Liên Hiệp Quốc tìm kiếm những quyền hạn to lớn mới cho các trường hợp khẩn cấp toàn cầu
Các nhà lập pháp và các nhà phê bình đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, nhưng Tòa Bạch Ốc ủng hộ nghị trình này
Một bản tóm lược chính sách mới của Liên Hiệp Quốc đã tiết lộ rằng Liên Hiệp Quốc đang tìm kiếm các quyền hạn to lớn mới và các công cụ “quản trị toàn cầu” mạnh mẽ hơn nhằm ứng phó với các trường hợp khẩn cấp quốc tế như đại dịch và khủng hoảng kinh tế, và chính phủ Tổng thống (TT) Biden dường như ủng hộ đề nghị này.
Kế hoạch tạo ra một “Nền tảng Khẩn cấp,” kéo theo một tập hợp các giao thức được kích hoạt trong các cuộc khủng hoảng mà vốn có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ người, đã thu hút sự quan tâm và chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích của Hoa Kỳ.
Trong số những người bày tỏ lo ngại có Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas). Ông là thành viên của ủy ban giám sát về chính sách ngoại giao cũng như sự tham gia của Hoa Kỳ trong các tổ chức quốc tế này.
Ông McCaul nói với The Epoch Times: “Chúng ta phải bảo đảm rằng bất kỳ giao thức hoặc nền tảng toàn cầu nào do Liên Hiệp Quốc vận hành đều tôn trọng chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ và tiền nộp thuế của người dân Hoa Kỳ.”
Ông cũng bày tỏ sự lo ngại của mình rằng nền tảng được đề xướng này mở rộng thẩm quyền và ngân sách của Liên Hiệp Quốc cũng như các định nghĩa về “tình trạng khẩn cấp” và “khủng hoảng” để tính đến cả những vấn đề như biến đổi khí hậu.
Những tài liệu và tuyên bố từ Liên Hiệp Quốc mà các nhà lãnh đạo hàng đầu của tổ chức toàn cầu này đưa ra hồi tháng Ba cho thấy rõ rằng biến đổi khí hậu là một phần chính trong nghị trình các trường hợp khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc.
Các nhà phê bình khác đã nói chuyện với The Epoch Times và bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nội bộ Liên Hiệp Quốc, các vấn đề tham nhũng có ghi chép rõ ràng của tổ chức toàn cầu này, và lịch sử quản lý các trường hợp khẩn cấp trước đây của họ.
Cựu Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách các Tổ chức Quốc tế Kevin Moley nói với The Epoch Times rằng, “Cho phép Liên Hiệp Quốc giải quyết vấn đề này tương đương với giao cho ĐCSTQ phụ trách về các trường hợp khẩn cấp toàn cầu.”
Tầm nhìn của Liên Hiệp Quốc về ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu
Trong một bản tóm lược chính sách mang tên “Nghị trình Chung của Chúng ta” có nhan đề là “Tăng cường Sự ứng phó của Quốc tế đối với Những tình huống Phức tạp – Một nền tảng Khẩn cấp”, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã đưa ra tầm nhìn của mình về việc trao quyền cho tổ chức toàn cầu này nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
“Những thách thức mà chúng ta gặp phải chỉ có thể được giải quyết thông qua sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn,” ông Guterres tuyên bố, đồng thời kêu gọi “tăng cường quản trị toàn cầu” cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Bản tóm lược chính sách nói trên được xây dựng dựa trên tài liệu “Nghị trình Chung” trước đó và được công bố khi các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc phác thảo những dự định cho một “Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai”, sẽ được tổ chức trong cuộc họp cao cấp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín.
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho biết, nếu được các quốc gia thành viên cho phép, thì các giao thức khẩn cấp toàn cầu này sẽ được “tự động kích hoạt” trong trường hợp xảy ra một khủng hoảng toàn cầu, “bất kể loại hay bản chất của cuộc khủng hoảng có liên quan” này là gì.
Những giao thức này sẽ kết hợp đủ loại tổ chức lại với nhau, gồm các chính phủ quốc gia, các tổ chức quốc tế, và khu vực tư nhân. Tài liệu này tuyên bố, cuối cùng, tất cả mọi người đều sẽ phải công nhận “vai trò chính của các cơ quan liên chính phủ [chẳng hạn như các cơ quan của Liên Hiệp Quốc] trong việc ra quyết định.”
