “Ông Tập Cận Bình muốn thực hiện đến cùng ‘cuộc cách mạng nhà vệ sinh’”, một bài đăng trên blog thảo luận về chấn thương lưng của ông Tập, và một bài viết trên trang web GitHub giải thích cách vượt qua “Vạn Lý Tường Lửa” của Trung Quốc.
“Cuộc cách mạng nhà vệ sinh” là một chiến dịch mà ông Tập ủng hộ để cải thiện điều kiện nhà vệ sinh, đặc biệt là tại các điểm tham quan du lịch trên khắp đất nước. Hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây đều chế nhạo tình hình này.
Theo Đài Âu Châu Tự Do, ĐCSTQ cũng đề nghị Nga chặn trang web của The Epoch Times. Được thành lập tại New York vào năm 2000, The Epoch Times là một tờ báo quốc tế đa ngôn ngữ và hãng thông tấn trực tuyến có trụ sở tại Hoa Kỳ. Báo nổi tiếng với việc phơi bày các tội ác vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Sự ủng hộ toàn diện của ĐCSTQ dành cho Nga
ĐCSTQ đã ủng hộ Nga một cách mạnh mẽ trong các môi trường ngoại giao, bênh vực cho cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.
Ví dụ, khi ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), vị lãnh đạo quan trọng thứ ba của ĐCSTQ, đến thăm Nga hồi tháng 09/2022, ông đã tuyên bố rằng “Hoa Kỳ và NATO đã trực tiếp đẩy Nga đến ngưỡng, điều này liên quan đến an ninh quốc gia của Nga và sự an toàn của người dân nước này.” Ông còn nói rằng “Nga đã bị dồn vào chân tường và họ phải phản công để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.”
Ngoài việc truyền đạt công nghệ kiểm duyệt Internet, ĐCSTQ còn viện trợ cho Nga về kinh tế và quân sự.
Kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đã tăng cao đến mức 189 tỷ USD vào năm 2022. Hồi tháng Ba năm nay, ông Tập đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, tái khẳng định mối quan hệ chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc giữa hai nước. Ông Tập và ông Putin đã ký mười văn kiện hợp tác kinh tế.
Theo The Wall Street Journal, giới chức Nga tiết lộ rằng hai bên đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng đường ống thứ hai để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Siberia đến Trung Quốc. Nga cần tăng cường bán khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc để duy trì cuộc chiến ở Ukraine vì các khách hàng chính ở châu Âu đã ngừng mua khí đốt tự nhiên của Nga.
Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác quân sự với Nga. Từ năm 2003 đến năm 2022, hai quốc gia này đã tiến hành ít nhất 78 cuộc tập trận quân sự chung, hơn một nửa trong số đó được tổ chức sau năm 2016.
Ông Corr nói rằng trong thế giới ngày nay, Hoa Kỳ, châu Âu, và Ấn Độ là “ba trung tâm quyền lực lớn của nền dân chủ trên toàn cầu.” ĐCSTQ đang có được năng lượng và công nghệ giá rẻ từ Nga, hy vọng có thể lợi dụng Nga để chống lại phe dân chủ.
“Nếu Nga chiến đấu với Hoa Kỳ và châu Âu, làm suy yếu cả ba, thì hệ quả là Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế này để lấp đầy khoảng trống quyền lực đó,” ông Corr nói.
Ông hy vọng người dân Nga có thể nhận ra mối nguy hiểm trước mắt và hành động.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times