Tân Thủ tướng Trung Quốc nhắc lại chính sách ‘mở cửa’, cộng đồng quốc tế hoài nghi
Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nhắc lại chính sách “cải cách và mở cửa” mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền tại Diễn đàn Bác Ngao cách đây vài ngày. Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng chính sách căn bản và tình hình kinh tế của ĐCSTQ sẽ không chứng kiến những thay đổi đáng kể chừng nào ĐCSTQ còn tồn tại, bất chấp sự thay đổi trong giọng điệu của ban lãnh đạo.
Ông Lý Cường (Li Qiang) đã có một bài diễn văn quan trọng tại Diễn đàn Bác Ngao — cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Á được tổ chức tại Trung Quốc hôm 30/03 — trong đó ông nói: “Dù trên thế giới có xảy ra điều gì, thì chúng tôi vẫn sẽ luôn tuân thủ cải cách và mở cửa.”
Ông cũng tuyên bố rằng các biện pháp mới sẽ được đưa ra để mở rộng khả năng tiếp cận, tối ưu hóa môi trường kinh doanh, và bảo đảm việc thực hiện dự án, để tất cả các quốc gia trên thế giới có thể chia sẻ “lợi tức” từ sự phát triển của Trung Quốc.
Trước sự kiện này, các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ gần đây đã lặp lại luận điệu tương tự, hứa hẹn với các nhà đầu tư ngoại quốc rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ chính sách mở cửa và sẽ tiếp tục cắt giảm thuế quan.
Tuy nhiên, trên thực tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp mạnh tay đối với hoạt động của các công ty ngoại quốc tại Trung Quốc.
Chính quyền này đã đình chỉ chi nhánh của Deloitte tại Bắc Kinh trong ba tháng vào giữa tháng Ba và áp đặt các khoản tiền phạt rất lớn. Sau đó, vào cuối tháng Ba, họ đột kích vào một công ty điều tra của Mỹ ở Thượng Hải và bắt giữ năm nhân viên, cũng như giam giữ một nhân viên tại văn phòng Bắc Kinh của một công ty Nhật Bản.
Trong 30 năm qua, ĐCSTQ đã thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa” của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, thu hút một lượng lớn đầu tư ngoại quốc, đồng thời mang lại cho các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc nhiều quyền tự chủ hơn. Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc và nguồn tài chính của ĐCSTQ phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã đàn áp khu vực tư nhân và bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài, điều mà nhiều nhà quan sát cho là “đang đi thụt lùi”.
Trong ba năm qua, dưới các biện pháp kiểm soát và chính sách “zero COVID” hà khắc của ĐCSTQ, nền kinh tế Trung Quốc đã bị suy thoái nghiêm trọng và chứng kiến các công ty ngoại quốc di dời dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc sang các nước khác. Cuộc đàn áp của chính quyền này đối với các đại công ty tư nhân công nghệ cao trong những năm gần đây cũng gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Trung Quốc.
Các nhà quan sát tin rằng sự thay đổi giọng điệu của ĐCSTQ trong những tháng gần đây chỉ là nhất thời, chứ không phải là sự thay đổi trong lập trường và chính sách căn bản của chính quyền này đối với các công ty ngoại quốc và khu vực tư nhân.
‘Ẩn mình chờ thời’
Ông Lý Thiểu Dân (Li Shaomin), một giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Old Dominion ở Virginia, nói với The Epoch Times hôm 30/03 rằng bất kỳ thay đổi nào trong luận điệu của ĐCSTQ đều chỉ nhằm một mục tiêu — “duy trì chế độ độc tài độc đảng mãi mãi, mọi thứ khác đều là thứ yếu.”
Ông Lý nói: “Trong thời đại của ông Đặng Tiểu Bình, khi nền kinh tế Trung Quốc còn yếu kém, nhà cầm quyền cộng sản đã thay đổi chính sách nhằm thu hút vốn ngoại quốc và áp dụng các biện pháp tư bản chủ nghĩa để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, như ông Đặng đã nói là phải ‘thao quang dưỡng hối’ (nghĩa là phải ẩn mình chờ thời cơ đến, không được khoe khoang). Điều đó không có nghĩa là khi ĐCSTQ lớn mạnh, họ sẽ không tước đoạt của cải của các nhà tư bản hay thách thức Hoa Kỳ.”
