Nga mở cảng viễn đông Vladivostok cho Trung Quốc
Gần đây, Nga đã mở cửa cảng viễn đông Vladivostok, cảng mà nước này chiếm giữ từ năm 1860, cho Trung Quốc để vận chuyển hàng hóa. Hành động này đã được các nhà quan sát nhìn nhận là một sự trao đổi chiến lược giữa hai quốc gia này khi các hành động của họ ở Ukraine, và xung quanh Đài Loan và Biển Đông tiếp tục làm xấu đi các mối bang giao quốc tế.
Hôm 04/05, Tổng cục Hải quan của chế độ cộng sản Trung Quốc đưa ra một thông báo, trong đó thêm cảng Vladivostok của Nga là cảng trung chuyển để vận chuyển xuyên biên giới hàng hóa nội địa Trung Quốc. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/06. Hàng hóa đi qua cảng Vladivostok sẽ được phân loại là “thương mại nội địa” và không phải chịu thuế xuất nhập cảng.
Theo các phương tiện truyền thông chính thức của đại lục, chi phí vận chuyển bằng tuyến đường mới này sẽ giảm đi đáng kể, vì hàng hóa từ các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang của Trung Quốc thường phải được chở bằng xe tải đến cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh—một quãng đường hơn 1,000 km (621 dặm)—trước khi chúng có thể được vận chuyển bằng đường biển. Với lối vào cảng Vladivostok này, thì từ thành phố Tuy Phân Hà (Suifenhe) của Hắc Long Giang và từ thành phố Huy Xuân (Hunchun) của Cát Lâm, các xe tải sẽ chỉ phải di chuyển quãng đường khoảng 200 km (124 dặm).
Vladivostok: ‘Chinh phục phương Đông’
Vladivostok, được người Trung Quốc gọi là Hải Sâm Uy (Haishenwai), là lãnh thổ của Trung Quốc trên các bản đồ chính thức của Trung Quốc vào thế kỷ 13, khi đó cảng này ban đầu có tên là Vĩnh Minh Thành (Yongmingcheng). Sau đó, thành phố này đã được đặt tên là Hải Sâm Uy, cái tên này được sử dụng ở Trung Quốc cho đến ngày nay cùng với tên “Vladivostok”, tên hoàng gia của Nga, có nghĩa bề mặt là “chinh phục phương Đông” hoặc “thống trị phương Đông.”
Thành phố này, cũng như vùng đất xung quanh nó, là quê hương của tộc người Mãn Châu đã nắm quyền cai trị Trung Hoa trong triều đại nhà Thanh. Tuy nhiên, Hải Sâm Uy, cùng với hơn một triệu km2 lãnh thổ ở vùng đông bắc Trung Quốc, đã bị Sa hoàng Nga sáp nhập vào năm 1860 sau khi Trung Quốc bị Anh và Pháp đánh bại trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ Hai.
Trong 163 năm tiếp theo, Hắc Long Giang và Cát Lâm không có quyền tiếp cận nào đối với cảng này.
Chính phủ kế tiếp ở Trung Quốc là Trung Hoa Dân Quốc (ROC, từ năm 1911 đến nay), chưa bao giờ công nhận tính hợp pháp và hiệu lực của hiệp ước quy định sự chiếm đóng lãnh thổ đó của Nga.
Sau Đệ nhị Thế chiến, với tư cách là một trong những nước đồng minh và bên thắng cuộc, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã yêu cầu trả lại chủ quyền cho Đại Liên, Vladivostok, Sakhalin, và các khu vực khác vẫn đang bị nước Nga cộng sản (Liên Xô) chiếm đóng. Tuy nhiên, vào năm 1949, ROC đã bị những người cộng sản đánh bại trong cuộc nội chiến của Trung Quốc và rút về đảo Đài Loan. Những người cộng sản đó đã thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) ở đại lục.
Năm 2001, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương thời Giang Trạch Dân đã ký một hiệp ước với Tổng thống Nga Vladamir Putin có nhan đề “Hiệp ước Láng giềng Hữu hảo, Hữu nghị và Hợp tác Trung-Nga”.