Theo bản tóm lược chính sách này, “Một khi được triệu tập, thì Nền tảng Khẩn cấp sẽ là một công cụ để hệ thống Liên Hiệp Quốc thực hiện các quyết định do các cơ quan hữu quan đưa ra.”
Sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gợi ý rằng chính phủ Tổng thống Biden ủng hộ kế hoạch này.
Phát ngôn viên này nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử về đề nghị nói trên rằng, “Chính phủ đã thể hiện rõ niềm tin chắc chắn rằng nền an ninh quốc gia của Hoa Kỳ sẽ được phục vụ tốt nhất khi tham gia tích cực và toàn diện với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác.”
“Liên Hiệp Quốc chỉ hoạt động hiệu quả, minh bạch, và có trách nhiệm theo yêu cầu của các thành viên tổ chức này, và Hoa Kỳ làm việc không ngừng để bảo đảm Liên Hiệp Quốc đáp ứng những yêu cầu đó.”
Đề nghị kể trên của Liên Hiệp Quốc đã được tiết lộ khi tỷ phú Bill Gates kêu gọi thành lập một “sở cứu hỏa” toàn cầu nhằm giải quyết các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe quốc tế. Ông Gates là một trong những người có tiếng nói nổi bật nhất trong cuộc khủng hoảng COVID-19 và là một nhà tài trợ lớn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như cho các loại vaccine.
Viết trên tờ The New York Times hồi tháng trước (03/2023), ông Gates cho biết “Quân đoàn Khẩn cấp Y tế Toàn cầu” có thể “hành động ngay tức khắc khi nguy hiểm xuất hiện.”
“Quân đoàn Khẩn cấp Y tế Toàn cầu sẽ là tiến triển to lớn hướng tới một tương lai không có đại dịch,” ông Gates viết trong bài bình luận đó. “Vấn đề là liệu chúng ta có tầm nhìn đủ xa để đầu tư vào tương lai đó ngay bây giờ trước khi quá muộn hay không.”
Giao thức khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc
Ông Guterres, người đang yêu cầu các chính phủ chấp thuận kế hoạch của mình vào cuối năm nay, cho biết các rủi ro đang gia tăng và ngày càng trở nên phức tạp hơn.
“Tăng cường hợp tác quốc tế là cách duy nhất để chúng ta có thể ứng phó tương xứng với những tình huống tiêu cực này, và Liên Hiệp Quốc là tổ chức duy nhất có tầm ảnh hưởng và tính hợp pháp để triệu tập ở cấp cao nhất và thúc đẩy hành động toàn cầu,” ông nói. “Chúng ta phải tiếp tục củng cố hệ thống đa phương này để hệ thống này sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai.”
Chính xác thì những gì sẽ tạo nên một trường hợp khẩn cấp mà sẽ kích hoạt phản ứng khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc lại không được làm rõ.
Tuy nhiên, tài liệu này cho biết rằng các cuộc khủng hoảng không có “các hậu quả toàn cầu” sẽ “không nhất thiết” được phân loại là một tình trạng khẩn cấp đòi hỏi phải có sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Nói cách khác, một số cuộc khủng hoảng không gây ra hậu quả toàn cầu có thể kích hoạt phản ứng của Liên Hiệp Quốc.
Báo cáo này đưa ra hai ví dụ về các cuộc khủng hoảng toàn cầu gần đây, xảy ra trong thế kỷ 21 này mà các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc tin rằng đã chứng minh rằng cần có các phản ứng ứng phó toàn cầu phối hợp: đại dịch COVID-19 và cuộc “khủng hoảng chi phí sinh hoạt” năm 2022.
Thay vì cung cấp các chi tiết cụ thể, bản tóm lược chính sách này đưa ra các danh mục và các loại trường hợp khẩn cấp rộng rãi để có thể kích hoạt những giao thức toàn cầu này. Các danh mục đó bao gồm các sự kiện khí hậu hoặc môi trường; suy thoái môi trường; đại dịch; vô tình hoặc cố ý phóng thích các tác nhân sinh học; sự gián đoạn trong dòng hàng hóa, con người, hoặc tài chính; sự gián đoạn trong không gian mạng hoặc “kết nối kỹ thuật số toàn cầu”; một sự kiện lớn ở “ngoài không gian vũ trụ”; và “những rủi ro không lường trước được (các sự kiện ‘thiên nga đen’).”
