Rời khỏi Trung Quốc
Các công ty Mỹ và châu Âu đang rút khỏi Trung Quốc
Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình và những người khác trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường tự gắn mình với nền văn hóa trứ danh của Trung Hoa về đức tính kiên nhẫn và tầm nhìn xa trông rộng trong việc đối nhân xử thế. Nhưng nếu danh tiếng của nền văn hóa đó là xác thực, thì những tuyên bố của Bắc Kinh lại là sai lầm. Rất ít trong số những gì mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang làm — hẳn nhiên là trong lĩnh vực kinh tế — minh họa được cho tính kiên nhẫn hoặc tầm nhìn dài hạn.
Trái lại, họ đã thể hiện sự thiếu kiên nhẫn gần như của tuổi vị thành niên khi viện đến mọi đòn bẩy quyền lực theo cách nhanh nhất có thể. Và hơn thế nữa, cách hành xử khá phi Trung Hoa này đã bắt đầu làm suy yếu nền tảng kinh tế cho quyền lực của họ.
Không phải tất cả các vấn đề của Trung Quốc đều có liên quan đến sự thiếu kiên nhẫn trong việc vận dụng quyền lực. Một số là bắt nguồn từ kết quả tự nhiên của sự phát triển kinh tế. Khi Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào cuối những năm 1970, thì khả năng của Trung Quốc trong việc cung cấp cho các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản một lực lượng lao động có kỷ luật, được giáo dục tốt, và không tốn kém là một tài sản lớn. Thậm chí vào cuối năm 2000, khi Trung Quốc lần đầu tiên gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức lương trung bình hàng năm của họ chỉ bằng hơn 3% mức lương tương đương của Mỹ. Nguồn lao động giá rẻ đó đã mang lại hàng tỷ bạc đầu tư từ phương Tây và Nhật Bản, mang lại thu nhập và cơ hội cho nền kinh tế Trung Quốc.
Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, thì tiền lương của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn rất nhiều so với các nước phát triển còn lại, vì vậy đến năm 2021, năm gần đây nhất có dữ liệu đầy đủ cho cả năm, thì mức lương trung bình của Trung Quốc đã chiếm gần một phần ba mức lương tương đương của Mỹ — vẫn còn một khoảng cách lớn nhưng không sao sánh nổi với mức thấp trước kia và cũng không hấp dẫn được đến độ như vậy.
Nhưng bên cạnh diễn biến phát triển không thể tránh khỏi này là một số chính sách thiếu cân nhắc của Bắc Kinh. Ví dụ, trong đại dịch COVID, Bắc Kinh đã chặn các mặt hàng xuất cảng quan trọng sang phần còn lại của thế giới, chẳng hạn như khẩu trang y tế. Tất cả mọi người đều có thể hiểu mong muốn của Bắc Kinh về việc cung cấp nguồn cung ứng cho dân số của chính họ, nhưng dù sao thì hành động này cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản đánh giá lại độ tin cậy của nguồn cung ứng Trung Quốc. Sau trải nghiệm đó, việc phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt theo chính sách zero COVID của Bắc Kinh đã củng cố những câu hỏi về độ tin cậy đó.
Với việc mất đi hai điểm hấp dẫn này — lao động rẻ và sự tin cậy — các doanh nghiệp phương Tây và Nhật Bản đã thấy lý do để lo lắng nhiều hơn trước đây về các đặc điểm kém hấp dẫn khác của việc kinh doanh tại Trung Quốc. Ví dụ, Bắc Kinh khẳng định rằng bất kỳ công ty nào kinh doanh tại Trung Quốc đều phải chia sẻ bí mật công nghệ và thương mại của mình cho một đối tác Trung Quốc. Nếu như thế vẫn là chưa đủ, thì nhà cầm quyền này còn thường xuyên đánh cắp tài sản trí tuệ đã được cấp bằng sáng chế và bản quyền từ các công ty có trụ sở ở ngoại quốc.
Khi Trung Quốc còn yếu và có những lợi thế hấp dẫn khác, thì hầu hết các doanh nghiệp ngoại quốc và chính phủ của họ có thể bỏ qua những hành vi đáng ghét như vậy. Nhưng khi Trung Quốc đã phát triển và mất đi những điểm hấp dẫn khác, thì việc bỏ qua những hành vi như vậy trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi Bắc Kinh, bất chấp những lời phàn nàn của quốc tế, không có dấu hiệu sẽ cải sửa những hành vi đó.