Trong hiệp ước đó, ông Giang chính thức thừa nhận các lãnh thổ của Trung Quốc bị Nga sáp nhập từ thời sa hoàng là của Nga, trao vĩnh viễn ít nhất 1.5 triệu km2 lãnh thổ thuộc về Trung Quốc cho Nga, bao gồm Vô Lượng Hải (Wulianghai), đảo Khố Hiệt (Sakhalin), và Vladivostok (Hải Sâm Uy)— gấp vài chục lần diện tích Đài Loan.
Các kênh truyền thông Hoa ngữ thân Cộng ở hải ngoại bắt đầu ăn mừng thông báo gần đây, nói rằng việc Nga mở cửa Vladivostok cho Trung Quốc là phần được chia mà cuộc chiến tranh Nga-Ukraine mang lại cho ĐCSTQ.
Hôm 16/05, Giáo sư Tống Quốc Thành (Song Guocheng) của Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan (National Chengchi University) nói với The Epoch Times rằng không có gì đáng ăn mừng về việc Trung Quốc có thể sử dụng cảng này, “Ban đầu nó thuộc về quý vị, và hiện giờ họ chỉ cho quý vị sử dụng nó.”
Trao đổi chiến lược trong bối cảnh căng thẳng
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Dương Ninh (Yang Ning) viết trong bài báo của mình cho The Epoch Times rằng: “Ngày hôm nay, Hải Sâm Uy lại trở thành cửa biển của Cát Lâm theo cách này, điều này cho thấy kể từ khi Chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ vào năm 2022, dưới những trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây, sức mạnh của Nga đã bị tổn hại rất lớn, do nước này đã vấp phải những thất bại trong cuộc chiến này và phát triển kinh tế bị chậm lại. Nga đã phải tăng cường hơn nữa hợp tác chính trị, kinh tế, và thậm chí cả quân sự với ĐCSTQ, thậm chí còn đưa ra một số nhượng bộ để mở cửa lãnh thổ của mình, chẳng hạn như biến Vladivostok thành một cảng của ĐCSTQ, để họ có thể giảm bớt áp lực từ cộng đồng quốc tế.”
Ông Dương nói thêm rằng, đối với ĐCSTQ, việc Nga mở cảng Hải Sâm Uy không chỉ tốt cho nền kinh tế Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa đối với các khả năng quân sự của ĐCSTQ.
“Bởi vì một khi ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, phương Tây chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ. Có thể quân đội Hoa Kỳ sẽ cắt đứt nguồn cung cấp cho ĐCSTQ trên các tuyến đường chẳng hạn như qua Eo biển Malacca và kênh đào Suez. Khi đó, các tàu của ĐCSTQ có thể sử dụng Vladivostok để đi tuyến đường Bắc Cực,” ông nói.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi năm 2022, quốc gia này đã bị nhiều nước trong cộng đồng quốc tế trừng phạt, đồng thời việc ĐCSTQ gây hấn với Đài Loan và ở Biển Đông cũng dẫn đến căng thẳng leo thang. Khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng lên đáng kể kể từ đó.
Tháng Ba năm nay, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đến thăm Nga và ký một tuyên bố chung với ông Putin, trong đó cũng đề cập đến sự phát triển và hợp tác khu vực ở “Đông Bắc-Viễn Đông”.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật tại Úc, nói với The Epoch Times hôm 16/05 rằng việc Nga mở cửa cảng Vladivostok cho Trung Quốc và tăng cường thương mại Trung-Nga cho thấy ĐCSTQ luôn ủng hộ Nga ở hậu trường. Cộng đồng quốc tế không nên tưởng tượng rằng ĐCSTQ sẽ ngừng ủng hộ Nga.
“Mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Nga thực sự là một liên minh không giới hạn giữa những tên tội phạm. Người ủng hộ chính đằng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là ĐCSTQ,” ông Viên nói.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với The Epoch Times, ông Viên đã chỉ ra rằng quốc gia đã sáp nhập và chiếm đóng lãnh thổ của Trung Quốc nhiều nhất trong lịch sử chính là Nga.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times