Thường được trích dẫn xuyên suốt tài liệu này là phản ứng ứng phó toàn cầu đối với COVID-19. Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, vốn nổi tiếng là đã lãnh đạo Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa trước khi đảm nhận chức vụ hiện tại, nói rằng một phản ứng mạnh mẽ hơn và mang tính phối hợp nhiều hơn của Liên Hiệp Quốc sẽ dẫn đến việc nhiều người được chích vaccine COVID-19 hơn.
Những nỗ lực không ngừng của các nhà lãnh đạo WHO nhằm củng cố cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc này bằng một hiệp ước quốc tế mới về đại dịch và những thay đổi đối với Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) đang được quảng bá là các giao thức hành động chính cho các trường hợp khẩn cấp.
Sau khi kích hoạt những giao thức khẩn cấp này, các nhà lãnh đạo chính phủ, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, và các chuyên gia đều sẽ được Liên Hiệp Quốc triệu tập để ứng phó.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ quyết định thời điểm kích hoạt những giao thức này. Bản tóm lược chính sách giải thích rằng ông cũng sẽ xác định tất cả những thành viên tham gia và giám sát những đóng góp của họ cho việc ứng phó đó. Các đóng góp được đề cập trong tài liệu này bao gồm mọi thứ từ việc cung cấp tiền bạc đến thay đổi chính sách của chính phủ.
Nghị trình 2030 là một ưu tiên
Trong số những lý do cho việc hành động nhanh chóng, Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng các trường hợp khẩn cấp quốc tế có thể làm suy yếu tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững trong Nghị trình 2030 gây tranh cãi, được các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc gọi là “bản kế hoạch toàn diện cho nhân loại.”
17 mục tiêu, mà trên thực tế bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc sống và bị các chuyên gia chỉ trích gay gắt, đã được hầu như tất cả các chính phủ quốc gia ký kết hồi năm 2015, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ cựu TT Obama và ĐCSTQ.
Mặc dù Thượng viện Hoa Kỳ chưa phê chuẩn thỏa thuận toàn cầu này như được yêu cầu đối với tất cả các hiệp ước, nhưng dù sao thì thỏa thuận này vẫn đang được thực thi trên toàn thế giới, trong bối cảnh các chính sách trong kinh doanh và chính phủ đều phù hợp với nghị trình này.
“Một khi một tình huống tiêu cực toàn cầu phức tạp xảy ra, thì một phản ứng ứng phó quốc tế kịp thời hơn, có thể dự đoán trước, và hiệu quả hơn có thể có khả năng giảm nhẹ một số tác động đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững và cho phép quá trình phục hồi bắt đầu sớm hơn,” tài liệu này nêu rõ. “Đề nghị chấp thuận các giao thức để triệu tập một Nền tảng Khẩn cấp có mục tiêu là đạt được điều này.”
Động lực cho kế hoạch về các trường hợp khẩn cấp này là một cam kết của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nhằm tăng cường “quản trị toàn cầu” trong lễ kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức toàn cầu này.
Trong số các thành phần khác của quá trình củng cố này — các chính sách giống với phần lớn các chính sách trong “Đại Tái Thiết” do ông Guterres và những người khác, chẳng hạn như ông Klaus Schwab, công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi năm 2020 — có một bản “khế ước xã hội” được gia hạn. WEF là một “đối tác chiến lược” của Liên Hiệp Quốc trong việc thực hiện Nghị trình 2030, đặc biệt là về mặt thu hút khu vực tư nhân tham gia trên toàn cầu.
Kế hoạch ứng phó khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc đã được công bố song song với một báo cáo khác về “Tương lai Chung của Chúng ta” kêu gọi lập một tân “Đặc phái viên cho Các thế hệ Tương lai,” một “Phòng thí nghiệm Tương lai,” thực hiện những thay đổi chính sách mạnh mẽ hướng tới những gì mà Liên Hiệp Quốc gọi là “phát triển bền vững,” và hơn thế nữa.
Báo cáo này kêu gọi thông qua thành luật các chính sách mà các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ bảo tồn hành tinh này trong tương lai, “ở cấp độ toàn cầu, nơi một số quyết định quan trọng nhất đối với nhân loại được đưa ra.”