Ông Lý nói rằng trong thời của ông Tập Cận Bình, ông ta đã tính toán sai lầm rằng “nền kinh tế Trung Quốc đã đủ mạnh để cạnh tranh với Hoa Kỳ.” Ông Tập cảm thấy đã đến lúc để “tước đoạt gia tài của các nhà tư bản Trung Quốc và thách thức Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung xảy ra trong những năm gần đây đã khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề.
“Giờ đây, ĐCSTQ đã vội vàng thể hiện sự ưu ái đối với các công ty tư nhân và công ty ngoại quốc. Đây không phải là một sự thay đổi căn bản, mà là một sự điều chỉnh chiến lược tạm thời” cho đến khi nền kinh tế Trung Quốc lấy lại được sức mạnh, ông Lý nói.
Ông Diệp Diệu Nguyên (Ye Yaoyuan), giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas ở Texas, nói với The Epoch Times hôm 30/03 rằng hiện tại, mọi việc mà tân thủ tướng làm đều là theo ý chỉ của ông Tập.
“Ông Lý Cường chỉ sử dụng các từ như ‘cải cách và mở cửa’ để cố gắng kích thích nền kinh tế. Nhưng ý nghĩa thực sự đằng sau cụm từ này có thể khác với ý nghĩa của cải cách và mở cửa được nghe vào những năm 1980 hoặc 1990.”
Ông Diệp nói thêm rằng mặc dù ông Lý Cường nói về cải cách và mở cửa, nhưng trên thực tế, chế độ này vẫn đang thực hiện chính sách “thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước và đẩy lùi khu vực tư nhân” (hay ‘quốc tiến dân thoái’) của ông Tập Cận Bình.
Ông Diệp nói: “Sau cuộc họp chính trị Lưỡng Hội hàng đầu của ĐCSTQ hồi tháng Ba, trên thực tế, hầu hết các công ty tư nhân đã bị quốc hữu hóa ở một mức độ nhất định; nghĩa là ĐCSTQ đã len lỏi vào các công ty tư nhân.”
Jack Ma
Tuần trước, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đã tách thành các công ty nhỏ. Người sáng lập của công ty này, ông Jack Ma (Mã Vân), đã bị tước quyền kiểm soát các công ty của mình kể từ năm 2020.
Ông Lý cho hay, “Về việc các doanh nhân Trung Quốc có tin vào [luận điệu của ĐCSTQ] hay không, điều đó còn tùy thuộc vào họ. Nếu họ hiểu lịch sử của ĐCSTQ và mục đích của ĐCSTQ là phục vụ chế độ độc tài độc đảng, thì họ nên rõ ràng về lựa chọn của mình.”
Ông Diệp cho biết, “Hệ tư tưởng của ĐCSTQ hoàn toàn đối lập với nền kinh tế tự do và xã hội dân chủ của các nước phương Tây. Rất khó để các quốc gia này tin tưởng ĐCSTQ bởi vì hoạt động kinh doanh thực sự dựa trên niềm tin và sự tín nhiệm.”
“Nếu quốc gia của quý vị không có uy tín, thì các nhà đầu tư sẽ rút vốn khỏi đất nước của quý vị. Cho dù thị trường của quý vị có lớn đi chăng nữa, thì họ cũng không sẵn lòng bỏ hết ‘trứng’ vào giỏ của quý vị đâu.”
Ông Lý nói thêm: “Điều chắc chắn duy nhất trong chính sách của ĐCSTQ là sự không chắc chắn của đảng này. Phương hướng chung của ĐCSTQ và của ông Tập rất minh xác, đó là sử dụng sức mạnh của toàn bộ đất nước để ảnh hướng đến toàn thế giới; lợi dụng tư tưởng của ĐCSTQ để định hình và thay đổi trật tự thế giới.”
Ông Lý cho biết, để đạt được mục tiêu này, “ĐCSTQ có thể sử dụng các nguồn lực quốc gia của mình để mua chuộc các chính trị gia và giới tinh anh trên toàn thế giới, đồng thời sử dụng thị trường rộng lớn của mình để trả đũa các quốc gia chỉ trích đảng này.”
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times