Chuyên gia: ĐCSTQ sẽ đánh đổi sự thịnh vượng của Trung Quốc cho quyền bá chủ địa chính trị toàn cầu
Chuyên gia cho biết sự giàu có của Trung Quốc chỉ là ‘phương tiện để đạt được mục đích’
Theo ông Jon Pelson, cựu giám đốc tích hợp của British Telecom và là tác giả của cuốn sách ‘Wireless Wars’ (Chiến tranh Không dây), thì trong cuộc tìm kiếm quyền bá chủ toàn cầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không ngại mạo hiểm với sự giàu có mà người dân Trung Quốc đã tích lũy được trong vài thập niên qua.
Ông Pelson nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Trung Quốc Tiêu Điểm” của NTD hôm 09/03: “Chủ tịch Tập sẽ từ bỏ sự giàu có và mức sống của đất nước mình nếu ông ấy có thể đánh đổi điều ấy để lấy quyền kiểm soát địa chính trị đối với phần còn lại của thế giới. Nếu ông ấy có thể xuất cảng chủ nghĩa tập thể của mình, điều mà ông ấy nói là con đường cho phần còn lại của thế giới.”
Chính phủ ĐCSTQ đặt mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 ở mức thấp nhất trong nhiều năm trong hai cuộc họp thường niên — gọi là Lưỡng Hội, hay “Hai kỳ họp” — bắt đầu hôm 04/03 và dự kiến kết thúc vào ngày thứ Hai (13/03).
Trong các cuộc họp — có sự tham gia của đoàn đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), hay quốc hội danh trên nghĩa của Trung Quốc, và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một cơ quan cố vấn chính trị — tăng trưởng kinh tế (GDP) của Trung Quốc đã được đặt mục tiêu ở mức khoảng 5%, thấp hơn những gì các nhà quan sát bên ngoài Trung Quốc đã mong đợi.
Ông Pelson cho rằng trong một trật tự quốc tế tự do và dựa trên luật lệ, mỗi quốc gia đều cố gắng gia tăng của cải và nâng cao mức sống trên con đường đạt được các chỉ số phát triển khác nhau, chẳng hạn như tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn, cải thiện chăm sóc sức khỏe, và giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc không ôm giữ quan điểm tự do về thế giới.
Ông Pelson nói, “Đó là một trò chơi bá quyền, họ đang tìm kiếm sức mạnh và ảnh hưởng địa chính trị. Tôi không muốn nói rằng họ không quan tâm đến sự thịnh vượng của đất nước — đó là một công cụ hữu ích. Nhưng đó chỉ là một phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng thôi.”
Ông nói rằng ngay cả khi một số người chỉ trích toàn cầu hóa và thương mại thế giới, thì đó là một thể chế quan trọng vì nó thúc đẩy sự hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau, do đó giúp ngăn chặn chiến tranh. Nghị trình địa chính trị của ĐCSTQ giải thích cho sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc và việc coi thường các chuẩn mực hòa bình quốc tế.
Ông Pelson nói, “Nếu sự phụ thuộc lẫn nhau của quý vị tăng lên với các quốc gia khác, thì quý vị sẽ ít có khả năng tham gia chiến tranh. Quý vị sẽ không đánh bom một nhà máy sản xuất insulin cho đất nước của quý vị. Quý vị sẽ không cho nổ tung một nhà máy thép nếu đó là nơi quý vị đóng tàu của mình. Và do đó, điều này tạo ra hòa bình giữa các quốc gia.”
Các nhà đầu tư vỡ mộng
Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm, trong tuần từ 06-12/03, nhà cầm quyền này đã thông báo tăng 7% chi tiêu quân sự, mức chi tiêu cao thứ hai trong năm năm. Các danh mục đầu tư kinh tế hàng đầu cũng đang được phân bổ cho các cán bộ trung thành với nhà lãnh đạo ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình, nhưng ít liên quan đến ngoại quốc. Họ đang thay thế một thế hệ cũ mà phương Tây coi là những người theo chủ nghĩa cải tổ.
Theo ông Pelson, tất cả những diễn biến này đang khiến các nhà đầu tư ngoại quốc có sự ngờ vực ngày càng tăng đối với Trung Quốc, và nhiều công ty không muốn tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc.
Ông cho biết các cơ quan quản lý Trung Quốc không thể cung cấp tính có thể dự đoán được mà các nhà đầu tư cần và quan trọng là tính minh bạch về việc ra quyết định của các cơ quan quản lý mà họ đòi hỏi.
Ông Pelson nói, “Các nhà quản lý ở bất kỳ thị trường nào… mặc dù họ phải theo dõi các nhà đầu tư và các công ty đang hoạt động trên thị trường của họ, nhưng họ cũng phải nhạy cảm với những yêu cầu và nhu cầu và mong đợi của những người tham gia thị trường ấy, nếu không thì các nhà quản lý sẽ làm hỏng các thị trường của chính họ.”
Ông nói: “Trong một xã hội tự do, các cơ quan quản lý có trách nhiệm giải trình cao.”
Ông Pelson nói, “Ở Trung Quốc, quý vị có những nhà cai trị chính phủ — tôi không muốn gọi họ là những người lãnh đạo, nhưng quý vị có những nhà cai trị ở đó, những người không quen với ý tưởng rằng, nếu họ làm sai điều gì đó, thì họ có thể bị sa thải. Và họ có thể bị chính công dân của họ, các công ty và nhà đầu tư của họ đuổi việc.”
“Vì vậy, ý tưởng lo lắng về việc liệu họ có gây ra thiệt hại và hậu quả hay không là một ý tưởng xa lạ. Và quý vị đang thấy điều đó với một số quyết định mà nhóm quyền lực thân cận này đang đưa ra ngay bây giờ.”
Đầu tư chuyển ra ngoài
Năm 2022 là năm tệ thứ hai đối với nền kinh tế Trung Quốc, ít nhất là kể từ những năm 1970 — tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đã liên tục giảm theo từng quý kể từ năm 2010, từ 12.2% trong quý đầu tiên của năm 2010 xuống còn 6% trong quý 4/2019.
Từ năm 2021 đến năm 2023, “Báo cáo Công tác Chính phủ” do ĐCSTQ ban hành đã đặt ra các mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần, theo thứ tự lần lượt là 6%, 5,5%, và 5%.”
Ông Pelson nói rằng hậu quả của tất cả những điều này là các khoản đầu tư ngày càng có khả năng bị rút khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước khác như Ấn Độ, Việt Nam, và Philippines.
Ông nói, “Ấn Độ cuối cùng cũng nhận ra cơ hội này. Quý vị có một quốc gia đông dân hơn Trung Quốc. Họ có dân số nói tiếng Anh, có trình độ học vấn, điều này có thể không quan trọng đối với mọi người trên thế giới, nhưng chắc chắn là [quan trọng] đối với các nhà đầu tư Mỹ. Và tiếng Anh thực sự vẫn là ngôn ngữ kinh doanh của thế giới.”
Theo ông Pelson, vẫn còn rất nhiều người Ấn Độ chưa gia nhập giai tầng trung lưu của đất nước dân chủ này và họ muốn có việc làm trong ngành điện tử, các nhà máy lắp ráp, hoặc các ngành công nghiệp — những cơ hội gắn liền với những bước đầu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại.
Bản tin có sự đóng góp của Alex Wu
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times