Các nhà phê bình nói về ĐCSTQ, tham nhũng hủ bại, và COVID
Một mối bận tâm lớn giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ xung quanh đề nghị ứng phó với khủng hoảng này là lực ảnh hưởng mạnh mẽ của ĐCSTQ trong nội bộ Liên Hiệp Quốc — lực ảnh hưởng đã được cảm nhận rõ ràng trong đại dịch — điều mà những người chỉ trích ĐCSTQ cho rằng có thể sẽ còn nguy hiểm hơn trong các tình trạng khẩn cấp toàn cầu trong tương lai.
Ông Moley, người từng giữ các vai trò quan trọng ở cấp độ quốc tế trong chính phủ Hoa Kỳ dưới nhiều thời tổng thống khác nhau, đã bác bỏ kế hoạch này của Liên Hiệp Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times, ông nói rằng: “Kế hoạch này của Liên Hiệp Quốc hoàn toàn trái ngược với những gì mà chúng ta vừa trải qua với đại dịch mới đây nhất, vốn cho thấy lý do tại sao chúng ta nên tái khẳng định chủ quyền, chứ không phải trao thêm chủ quyền đi nhiều hơn nữa.”
Ông Moley, người đã từng giám sát mối quan hệ của Hoa Kỳ với các tổ chức quốc tế trong suốt thời chính phủ cựu TT Trump, từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ trong nội bộ Liên Hiệp Quốc, một quá trình mà ông nói là đã được cả chính phủ cựu TT Obama lẫn chính phủ TT Biden ủng hộ. Ông đã gọi đó là một mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ.
Ông Moley cho hay lực ảnh hưởng mạnh mẽ của ĐCSTQ và các đồng minh chủ yếu là “độc tài” và “dân chủ thân hữu” của họ đối với hệ thống Liên Hiệp Quốc là một mối nguy hiểm lớn khi nói đến các đề xướng trao cho tổ chức toàn cầu này nhiều quyền lực hơn.
Ông nói: “Chừng nào các lợi ích kiểm soát của Liên Hiệp Quốc còn nằm trong tay của ĐCSTQ và được G77 (một liên minh gồm 134 chính phủ trong đó có chính quyền ĐCSTQ) trợ giúp cũng như tiếp tay, thì điều này không thể được cho phép.”
Theo ông Moley, do sự kiểm soát rõ ràng của ĐCSTQ đối với các cơ quan chủ chốt của Liên Hiệp Quốc và thậm chí cả lực ảnh hưởng mạnh mẽ của họ đối với hầu hết các quốc gia thành viên, nên việc chấp thuận kế hoạch giao thức khẩn cấp đó sẽ tương đương với việc đặt chế độ cộng sản này vào vai trò phụ trách các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Ông cho rằng, cân nhắc đến việc ĐCSTQ là một “băng đảng tội phạm” hơn là một chính phủ và xét thực tế là các đặc vụ của họ hiện đang thống trị các cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc, đây là một “công thức dẫn đến thảm họa.”
“Chúng ta cần xem xét bất cứ thứ gì do Liên Hiệp Quốc đề ra với mức độ hoài nghi lớn. Nhưng thật không may, Bộ Ngoại giao của chúng ta — đặc biệt là ở thời điểm hiện tại — không xem xét cơ quan này một cách ngờ vực. Thay vào đó, họ lại xem xét Hoa Kỳ một cách ngờ vực.”
Thay vì làm theo kế hoạch của Liên Hiệp Quốc, ông Moley kêu gọi cải tổ hoàn toàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
“Bộ này cần phải được dỡ bỏ đến tận tầng dưới cùng,” ông nói, khi đề cập đến sự cản trở từ các quan chức trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump.
Ông nói: “Chừng nào Bộ Ngoại giao vẫn giữ nguyên cấu trúc như hiện tại, thì chúng ta sẽ không có các nhà ngoại giao phát ngôn cho nước Mỹ, mà thay vào đó là cho [nhà tài phiệt tỷ phú George] Soros [và cho Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations) của ông ta], cho chủ nghĩa toàn cầu, và tất cả những gì làm suy yếu chủ quyền của Mỹ.”