Và sau đó còn có các hành vi bắt nạt và trả đũa mà Bắc Kinh đang ngày càng không chịu từ bỏ. Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông và Biển Hoa Đông bất chấp các tuyên bố chủ quyền hợp pháp của Nhật Bản và Philippines. Bắc Kinh đã phớt lờ những phán quyết của các tòa án quốc tế. Nhà cầm quyền này đã thường xuyên đe dọa có hành động quân sự chống lại Đài Loan. Giới chức Trung Quốc đã sử dụng cả các biện pháp chính thức và không chính thức để trả đũa các nhóm kinh doanh của Nam Hàn khi chính phủ nước này lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD. Các quan chức này cũng đã cắt giảm doanh số bán rượu vang Úc để trừng phạt Canberra chỉ vì đặt nghi vấn về nguồn gốc COVID-19. Bắc Kinh đã thực hiện các hành động tương tự đối với công ty Ericsson của Thụy Điển, các siêu thị Lotte của Nam Hàn, và tất cả các cơ sở sản xuất của Lithuania chỉ đơn giản vì giao thương với Đài Loan.
Và nếu những hành động như vậy là chưa đủ để khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về những rủi ro khi tiếp cận Trung Quốc, thì xu hướng phản ứng của các chính phủ ở Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản đối với những hành vi bắt nạt như vậy và các tác nhân gây khó chịu lâu dài khác đã đang khiến các doanh nghiệp lo lắng về việc bị mắc kẹt giữa các tranh chấp ngoại giao.
Các cuộc khảo sát cũng như các bài bình luận kinh doanh gần đây của phương Tây cho thấy thái độ đang thay đổi. Một cuộc thăm dò được thực hiện hồi tháng Sáu năm ngoái bởi Phòng Thương mại Âu Châu tại Trung Quốc lưu ý rằng một phần tư số thành viên hiện đang hoạt động tại Trung Quốc đang cân nhắc đóng cửa và chuyển hoạt động của họ sang nơi khác. Một nửa phàn nàn rằng việc kinh doanh ở Trung Quốc đã trở nên quá chính trị hóa. Những phản ứng này tương phản rõ rệt với thái độ trước đó. Gần đó nhất, vào năm 2019, một cuộc thăm dò tương tự đã cho thấy phản ứng nhiệt tình rộng rãi về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc.
Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) Tony Danker cũng cho thấy cách nghĩ mới trong những nhận xét của mình. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông tuyên bố rằng mọi công ty mà ông từng nói chuyện đều đang xem xét thay đổi trọng tâm Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của họ.
Bà Bettina Schoen-Behanzin, phó chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu, lưu ý rằng “điều duy nhất có thể dự đoán được về Trung Quốc là tính không thể lường trước được, và điều đó có hại cho môi trường kinh doanh.”
Công ty bảo hiểm Anh-Mỹ Willis Towers Watson báo cáo rằng 95% các công ty đa quốc gia lo ngại về rủi ro khi kinh doanh tại Trung Quốc, tăng từ mức 62% ghi nhận được từ chỉ hai năm trước đây.
Một số công ty nổi tiếng đã bắt đầu chuyển đi hoặc đang nghiêm túc xem xét làm như vậy. Apple đã lên lịch sản xuất AirPod Pro 2 ở Việt Nam chứ không phải tại Trung Quốc. Samsung đang đưa ra các quyết định tương tự liên quan đến việc sản xuất tại Trung Quốc. Volvo đã từ chối Trung Quốc cho một lựa chọn nhà máy mới và sẽ xây dựng nhà máy này ở Slovakia. Adidas và các nhà sản xuất giày và quần áo khác đã rời khỏi Trung Quốc từ lâu để đến Việt Nam và các địa điểm khác. Các công ty Nhật Bản đã bắt đầu đưa một số dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc trở về nước. Và danh sách này còn lâu mới hết.
Bất chấp tất cả những cuộc di dời này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn chiếm ưu thế. Quốc gia này chỉ đơn giản là quá lớn và quá quan trọng. Nhưng sự tách rời mà Hoa Thịnh Đốn không ngừng tuyên bố rõ ràng đã bắt đầu, đáng chú ý là do chủ yếu là các lý do thị trường chứ không phải do sự ép buộc của Hoa Kỳ hoặc bất kỳ chính phủ phương Tây nào khác.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times