Lo ngại về an ninh, Philippines sẽ lấy lại quyền kiểm soát công ty điều hành lưới điện có cổ phần của Trung Quốc
Hôm 16/05, Philippines cho biết nước này sẽ lấy lại quyền kiểm soát công ty điều hành lưới điện duy nhất của quốc gia, mà một phần trong đó thuộc sở hữu của Trung Quốc, nếu xét thấy việc này là cần thiết trước những lo ngại an ninh khi Trung Quốc nắm giữ cổ phần trong công ty này.
Thượng nghị sĩ Philippines Raffy Tulfo, chủ tịch Ủy ban Năng lượng Thượng viện, đã thảo luận với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. về tình trạng mất điện mới đây ở nước này và tình hình tại Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP).
Ông Tulfo đã trích dẫn một báo cáo tình báo cho thấy khả năng tiềm ẩn của Trung Quốc là “truy cập từ xa vào lưới điện quốc gia của đất nước và phá hoại hệ thống này.”
Theo hãng thông tấn địa phương GMA News Online, ông cho biết, “Tóm lại, các cổ đông Trung Quốc có thể làm những gì họ muốn khi nói đến hoạt động của NGCP. Đây là lý do tại sao tình hình năng lượng của đất nước chúng ta không ổn định.”
Ông Tulfo tuyên bố rằng các kỹ thuật viên địa phương không thể vận hành các thiết bị nhạy cảm bên trong các trạm của NGCP vì các hướng dẫn vận hành lưới điện là bằng Hoa ngữ.
Thượng nghị sĩ này nói với ông Marcos ý định của ông là nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động và phương diện an ninh của công ty, đặc biệt là “ai thực sự kiểm soát công ty này.”
“[Việc] Trung Quốc sở hữu NGCP đặt ra một mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng khi xét đến xung đột hiện tại giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Tây Philippines,” ông nói, đồng thời đề cập đến Biển Đông đang bị tranh chấp mà chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
Văn phòng Truyền thông của Tổng thống cho biết ông Marcos đã đồng ý với đề xướng của ông Tulfo “để tiến hành một nghiên cứu toàn diện hoặc tổ chức các phiên điều trần để xác định tình hình thực tế” tại công ty điều hành lưới điện này.
Văn phòng này cho biết trong một tuyên bố đăng trên Facebook: “Nếu cần thiết, chính phủ sẽ lấy lại quyền kiểm soát công ty này.”
Hãng thông tấn Philstar đưa tin rằng ông Ronald Dylan Concepcion, thư ký trợ lý của công ty NGCP, đã bác bỏ các cáo buộc của ông Tulfo và nhắc lại rằng “chỉ có người Philippines đang quản lý trạm biến áp này.”
Tập đoàn Lưới điện Quốc gia của Trung Quốc nắm giữ 40% cổ phần trong NGCP, trong khi 60% còn lại thuộc sở hữu của một tập đoàn Philippines. Trước đây các thượng nghị sĩ Philippines đã từng cảnh báo về những tác động của việc Trung Quốc sở hữu lưới điện duy nhất của quốc gia này.
Hồi tháng 11/2019, Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros đã đệ trình một kiến nghị, cho biết Bắc Kinh có thể phá hoại các cuộc bầu cử của Philippines, chặn truy cập Internet, và phá hoại an ninh quốc gia “chỉ bằng việc ngắt một công tắc điện.”
“Hãy tưởng tượng một quốc gia ngoại bang, vốn là một nước xâm phạm và gây hấn ngoan cố trong vùng biển và lãnh thổ của chúng ta, kiểm soát lưới điện quốc gia của chúng ta,” ông Hontiveros cho biết vào thời điểm đó.
Tranh chấp trên Biển Đông
Một phán quyết của trọng tài quốc tế hồi năm 2016 đã vô hiệu hóa tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không thay đổi hành vi của mình sau phán quyết này.
ĐCSTQ đã và đang hành xử hung hăng hơn ở Biển Đông trong những tháng vừa qua, với bằng chứng là sự hiện diện của hơn 100 tàu dân quân Trung Quốc trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines từ ngày 18/04 đến ngày 24/04.
Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết một trong các tàu này của Trung Quốc đã “thực hiện các hành động nguy hiểm” ở một khoảng cách 50 yard (khoảng 46 mét) so với tàu tuần tra của họ, gây ra một “mối đe dọa đáng kể” đối với sự an toàn của thủy thủ đoàn.
Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc ngừng quấy rối các tàu của Philippines ở Biển Đông và cảnh báo rằng bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ, hoặc phi cơ của Philippines sẽ dẫn đến kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa hai bên.
Ông Marcos đã tìm cách củng cố liên minh an ninh quốc gia của mình với Hoa Kỳ. Mới đây nhất, hôm 01/05, hai nước này đã tái khẳng định sự cần thiết cho hòa bình trên Eo biển Đài Loan trong bối cảnh ĐCSTQ có những hành động đe dọa đối với hòn đảo tự trị này.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times