Một nhà phê bình khác, luật sư quốc tế Peter Gallo — người từng là điều tra viên nội bộ của Liên Hiệp Quốc nhưng sau này trở thành một người tố cáo — đã lưu ý về lịch sử lâu dài của tổ chức này trong việc tham nhũng, chính trị hóa, và các vụ bê bối, trong đó có cả các trường hợp viện trợ nhân đạo bị chuyển hướng hoặc thậm chí bị vũ khí hóa cho các mục đích chính trị.
Tuy nhiên, điều đáng báo động hơn là hành vi mà ông Gallo mô tả là “việc bóc lột tình dục và buôn người đối với các nạn nhân của những thảm họa như vậy.”
“Nhân viên Liên Hiệp Quốc có một lịch sử nghiêm trọng về việc chính bản thân họ tham gia vào hoạt động bóc lột đó — và tổ chức này có một lịch sử đáng xấu hổ về việc che đậy các cáo buộc về hành vi tình dục sai trái thay vì điều tra những cáo buộc này một cách thích đáng,” ông Gallo cho hay.
Sử dụng dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, ông Gallo và các cựu quan chức Liên Hiệp Quốc khác ước tính rằng hơn 60,000 phụ nữ và trẻ em đã bị nhân viên Liên Hiệp Quốc cưỡng gian và lạm dụng tình dục trong nhiệm kỳ kéo dài một thập niên của ông Ban Ki-moon, tổng thư ký tiền nhiệm. Ông Gallo cho biết ông tin rằng đó là một “ước tính rất khiêm tốn.”
“Không có bằng chứng nào cho thấy bất cứ phương diện nào trở nên tốt đẹp hơn dưới thời ông António Guterres,” ông Gallo cho biết thêm, khi đề cập đến việc các thủ phạm không bị trừng phạt nhưng những người tố cáo Liên Hiệp Quốc thì lại bị tấn công khi họ cố gắng ngăn chặn hành vi này.
Xét đến tất cả những việc đó, ông Gallo cho rằng thật là sai lầm khi các chính phủ cân nhắc việc tin tưởng trao cho Liên Hiệp Quốc nhiều quyền lực hơn nữa để giám sát các phản ứng khẩn cấp.
Các tuyên bố gây tranh cãi
Trong khi đó, ký giả điều tra và là chuyên gia của WHO James Roguski đã chỉ trích Liên Hiệp Quốc và bác bỏ nhiều tuyên bố được đưa ra trong bản tóm lược chính sách của tổ chức này về các giao thức khẩn cấp.
Chẳng hạn, ông Roguski đã chế nhạo ẩn ý cho rằng người Phi Châu đã chịu tổn thất do không nhận đủ vaccine COVID-19 từ phương Tây.
“Trên thực tế, số ca tử vong trên dân số do COVID ở Bắc và Nam Mỹ và châu Âu cao gấp 16 lần so với châu Phi,” ông nói với The Epoch Times, trích dẫn dữ liệu của WHO trong khi gọi các tuyên bố của Liên Hiệp Quốc là một “lời nói dối trắng trợn.” Ông Roguski đã trở nên nổi tiếng trên toàn quốc nhờ đưa tin về các kế hoạch của WHO nhằm củng cố quyền lực đối với các vấn đề sức khỏe toàn cầu.
Ông nói: “Theo ý kiến nhỏ bé của tôi, các tổ chức theo chủ nghĩa toàn cầu đã không học được nhiều bài học rất quan trọng trong hơn ba năm qua.”
Chỉ ra những chính sách COVID-19 do WHO và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc thúc đẩy mà ông cho là gây bất lợi và, trong một số trường hợp, là “hiển nhiên có hại và gây tử vong,” ông Roguski kêu gọi một cách tiếp cận khác.
Ông nói: “Họ đã không học được rằng kiểm soát tập trung còn tệ hơn nhiều so với các phương pháp điều trị sức khỏe sáng tạo và được thiết kế cho mỗi cá nhân vốn đã cứu sống hàng chục ngàn người.”
“Chúng ta với tư cách là Những Người Dân cần phản đối sự thúc đẩy không ngừng đối với sự kiểm soát tập trung, quan liêu mà những người theo chủ nghĩa toàn cầu đề ra như một giải pháp cho các vấn đề của thế giới. Chúng ta cần phải đứng lên và lên tiếng ủng hộ các quyền tự do cá nhân và chủ quyền quốc gia.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times