Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang
Tuần trước (10/04-16/04), lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã bất ngờ đến thị sát lực lượng hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông — đúng vào thời điểm Hoa Kỳ và Philippines bắt đầu các cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay.
Hôm 11/04, ông Tập Cận Bình đã đến thị sát lực lượng hải quân của Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ (còn được gọi là Hạm đội Biển Đông) sau khi Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) kết thúc các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan từ ngày 08/04 đến ngày 10/04.
Phân tích của chuyên gia cho thấy rằng mặc dù hành động của ông Tập Cận Bình báo hiệu tham vọng thống trị Biển Đông của ông, nhưng quốc gia có khả năng cản trở nghiêm trọng mục tiêu của ông Tập nhất thực sự sẽ là Việt Nam — nơi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken vừa kết thúc chuyến thăm.
Quyền lãnh thổ
Theo ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Nghiên cứu Công nghiệp và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Loan, cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc thực chất là thể hiện của sự “không hài lòng” đối với liên minh quân sự Hoa Kỳ-Philippines.
Hôm 05/04, Philippines đã tuyên bố bổ sung bốn căn cứ theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Hoa Kỳ, củng cố khả năng của nước này trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và đóng góp cho hoạt động phòng thủ chung trong khu vực này.
Tuy nhiên, ĐCSTQ giải thích hành động này là một nỗ lực làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Nhà phân tích quân sự Kỳ Lạc Nghĩa (Qi Leyi) nói rằng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang tích cực chuẩn bị chiến lược: không nhất thiết phải tham gia vào một cuộc chiến, nhưng phải chiếm thế chủ động để hành động nhanh chóng.
Ông nói rằng cuộc xung đột khu vực giữa chế độ cộng sản này và các nước lân bang xung quanh Biển Đông đã và đang diễn ra thường xuyên.
Lấy Malaysia làm một ví dụ, ông Kỳ nói rằng chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Anwar Ibrahim kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, các tuần duyên hạm của Trung Quốc và Malaysia đã có một cuộc đối đầu ở Biển Đông.
Cuộc xung đột đã diễn ra vào ngày thứ 7 tại ám tiêu Quỳnh Đài (rạn đá ngầm) — còn được gọi là Cụm bãi cạn Luconia (Luconia Breakers) — cách bờ biển Malaysia khoảng 150 km.
Ông Kỳ nói rằng trong số nhiều quốc gia khu vực ở Biển Đông, Việt Nam đang đặt ra sự bất ổn chiến lược lớn nhất cho ĐCSTQ.
Ông nói: “Việt Nam có các tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo: Trung Quốc có 12 chiếc, Việt Nam có 6 chiếc.”
Ông Kỳ giải thích rằng lãnh thổ trải dài từ bắc chí nam trong vùng Biển Đông giàu dầu mỏ này cho phép Việt Nam “cắt đứt toàn bộ Biển Đông từ bất kỳ điểm nào.”
Vịnh Cam Ranh nước sâu của Việt Nam chỉ cách quần đảo Trường Sa đang tranh chấp gay gắt khoảng 280 dặm (450 km) — được tuyên bố chủ quyền bởi Trung Quốc, Đài Loan, và Việt Nam, và một phần bởi Malaysia và Philippines — trong khi Tam Á, điểm cực nam của Trung Quốc, cách xa hơn 620 dặm (997 km) từ các đảo san hô Trường Sa.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times