Các học viên Pháp Luân Công biểu tình vì nhân quyền bên ngoài Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp hôm 19/09 tại New York, nơi mà những người biểu tình tại tòa nhà Dag Hammarskjold Plaza đã kêu gọi các nguyên thủ quốc gia lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì những vi phạm nhân quyền của đảng này.
Năm 2020, Trung Quốc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bất chấp hồ sơ vi phạm nhân quyền của nước này đối với các tộc người thiểu số và tín đồ tôn giáo.
Một đám đông các học viên Pháp Luân Công giương cao các biểu ngữ lên án hành vi thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ—sát hại các tù nhân lương tâm để cưỡng bức thu hoạch nội tạng của họ và bán nội tạng để thu lợi—cùng các tấm biển ghi nhận phong trào “thoái đảng” hay “tuidang” toàn cầu đã chứng kiến hơn 419 triệu người thoái xuất khỏi ĐCSTQ, và phát các cuốn sách nhỏ giảng chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc bức hại.
Được giới thiệu ra công chúng vào đầu những năm 1990, Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã lan truyền nhanh chóng qua truyền miệng. Môn tu luyện này dạy các học viên tuân theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, song song với việc thực hành năm bài công pháp. Các ước tính chính thức đưa ra con số người theo học là từ 70 triệu đến 100 triệu trước khi ĐCSTQ, do người đứng đầu đảng lúc đó là ông Giang Trạch Dân lãnh đạo, vào năm 1999 đã phát động chiến dịch đàn áp nhằm “tiêu diệt” Pháp Luân Công. ĐCSTQ ban đầu ủng hộ môn tu luyện này nhưng cuối cùng lại coi sự phổ biến của môn tu luyện này là không thể chấp nhận được, và coi đó là mối đe dọa đối với quyền kiểm soát của chính quyền này đối với xã hội.
Cuộc đàn áp bắt đầu năm 1999 vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
‘Đứng về phía công lý’
Bà Vưu Linh (You Ling), một học viên Pháp Luân Công, nói với The Epoch Times rằng chồng bà đã bị kết án 8 năm tù sau khi bị bắt giữ bất hợp pháp vào ngày 23/04/2021.
“Tôi đến Liên Hiệp Quốc để vạch trần việc bức hại chồng tôi với thế giới,” bà Vưu, người biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc, cho biết. “Chồng tôi tu luyện Pháp Luân Công và tin vào chân, thiện, và nhẫn. Điều đó không có gì sai trái, nhưng anh ấy đã bị kết án 8 năm tù.”
“Tôi sẽ vẫn tiếp tục tranh đấu. Tôi hy vọng rằng những người tham dự cuộc họp của Liên Hiệp Quốc sẽ nhìn ra chân tướng và đứng về phía công lý và lương tâm, ủng hộ Pháp Luân Công, và ủng hộ các học viên Pháp Luân Công trong cuộc chiến chống lại đàn áp,” bà nói. “Điều này không chỉ vì chồng tôi mà còn vì công lý.”
Theo Minghui, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc đàn áp Pháp Luân Công, thì các công dân từ 14 tuổi đến 88 tuổi đã bị giam giữ bất hợp pháp. Theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền, các tù nhân lương tâm sau đó thường xuyên bị cưỡng bức lao động, tra tấn, và buộc phải xét nghiệm y tế để xác định xem họ có phù hợp với bệnh nhân ghép tạng hay không.
Cả gia đình bị bức hại
Bà Tề Mỹ Anh (Qi Meiying), một học viên Pháp Luân Công đến từ Trung Quốc, cho biết bà đã không hiểu tự do là như thế nào cho đến khi bà tới Hoa Kỳ thời gian gần đây.
Bà Tề, người đã bị cầm tù ba năm, kể từ khi con gái bà mới 2 tuổi, kể rằng, “Trước năm 1999, 11 thành viên trong gia đình tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Chúng tôi biết được ý nghĩa của việc làm người tốt. Sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng tôi được cải thiện, và chúng tôi thấy hạnh phúc. Nhưng sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, cả gia đình chúng tôi đều trở thành mục tiêu. Hôm nay một người thân sẽ bị bắt, ngày mai thì một người khác—tất cả họ đều bị giam giữ bất hợp pháp. Năm 2000, mẹ tôi, bà tôi, và chồng tôi đều bị bỏ tù ba năm.”
Bà kể với The Epoch Times: “Tôi bị biệt giam mà không được thấy ánh sáng trong bảy ngày liên tục.”
Bà nói rằng sau nhiều năm chịu đựng căng thẳng của hoàn cảnh sống ở Trung Quốc, bà của bà Tề đã qua đời. Chị gái của bà, sau khi bị giam giữ, cũng đã qua đời.
Bà nói: “Chúng tôi muốn các chính phủ quốc tế biết về những gì ĐCSTQ đang làm với các học viên Pháp Luân Công.”
“Để có thể đến Mỹ quốc và đứng ở đây ngày hôm nay, tôi khẩn nài các chính phủ trên thế giới hãy hiểu những gì Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm đối với những người theo học Pháp Luân Công, cuộc đàn áp mà họ vẫn tiếp tục, và những gì người dân Trung Quốc phải chịu đựng, tất cả những người vẫn đang bị giam giữ, bị bức hại, và bị chia cắt khỏi gia đình họ,” bà nói. “Chúng tôi không làm gì sai cả.”
Anh Zhang Mingyu cho biết anh đã không gặp cha mình kể từ khi ông bị chính quyền Trung Quốc giam giữ cách đây 4 năm.
Anh nói: “Tôi hy vọng các nguyên thủ quốc gia nhóm họp trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có thể chú ý hơn đến các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công.”
“Tôi hy vọng họ sẽ cầu khẩn ĐCSTQ thả tất cả các học viên bị giam giữ bất hợp pháp, giống như cha tôi, để họ có thể về nhà.”
24 năm đàn áp
Ông Ren Soroush, một cư dân New York, cho biết ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công hồi năm 2010, và môn tu luyện này “đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi, thay đổi cuộc đời tôi,” và ông trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc.
Nhưng sau nhiều năm tu luyện, ông Soroush, người gốc Iran, biết được rằng chính phủ Iran đã nhượng bộ trước các yêu cầu của ĐCSTQ bằng cách cấm Pháp Luân Công và bắt giữ các học viên vì không từ bỏ đức tin của họ.
“Chúng tôi ở đây để nói với mọi người trên khắp thế giới rằng cuộc bức hại này tàn khốc như thế nào,” ông nói. “Những người vô tội tin vào chân, thiện, nhẫn đang phải chịu cuộc bức hại nghiêm trọng này trong nhiều năm, kể từ năm 1999 cho đến nay—24 năm.”
Ở Trung Quốc và Iran, ông cho biết người dân không thể lên tiếng một cách công khai về cuộc đàn áp này, vì vậy những người ở bên ngoài, ở trong các xã hội tự do, phải lên tiếng.
Bản tin có sự đóng góp của NTD
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times