Nhật Bản khởi động hành trình chiến hạm tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Hôm thứ Năm (20/04), Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) đã khai triển hạm đội của mình để bắt đầu hành trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng trước các mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ Trung Quốc cộng sản.
Hoạt động khai triển thường niên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương này sẽ kéo dài đến ngày 17/09, và hạm đội MSDF sẽ cập cảng ở 17 quốc gia, trong đó có các quốc đảo ở Thái Bình Dương như Kiribati, Quần đảo Solomon, Fiji, Palau, và Tonga.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản (pdf), khoảng 1,190 người sẽ tham gia đợt khai triển này, bao gồm một tàu ngầm và ba tàu nổi, trong đó có cả khinh hạm tàng hình đa nhiệm vụ Kumano.
Hạm đội MSDF cũng sẽ tham gia một số cuộc tập trận, bao gồm cuộc tập trận mang tên Đội tiên phong Thái Bình Dương (Pacific Vanguard) — có sự tham gia của Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Nam Hàn — và cuộc tập trận MALABAR do Úc đăng cai tổ chức.
“Trong hai tháng tới, tàu JS Kumano [sẽ] tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân khác và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực để hiện thực hóa khu vực ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở’,” MSDF viết trên Twitter.
20 APR, IPD23 third surface unit, JS KUMANO have left Japan for Indo-Pacific Deployment. During the next two months, JS KUMANO enhance relationship with the other navies and contribute to the peace and stability of the region to realize “Free and Open Indo-Pacific”.#FOIP pic.twitter.com/loPfKZD6vL
— Japan Maritime Self-Defense Force (@jmsdf_pao_eng) April 20, 2023
Nhật Bản đã tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại sự gây hấn về quân sự của Bắc Kinh.
Trong cuộc họp song phương tại Bắc Kinh hôm 02/04, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi đã đề cập đến những lo ngại về “việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Nhật Bản” — đặc biệt là gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền — và sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga.
“Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức và đang ở một giai đoạn then chốt. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều là những cường quốc chịu trách nhiệm quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực và cộng đồng quốc tế,” ông cho hay.
Ông Hayashi cho biết Nhật Bản cũng lo ngại về tình hình ở Biển Đông đang tranh chấp, nơi Bắc Kinh đang thúc đẩy các yêu sách của mình đối với các nước láng giềng bất chấp một phán quyết của Tòa án La Haye phản đối các yêu sách của họ hồi năm 2016, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.
Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản về việc can thiệp vào vấn đề Đài Loan
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) cảnh báo Nhật Bản nên kiềm chế “can thiệp vào vấn đề Đài Loan hoặc phá hoại chủ quyền của Trung Quốc dưới mọi hình thức.”
Ông nói vấn đề Đài Loan “là vấn đề cốt lõi trong các lợi ích then chốt của Trung Quốc.”
Ông Tần Cương tuyên bố rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản để “giải quyết một cách đúng đắn những khác biệt, loại bỏ những trở ngại và giảm bớt các gánh nặng cho các mối quan hệ song phương, đồng thời xây dựng một mối bang giao Trung Quốc-Nhật Bản đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới.”
Hai quốc gia này đã thiết lập một đường dây nóng quân sự trực tiếp để ngăn chặn các cuộc đụng độ trên biển và trên không. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đường dây này sẽ được sử dụng để ứng phó với “những tình huống không lường trước được” và để “xây dựng lòng tin giữa hai nước.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố Đài Loan tự trị dân chủ là một phần lãnh thổ của mình và đã đe dọa sẽ chiếm hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.
Hôm 08/04, Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày xung quanh Đài Loan sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) ở California.
Các cuộc xâm nhập của phi cơ Trung Quốc vào khu vực này vẫn tiếp tục bất chấp thực tế là ĐCSTQ đã tuyên bố kết thúc cuộc tập trận quân sự hôm 10/04.
Quân đội Đài Loan cho biết họ đã phát hiện 18 phi cơ và 4 tàu hải quân Trung Quốc gần hòn đảo hôm 16/04, với 4 phi cơ được phát hiện đi vào phía tây nam và đông nam không phận của Đài Loan.